Bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa ung thư - đó là nghiên cứu mới tìm thấy từ aspirin
Các bác sĩ còn kê toa aspirin cho các bệnh nhân bị chứng đột quỵ nhẹ (transient ischemic attack), theo kết quả từ nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Lancet.
Các cơn đột quỵ nhẹ khác với đột quỵ nghiêm trọng, do lượng máu lưu thông đến não bị đóng lại chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thường là không quá 5 phút - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).
Ngoài việc cần được can thiệp khẩn cấp bằng thuốc, các cơn đột quỵ nhẹ này cũng là dấu hiệu cảnh báo của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn trong tương lai. Điều này cần được báo động vì đột quỵ là nguyên nhân gây ra tử vong đứng hàng thứ 5 tại Hoa Kỳ, cứ 4 phút thì có 1 người tử vong do đột quỵ - thống kê của CDC.
Các chuyên gia ở Châu Âu đã phân tích dữ liệu từ 16.000 người tham gia 12 cuộc thử nghiệm để tìm hiểu hiệu quả về dài hạn của aspirin trong ngăn ngừa các cơn đột quỵ tiếp nối theo sau cơn đột quỵ nhẹ. Các nhà nghiên cứu cũng phân tích dữ liệu từ 40.000 người trong 3 cuộc thử nghiệm khác về khả năng điều trị tiềm năng của aspirin với đột quỵ cấp tính.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tác dụng quan trọng của aspirin trong việc giảm nguy cơ đột quỵ sau các cơn đột quỵ nhẹ. Giải pháp điều trị tức thời với aspirin có thể giúp giảm nguy cơ và tính nghiêm trọng của sự tái xuất hiện của các cơn đột quỵ. Từ khám phá này, các bác sĩ có thể kê toa aspirin ngay lập tức nếu nghi ngờ có đột quỵ nhẹ ở bệnh nhân mà không nhất thiết phải chờ đến đánh giá chuyên khoa và tìm hiểu thêm bệnh tình - theo nghiên cứu.
Theo thống kê, có khoảng 10-15% người bị đột quỵ nhẹ tiếp tục bị thêm một cơn đột quỵ nữa trong thời gian 3 tháng. Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy đột quỵ nhẹ làm giảm tuổi thọ, do người bệnh không tìm đến điều trị y khoa. Còn nếu có, thường bệnh nhân lại để đến vài ngày sau nữa. Và một nửa sự tái phát của đột quỵ bắt nguồn từ các đột quỵ nhẹ đã từng xảy ra.
Các chuyên gia kết luận rằng: Có thể uống aspirin nếu nghi ngờ mình bị đột quỵ nhẹ, nhất là khi không có sự can thiệp y khoa kịp thời.
Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)