GN - Nhân dịp trước thềm năm Giáp Ngọ 2014, nhà sư xin kể lại bài kinh Chỉ-thi (số 923, Tạp A-hàm) được Đức Phật chỉ dạy về ba cách điều phục ngựa dữ, ngựa điên và một cách đoạn diệt (loại trừ) nó nếu như không thể điều phục được. Thiết nghĩ lời dạy trong kinh này sẽ là một bài học vô cùng ý nghĩa giúp những người con Phật chúng ta đạt được nhiều lợi ích an vui trong năm mới.
Một hôm tại vườn Trúc, thành Vương-xá có một người chủ tụ lạc chuyên nghề huấn luyện ngựa đến hầu thăm Đức Phật và thưa với Ngài rằng:
Bạch Thế Tôn, đối với con thế gian này đầy dẫy sự vô thường, thật không đáng chấp thủ, như bọt biển, như dã tràng; chỉ có con mới có khả năng điều phục được ngựa dữ, ngựa điên, ngựa hoang. Con có phương pháp chỉ cần trong giây lát là có thể khiến cho những chứng tật của chúng hiện ra và tùy theo tật đó mà có cách điều phục.Đức Phật hỏi người huấn luyện ngựa:
- Ông có bao nhiêu cách để điều phục?
Đức thế tôn và chư vị Thánh đệ tử của Ngài - (Tranh PGNN)
Người huấn luyện ngựa thưa:
- Bạch Thế Tôn! Có ba cách để điều phục ngựa dữ. Những gì là ba? Một là mềm dịu, hai là thô cứng, ba là vừa mềm dịu vừa thô cứng.
Đức Phật bảo người huấn luyện ngựa:
- Ông dùng ba phương cách này để điều phục ngựa, nếu không điều phục được thì phải làm thế nào?
Người chủ tụ lạc thưa rằng:
- Nếu không điều phục được thì nên giết nó. Vì sao? Vì chớ để nó làm nhục mình; tức khi nó sanh chứng sẽ làm hại mình chết.
Người huấn luyện ngựa lại bạch Phật rằng:
- Thế Tôn là bậc Vô thượng Điều ngự trượng phu, Ngài đã dùng bao nhiêu pháp để điều ngự trượng phu?
Đức Phật trả lời:
- Ta cũng dùng ba cách để điều ngự trượng phu. Những gì là ba? Một là một mực mềm dịu, hai là một mực thô cứng, ba là vừa mềm dịu vừa thô cứng.
Đức Phật giảng dạy rõ:
- Thứ nhất, “một mực mềm dịu là như nói rằng: Đây là thiện hành của thân; đây là quả báo của thân thiện hành. Đây là thiện hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý thiện hành. Đây gọi là trời. Đây gọi là người. Đây gọi là sự hóa sanh nơi cõi thiện. Đây gọi là Niết-bàn”. Đó gọi là một mực mềm dịu.
Qua đoạn kinh, chúng ta thấy phương pháp “một mực mềm dịu” của Đức Phật dạy hết sức đặc sắc. Đức Phật dạy cho chúng ta khi đã hiện hữu và đi vào cuộc đời hãy luôn nhớ thể hiện tấm lòng từ bi, tức là phẩm cách thân thiện đối với cuộc đời, nhất là đem chân lý giáo pháp giới thiệu cho chúng sanh, cho con người thấy, biết rõ tính “nhân - quả” trong cuộc sống nhân sinh. Đây chính là ý pháp “một mực mềm dịu” mà Đức Phật đã dạy.
Như chúng ta đã chứng kiến suốt thời cận đại, một trăm năm của thế kỷ XX, rồi 13 năm đầu của thế kỷ XXI, văn minh thế giới phát triển, phương tiện vật chất ngày càng hiện đại để phục vụ cuộc sống con người. Nhưng cũng rất rõ ràng, con người thời hiện đại lại dễ bị những phương tiện vật chất này trói buộc, làm cho tâm tánh ưa thích thụ hưởng trở nên tham chấp, tích kỷ… từ đây tham sân si nảy nở. Chính nghiệp thức này trói buộc lại con người.
Một khi con người bị pháp trần chi phối, lôi cuốn theo dòng đời thì chắc chắn phải bị “thất điên bát đảo”, bởi khi ấy tâm thức con người chẳng khác nào con ngựa luôn luôn thích dong ruổi, đảo điên theo dòng đời. Đức Phật đã từng dạy “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Trong mỗi chúng sanh, mỗi con người đều có tánh Phật, nếu chúng ta biết khéo đánh thức thì nó sẽ tỉnh ngộ, quay đầu.
Các bậc cổ đức cũng thường hay khuyến hóa “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Được sinh thân làm người, điều căn bản là nơi chúng ta ai cũng có tánh thiện. Khi mê chấp và vô minh thì tham sân ác quấy nhưng nếu nhận ra, biết nó là xấu ác, khéo điều phục, chữa trị thì xấu quấy ác cũng lặng chìm và đoạn sạch. Đây là Trời, là người, là sự hóa sanh nơi cõi thiện, là con đường thẳng đến Niết-bàn; được gọi là “một mực mềm dịu”.
Hãy đưa sự thân thiện đến với mọi người, hãy giới thiệu thật rõ tính tương quan tương duyên của nhân và quả trong cuộc sống. Nơi đây, đặc biệt là chúng ta gieo nhân hiền thiện thì chắc chắn được hưởng quả báo an vui, hạnh phúc.
- Thứ hai, “một mực thô cứng là, như nói: Đây là ác hành của thân; đây là quả báo của thân ác hành. Đây là ác hành của miệng, ý; đây là quả báo của miệng, ý các hành. Đây gọi là địa ngục. Đây gọi là ngạ quỷ. Đây gọi là súc sanh. Đây gọi là ác thú. Đây gọi là đọa ác thú”. Đó là sự giáo hóa thô cứng của Như Lai.
Rõ ràng càng đọc kinh, càng suy ngẫm và cảm nhận chúng ta thấy rõ đức Đại từ Đại bi của Đức Phật đối với chúng sanh. Những điều tội lỗi, ác quấy chúng sinh gây tạo Ngài đều thấy biết rõ. Thế mà khi đối diện trước cuộc sống Ngài cũng không đành thấy chúng sinh bị thọ quả khổ nặng nề. Ngài chủ động đem giáo pháp một mực mềm dịu chỉ bày tường tận trước. Khi nào chúng sanh chưa nhận ra, Ngài mới buộc lòng đem “pháp thô cứng” để đánh thức chúng sanh, đánh thức con người.
Từ bao đời, ông bà ta từng dạy: hễ trồng cây nào thì hưởng quả nấy. Nếu con người thân cứ hành động ác, miệng cứ nói lời ác và ý cứ nghĩ tưởng ác thì nhất định quả báo ác sẽ hồi đáp con người. Hàng ngày trong cuộc sống con người cứ tự do phóng túng, hành xử tham sân si; thân biểu thị hành động ác; miệng mắng nhiếc, rủa chửi, vu oan giá họa cho người khác và tâm ý thì mưu mô hiểm độc… với người xung quanh thì nhất định nỗi khổ về địa ngục (sự trói buộc), ngạ quỷ (đói khát), súc sanh (đọa khổ) cũng sẽ mãi đeo đẳng cuộc sống nơi chính mình. Đức Phật đã nhấn mạnh đây là “sự giáo hóa thô cứng” của Như Lai.
- Thứ ba, “vừa mềm dịu vừa thô cứng là có lúc nói thiện hành của thân và quả báo của thiện hành của thân. Có lúc nói thiện hành của miệng, ý và quả báo thiện hành của miệng, ý. Có lúc nói ác hành của thân và quả báo ác hành của thân. Có lúc nói ác hành của miệng, ý và quả báo ác hành của miệng, ý. Như vậy gọi là trời, như vậy gọi là người, như vậy gọi là đường lành, như vậy gọi là Niết-bàn; như vậy gọi là địa ngục, như vậy gọi là súc sanh, ngạ quỷ, như vậy gọi là đường ác, như vậy gọi là đọa đường ác”. Đó gọi là sự giáo hóa vừa mềm dịu vừa thô cứng của Như Lai.
Điều phục ngựa
Điều này nghĩa là đối với cuộc sống vô vàn phức tạp này, người Phật tử cũng phải biết tùy duyên mà ứng dụng giáo pháp. Điểm đặc biệt là dù thế nào cũng không tách rời giáo lý nhân quả.
Khi nào thân hành thiện thì quả báo thiện sẽ đến với thân; miệng và ý cũng như vậy. Khi nào thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác thì nhất định quả xấu, quả ác cũng sẽ đến với chúng ta như bóng theo hình.
Như vậy, con đường quả báo Trời, quả báo người, quả báo lành hay Niết-bàn đều do chính mình tạo ra, mình làm nên. Tương tự, quả báo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, quả báo ác, đọa đường ác… cũng đều do chính con người, chính chúng ta làm nên mà thôi, chứ không phải do ai đem đến hay gây tạo rồi gắn nó cho mình. Đây chính là sự giáo hóa “vừa mềm dịu vừa thô cứng” của Như Lai.
Bấy giờ, người huấn luyện ngựa bạch Phật:
- Thế Tôn! Nếu dùng ba phương pháp này để điều phục chúng sanh, nhưng nếu không điều phục được thì phải như thế nào?
Đức Phật bảo chủ tụ lạc rằng:
- Cũng giống như ông đã cư xử với hạng ngựa bất trị, phải đành đoạn diệt, tức là giết chết nó đi. Vì sao? Vì không nên để họ làm nhục giáo pháp.
Người huấn luyện ngựa bạch Phật:
- Đối với pháp của Thế Tôn, nếu sát sanh thì không thanh tịnh. Trong pháp của Thế Tôn cũng không cho sát sanh, mà nay lại bảo đoạn diệt? Vậy thì ý nghĩa của nó thế nào?
Đức Phật bảo chủ tụ lạc:
- Đúng vậy, đúng vậy! Trong pháp của Như Lai sát sanh là không thanh tịnh; trong pháp của Như Lai cũng không cho sát sanh. Nhưng trong pháp của Như Lai nếu dùng ba phương pháp để giáo dục, vẫn không điều phục được, Ta sẽ không nói đến họ, không dạy, không nhắc nữa. Chủ tụ lạc, ý ông thế nào? Trong pháp Như Lai, không nói đến họ, không dạy, không nhắc nữa, há không phải là đoạn diệt (giết rồi) hay sao?
Đến đây, người luyện ngựa lại thưa:
- Thật vậy, bạch Thế Tôn, không nói đến họ, vĩnh viễn không dạy, không nhắc nữa thì đích thị họ đã chết rồi! Vì vậy cho nên, từ ngày hôm nay con nguyện lìa các nghiệp ác bất thiện, xin Thế Tôn chứng minh cho con.
Sau cùng, nhà sư cầu nguyện chư Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hộ trì cho những người con Phật chúng ta luôn được sung mãn Bi-Trí-Dũng như nắng ấm mùa xuân, luôn đem ngọn gió yêu thương mềm dịu đến với cuộc đời, với mọi người; riêng đối với chính mình thì lúc nào cũng tinh tấn tỉnh thức như sức ngựa “Kiền-trắc” vượt sông mê trần thế lần về bến giác.
“Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Người trí như ngựa phi
Bỏ sau con ngựa hèn”.
(Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
HT.Thích Giác Toàn
TP. Hồ Chí Minh, Xuân Giáp Ngọ - 2014