Ảnh hưởng giáo dục Phật giáo với người Mẹ

Ảnh hưởng giáo dục Phật giáo với người Mẹ

Người Mẹ học được gì  từ Phật giáo?

Đạo Phật luôn đề cao chữ hiếu, xem như đấy là đức hạnh cao nhất của một con người, nhưng Phật cũng luôn chỉ ra những điều người Mẹ cần trang bị  trong việc giáo dục bản thân mình và nuôi dạy con cái. Ngay từ lúc mang thai, người Mẹ đã trải qua không chỉ những nỗi niềm hạnh phúc của sự mong đợi về đứa con sắp chào đời mà cả sự khó khăn, nhọc nhằn thậm chí đau đớn trong 9 tháng cưu mang. Chính lúc ấy, người Mẹ cảm nhận về cuộc sống chung quanh của mình và người khác. Họ cảm thấy quan tâm không chỉ cho con mình mà cả những đứa trẻ khác. Rồi khi sinh con ra, Mẹ chính là người lo lắng nhất với tất cả tình yêu, dù ích kỷ hay vị tha, nhưng suy cho cùng có tình yêu nào mà hoàn toàn vị kỷ đâu. Chúng ta thấy những nữ tù nhân khi sinh con ra, họ bỗng muốn được trở thành người tốt, quay lại để sống và cư  xử như một người Mẹ bình thường dù có khi phải vượt qua nhiều thử thách. Phật giáo dạy người Mẹ rằng giáo dục con cái là một hành trình nghiêm mật, không chỉ đơn thuần là nuôi nấng, chăm bón thức ăn cái uống. Để làm được thiên chức thiêng liêng ấy, người Mẹ phải vun trồng những hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình.

Phát triển Từ tâm

Sarah Napthali viết: "Nhiều người Mẹ tự khám phá điều này  cho chính mình: họ cảm thấy từ bi hơn đối với mọi người quanh mình..." vì họ thấy rằng quanh mình là những đứa con thân yêu của những bà mẹ khác. Tình Mẹ luôn được xem là thứ tình yêu chân thật nhất và vô điều kiện trên thế gian này.

Chúng ta đã thấy bao nhiêu Phật tử dù lớn tuổi vẫn khóc khi nghe thuyết pháp về tình Mẹ, vì họ cảm nhận ra bản thân mình trong hoàn cảnh đó. Thế nên nếu đọc kinh Phật, học giáo lý Phật để phát triển tâm từ, người ta có thể trở nên hòa nhã, kiên nhẫn và điềm tĩnh. Một người Mẹ do quá lo lắng trở nên cáu gắt, hành động hấp tấp, nói năng bừa bãi sẽ cảm thấy có lỗi vì đã hành động thiếu sáng suốt khiến người khác buồn bực hay thất vọng.

Như một bà mẹ tâm sự:

“Sau khi tôi sinh đứa con đầu lòng, tôi nhận ra rằng tất cả những tình yêu mà tôi từng trải nghiệm trước đó - đặc biệt đối với chồng - là ích kỷ. Tôi luôn luôn hỏi rằng, mối quan hệ này sẽ đem đến cho tôi điều gì? Và nếu như những mong đợi của tôi không được đáp ứng, bất kỳ cảm giác tốt đẹp nào cũng đều khô cạn hết thảy. Song, con gái tôi đã từng đẩy tôi vào cảnh địa ngục rồi lại đưa tôi trở ra, dẫu vậy, có một điều mà con tôi không thể làm được, đó là nó không thể khiến cho tôi ngừng yêu thương nó”. (Sarah Napthli- Buddhism for Motherhood).

Trong Upanishad nói: "Ngươi yêu con ngươi chẳng phải vì ngươi bị thu hút về nó; ngươi thương con ngươi vì ngươi bị thu hút về tâm linh chính ngươi". Câu này có nghĩa là khi ta yêu bất cứ ai, ta nhận ra ở họ tâm linh của ta theo ý nghĩa cao cả nhất. Nói theo Tagore: “Ta thấy ở đó cái chân lý rốt ráo của kiếp sống của ta, Paramatman, tâm linh tối thượng, ở nơi tôi cũng như ở con tôi và niềm vui mà tôi nhận thấy ở con tôi là sự nhận thức cái chân lý ấy” (Sahdana). Tương tự như thế, qua tình yêu dành cho con, người Mẹ mở lòng ra thế giới, chia sẻ niềm vui với mọi người. Lòng từ luôn đi liền với sự cảm thông và chia sẻ, vốn là những phẩm chất thiêng liêng mà giáo dục Phật giáo có thể đem lại.

Đối trị tâm sân 

Phật giáo không nhấn mạnh nhiều đến tứ đức hay đòi hỏi người phụ nữ hay người Mẹ phải hy sinh mà chỉ đưa ra những chuẩn mực hành động và ứng xử. Phẩm hạnh đến từ lời nói khi Phật mong mọi người dùng ái ngữ, nói những lời nhẹ nhàng, không xúc xiểm hay chỉ trích ai. Tương tự, hành vi và lối sống của một người Mẹ phải là tấm gương cho con trẻ sau này, thế nên giáo dục không  chỉ riêng người Mẹ mà mọi người phải sống trong Chánh niệm và Chánh kiến, nghĩ điều đúng và làm điều đúng.

Người Mẹ phải đương đầu với bao phiền muộn kể từ khi con còn bé cho đến ngày khôn lớn với bao nhiêu cảm xúc dồn nén khi phải lo toan việc nhà, việc công: “Là một người mẹ, tôi luôn đối mặt với cảm xúc thất vọng: nhiều việc muốn thực hiện nhưng tôi không thể vì phải dành thời gian chăm sóc con”. (S.N sđd). Phật giáo chỉ ra những phương pháp  kiểm soát cảm xúc, quan sát hơi thở để thư giãn và chiêm nghiệm.

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nhắc đến trong quyển Trái tim Phật đạo (The Heart of Buddha’s Path), rằng: “Khi cha mẹ là những người nhiệt tâm, an lạc và điềm tĩnh, nói chung con cái họ cũng sẽ phát triển những thái độ và hành vi đó”. Niềm hạnh phúc lớn nhất của con người bắt nguồn từ sự an bình nội tại. Giáo lý nhà Phật dạy chúng ta điềm tĩnh đón nhận mọi biến động xung quanh, chấp nhận một thực tại “như nó là” với những bất toàn mà không tỏ ra bực dọc, cầu toàn vì vinh nhục, được mất, thành bại nhiều khi không phải hoàn toàn do con người mà còn vì bối cảnh và thời đại. Sự điềm tĩnh của người Mẹ lan tỏa sang những đứa con khiến chúng bình tĩnh đón nhận những bất trắc của cuộc đời mà không quá căng thẳng và suy sụp khi gặp khó khăn hay thất bại.

Đối trị tâm si

Một người Mẹ hiểu giáo lý nhà Phật sẽ nhìn nhận cuộc sống đúng bản chất của nó vô thường và không hoàn hảo, từ đó không ngừng tinh tấn, tu dưỡng chính kiến, thoát khỏi những ảo tưởng phù phiếm vật chất và những tham vọng không có nền tảng đạo đức.

Khi những suy nghĩ và hành động của chúng ta kém sáng suốt, điều mà chúng ta cần làm là sự tỉnh thức, sự chú tâm, hơn là để cho chúng tự do trong vô thức. Mục tiêu của chúng ta là nhìn cho thật rõ cái gì đang đến. Chúng ta tích cực tu dưỡng những trạng thái tâm lành mạnh. Tu tập và di dưỡng trong tinh thần Phật giáo sẽ giúp người mẹ trở nên minh triết. "Khi con cái chúng ta lâm vào cảnh đau khổ, chúng không cần kiếm tìm một chuyên gia hay một uy quyền nào. Chúng hẳn không muốn chúng ta cung cấp cho chúng những câu trả lời từ trong sách vở, kinh nghiệm hay việc đã đi đây đó của chúng ta. Trong Phật giáo, tuệ giác không phải là những lời phán quyết và kiến thức để trả lời những câu hỏi”( S.N. sdd).

Khả năng nhận thức vấn đề một cách rõ ràng, giải quyết sự việc rốt ráo tận căn là yếu lý của đạo Phật, nói như HT.Trí Quang, "Nếu con người bị bỏ rơi mà chỉ tùy trần tục ảnh theo những vấn đề phụ thuộc như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trước hết, thì con người đã chết, đã thoái hóa tự bao giờ trước khi những thứ ấy thành công” (Tâm ảnh lục). Thế nên, dạy con làm người trước khi là bác sĩ, kỹ sư là mối quan tâm hàng đầu của người Mẹ và đạo Phật chính là "đạo cấp cứu con người, căn bản của xã hội mới" (TTQ). Đó là những gì mà người Mẹ có thể tìm nơi giáo lý nhà Phật. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày