Anagarika Dharmapala và Hội Maha Bodhi

Lịch sử Phật giáo Ấn như một chứng tích điển hình trên con đường gập ghềnh của lịch sử Ấn Độ. Suốt một thời hưng thịnh, Phật giáo Ấn đã để lại cho nhân loại rất nhiều thành tựu quý báu thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng rồi, đến thế kỷ thứ XII, mọi dấu ấn của Phật giáo bắt đầu bị quên lãng trên miền đất khai sinh ra nó.

Anagarika Dharmapala


      Kể từ đó, vùng đất Ấn trở thành miếng mồi ngon cho các luồng tư tưởng phía Tây tràn đến, hết Hồi giáo lại đến Thiên Chúa giáo. Nền văn hóa Ấn bị thách thức và phải chịu thất bại gần như toàn diện. Đây cũng là giai đoạn suy thoái cùng cực của Phật giáo Ấn. Nhưng một khi thời kỳ suy thoái qua đi, giai đoạn hồi sinh mới lại đến. Thời kỳ hồi sinh mới của Phật giáo Ấn được đánh dấu bằng sự xuất hiện nhân vật người Sri Lanka, Tỳ kheo Anagarika Dharmapala, người có công lớn trong tiến trình phục hưng Phật giáo Ấn Độ trong thế kỷ thứ XIX khi đứng ra thành lập Hội Maha Bodhi (Đại Bồ Đề).
Anagarika Dharmapala (1864-1933) - người sáng lập Maha Bodhi
Ngài thế danh là David Hewavitharne, sinh ngày 17-09-1864 và mất ngày 27-09-1933, được giáo dưỡng trong dòng văn hóa Sinhalese, xây dựng trên nền tảng Phật giáo. Đây là giai đoạn Phật giáo suy thoái khắp nơi, trong đó có đất nước Sri Lanka của ngài. Chính thân sinh của ngài đã truyền cho ngài sự ý thức về văn hóa cổ truyền và tinh thần văn hóa Phật giáo. Theo bước cha mẹ, ngài quy y Tam bảo và giữ gìn Năm giới, sống cuộc đời trong sạch và bình dị.
Lớn lên, ngài học tại Trường Đại học Thánh Thomas gần Colombo, một trường giáo dục cao cấp của Thiên Chúa giáo. Hoàn cảnh lúc ấy không có sự chọn lựa nào khác. Tuy phải đọc kinh Cựu ước hằng ngày, nhưng hạt giống Bồ đề không phai nhòa, ngài dành thời gian đọc nhiều sách Phật, triết, tâm lý, đạo đức, lịch sử… 
Tháng 5-1880, hai nhà thành lập Hội Thông Thiên Học của thành phố New York, Ðại tá Olcott và bà Blavatsky (người Nga), đến  Sri Lanka xin quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới với một đại sư Sri Lanka, điều này đã tác động rất lớn đến tư tưởng ngài.
Năm 1884, 18 tuổi, ngài tham gia hoạt động cho Hội Thông Thiên Học tại Sri Lanka. Ngài cũng đã trải qua một thời gian nghiên cứu với bà Blavatsky tại trụ sở Hội Thông Thiên Học ở Ấn Độ. Ở đây, ngài có cơ hội trau dồi tiếng Pali và kinh điển Phật giáo. Năm 20 tuổi, ngài bắt đầu nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống và quyết tâm sống độc thân để dành trọn cuộc đời phụng sự Phật pháp. Từ đó, Ngài vào làm việc ở Hội Thông Thiên Học tại Sri Lanka, với tư cách là một nhân viên thư ký của chính phủ.
Từ năm 1885 đến 1889, Dharmapala đã dành hết thì giờ hoạt động cho phong trào chấn hưng Phật pháp. Trong thời gian này, Dharmapala cùng với đại tá Phật tử Olcott thành lập tờ tuần san “San-darasa” bằng tiếng Sinhalese và tháng 12-1888 lại cho ấn hành số đầu tiên tạp chí “The Buddhist” (Phật tử) bằng Anh ngữ. Tạp chí này sau trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Thanh niên Phật tử Colombo (Colombo Young Men’s Buddhist Association) và đến nay đã có một lịch sử lâu dài 75 năm phụng sự đạo pháp.
Tháng Giêng năm 1891, Đại đức Dharmapala cùng với một vị Tăng Nhật Bản, Đại đức Kozen Gunaratne, sang thăm các thánh tích Phật giáo tại Ấn Ðộ. Khi đến Ấn, ngài đã viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng. Ngài đã quá sung sướng và xúc động trước những thánh tính thiêng liêng liên quan đến cuộc đời và sự giác ngộ của Đức Phật; nhưng ngài cũng quá đau lòng khi thấy sự suy tàn hư hoại của thánh địa này. Ngài đã ngồi bên cạnh tòa Kim cang (Vajrasana) dưới cội bồ đề và phát nguyện sẽ hồi phục lại những di tích nơi sanh ra đạo Phật này.
Ngài qua đời tại Sarnath, Ấn Độ ngày 16-1-1933 vì bệnh tim, thọ 69 tuổi. Trước khi tịch, ngài phát nguyện: “Tôi muốn tái sinh trở lại đời này 25 lần để truyền bá giáo lý đạo Phật”.
Hội Maha Bodhi
(Maha Bodhi Society)
Hội Maha Bodhi do ngài Anagarika Dhammapala thành lập vào tháng 5-1891 với tôn chỉ phục hưng Phật giáo Ấn Độ, khôi phục các thánh tích Phật giáo ở Buddha Gaya, Sarnath và Kushinara. Ban đầu, trụ sở Hội đóng tại Sri Lanka, sau đó chuyển về Calcutta để tập trung toàn bộ thời gian cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Ấn và đòi lại quyền phục hồi thánh tích Bồ đề đạo tràng nổi tiếng. Từ đó, Anagarika Dhammapala đã đứng ra thành lập trung tâm đầu tiên ở Bồ Đề Đạo Tràng. Sau đó, rất nhiều trung tâm Phật giáo trực thuộc Hội đã được thành lập, Sarnath, Sanchi, Lucknow, Orissa, New Delhi, Chennai Ajmer, Bangalore, v.v…
Hội ra đời và được sự lãnh đạo của rất nhiều bậc tiền bối hữu danh, như ngài Anagarika Devapriya Valisingha, HT.Neluwe Jinaratane Nayake Thero, HT.Potuwila Gunarathana Nayake Thero, HT.TS.U. Dhammaratana Maha Thero, HT.M. Wipulasara Maha Thero và HT.TS.E. Nandisvara Nayaka Thero. Họ là những người có công rất lớn trong quá trình nắm giữ vai trò chấn hưng Phật giáo Ấn và giúp phát triển Hội rộng khắp thế giới.
Mục đích xã hội của tổ chức này là tham gia các hoạt động nhân văn và an sinh xã hội thông qua các chi nhánh của mình trên khắp nước Ấn. Hội hoạt động với chủ trương truyền bá tình thương và nhân từ trong tư tưởng Phật giáo đến khắp mọi người, góp phần xóa bỏ thị phi về đẳng cấp, tín ngưỡng hay sắc tộc… Bên cạnh các hoạt động từ thiện xã hội, Hội còn tham gia các hoạt động giáo dục, tổ chức rao giảng, truyền bá pháp Phật đến khắp mọi nẻo đường trên xứ Ấn.
Những hoạt động của Hội không chỉ bó hẹp trong chuyện rao giảng giáo lý mà còn thực hành lời Phật dạy, về tình thương, lòng từ bi và tinh thần tương trợ. Hội Maha Bodhi từng được các bậc danh nhân như: Mahatma Gandhi, TS. Rajendra Prasad, S. Radhakrishnan, J. Nehru, G.R. Tagore, S. Chittaranjan Das, I. Gandhi, M. Desai, L. Bahadur Shastri, Narsimha Rao v.v... quan tâm hướng dẫn, tư vấn…
Lịch sử Hội Maha Bodhi gắn liền với lịch sử chấn hưng Phật giáo Ấn độ và phong trào phát triển Phật giáo trên khắp thế giới.
Năm 1886, khi Edwin Arnold, tác giả của cuốn "The Light of Asia" (Ánh sáng Á châu) viết bài đăng trên tạp chí "The Telegraph" (Điện tín) xuất bản ở London mà ông là chủ bút, người phương Tây bắt đầu chú ý đến vấn đề người Phật tử thế giới đang vận động tái thiết ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng cùng những thánh tích trong vùng này. Đây là vị trí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử Phật giáo và của toàn nhân loại. Mọi người bắt đầu trông lại cây bồ đề cùng với việc khảo sát và tái trùng tu những di tích bị hoang phế, khảo cứu các tác phẩm kinh điển Phật giáo,…
Khi đọc được bài viết này, ngài Dharmapala đã phát tâm đi thăm viếng Bồ Đề Đạo Tràng vào ngày 22-1-1891. Sau đó, Ngài đã quay về Sri Lanka để triệu tập hội nghị thành lập Hội 'Buddha Gaya Maha Bodhi Society' vào ngày 31-5-1891. Đại lão HT.Hikkaduwe Sri Sumangala Nayake Maha Thera đã tán dương và hỗ trợ hết lòng, sau này ngài trở thành Chủ tịch Hội.
Ngày nay, dưới sự dẫn dắt của HT.TS. D. Rewatha Thero, Tổng Thư ký của Hội Maha Bodhi ở Ấn Độ, từ trung tâm Bồ Đề Đạo Tràng, mọi hoạt động của Hội đã được mở rộng để phục vụ cho toàn thể chúng sinh trên khắp địa cầu.
Những hoạt động của Hội bao gồm: tổ chức xây dựng nhà nghỉ cho khách du lịch và Phật tử hành hương, phòng thờ cho mọi người làm lễ, các dịch vụ cộng đồng cho tất cả mọi người. Ngoài ra, những hoạt động khác cũng được chú ý xây dựng như: các trạm phát thuốc miễn phí, trường học cho trẻ em nghèo, tổ chức các đội cấp cứu y tế, tài trợ, cấp học bổng cho người nghèo, người khuyết tật,…

Những hoạt động của Hội, như thế, ngày càng gây tiếng vang và có uy tín rộng khắp nước Ấn cũng nhưng phương Tây. Những hoạt động của Hội thường tạo nên nguồn cảm hứng và đánh thức tinh thần Phật giáo trong lòng người dân Ấn. Để từ đó, hàng triệu người Ấn ngày nay đang trên đường tìm về con đường tu tập giải thoát của dân tộc, nhằm phục hồi Phật giáo trên xứ sở của mình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày