Ba còn có con

0:00 / 0:00
0:00
GN - Mai về đến cổng, nụ cười trên môi vụt tắt. Mai chần chừ. Thực sự nó không muốn về nhà, không muốn nhìn thấy ba suốt ngày triền miên trong men rượu, lèm bèm chửi rủa, hằn học trách móc rồi lại rưng rức khóc trong đau khổ.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1142 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1142 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Mai không chịu được. Mai thương ba nhưng cũng rất sợ ba. Thương những khi ba ôm mặt khóc, ba co người lại, đầu cúi thấp xuống hai đầu gối, đôi vai rung lên; sợ khi ba tức giận, ba sẽ quăng ném tất cả những gì trong tầm với về phía Mai. Ánh mắt của ba mỗi khi nhìn Mai làm cô vừa thương vừa sợ. Ánh mắt vừa như chứa đựng sự uất hận, vừa như buồn tủi, vừa như xót thương. Thực sự Mai cũng không hiểu nổi nữa. Từ ngày mẹ bỏ đi, tính nết ba trở nên thay đổi, thất thường. Từ ngày mẹ bỏ đi, tiếng cười trong ngôi nhà này bỗng trở nên xa xỉ.

Ngày xưa, Mai luôn sung sướng cười híp mí khi nghe ai đó nói mình “càng lớn càng giống mẹ”. Nhưng đó là ngày xưa, ngày mà mẹ chưa bỏ ba con Mai để đi theo người đàn ông khác. Còn bây giờ… Mai hít một hơi thật dài rồi thở ra, lắc đầu xua đi mớ ý nghĩ hỗn độn làm rối tâm trí. Nó đẩy nhẹ cánh cổng, dắt xe vào sân. Con Tũn thấy chủ về thì vội chạy ra mừng, cái đuôi vẩy rối rít. Mai cúi xuống, đưa tay vỗ nhè nhẹ lên đầu con vật rồi chợt ngừng lại. Nhà hôm nay yên ắng quá. Cánh cửa vẫn khép như hồi sáng khi Mai đi làm. Mai chợt giật mình bước nhanh qua mấy bậc tam cấp, mở cửa vào trong nhà.

- Ba! Ba sao thế này? Ba đau chỗ nào?

Anh Tấn mệt mỏi hé mắt, khó nhọc cất tiếng nói:

- Mai đã về hả con?

Mai nhìn nhanh ra bộ bàn ghế uống nước, vẫn y như hồi sáng nó đi. Nó vội hỏi:

- Từ sáng đến giờ ba chưa ăn gì sao? Để con đi mua chút cháo cho ba ăn nhé.

Thấy ba chớp nhẹ mắt ra chiều đồng ý, Mai chạy vù ra sân, nổ máy xe đi. Nó sẽ ra ngay đầu con hẻm nhà mình mua cháo của bà Tư. Bà Tư bán cháo lòng ngon số một ở khu này nên lần nào bà bán cũng chừng hai tiếng là hết hàng. Lúc đi làm về Mai thấy bà đã dọn hàng ra rồi. Có miếng cháo nóng ấm bụng chắc ba sẽ khỏe hơn thôi. Cũng tại dạo này ba ăn uống thất thường, lại hay uống rượu, hay thức đêm quá nên mới vậy... Mai vừa đi vừa suy nghĩ mông lung đủ thứ chuyện.

*

Con đi rồi, anh Tấn nằm một lúc nữa mới cố rướn mình ngồi dậy. Từ sáng đến giờ anh chưa có cái gì vào bụng. Nhưng cũng chẳng muốn ăn cái gì. Hồi sáng sớm nó chào anh để đi làm, anh đã thấy gây gấy, kinh kinh trong người, miệng đắng, chân tay bủn rủn. Rồi anh tính ngủ thêm một chút sẽ dậy làm hàng, vậy mà anh nằm li bì đến tận chiều.

Từ ngày vợ bỏ đi, đây là lần đầu tiên anh bình tĩnh suy nghĩ mọi chuyện. Ngồi một mình trong ngôi nhà im ắng, anh tự trách mình tệ quá, đã không lo cho con ăn học đến nơi đến chốn; bao nhiêu giận dỗi, trách móc với vợ anh lại trút lên con. Nó có lỗi gì đâu. Nó vẫn lo cho anh và còn thương anh hơn nữa. Anh cau mày, hai giọt nước mắt lặng lẽ bò xuống má.

Anh Tấn gặp vợ vào một đêm mưa. Buổi chiều hôm đó chủ thầu bàn giao công trình xong có tổ chức cho anh em thợ hồ liên hoan một bữa, khi tan tiệc cũng đã nửa đêm. Trời mưa! Tấn đang phóng xe chạy vèo vèo trong đêm trên con đường vắng, vừa đi vừa thì thầm vài câu hát. Đến khúc cua vào con hẻm về nhà bỗng Tấn thắng khựng lại khi nhìn thấy một bóng người ngồi co phía dưới tán cây. Định thần lại, Tấn sừng sộ:

- Muốn nhát chết người khác à! Đúng là đồ thần kinh!

Nói vậy rồi lại nổ máy xe chạy tiếp. Vừa chạy vừa lầm bầm trách người dở hơi nào đó ngồi dưới mưa giữa đêm hôm khuya khoắt khiến Tấn hồn vía thất kinh, tỉnh hẳn rượu. Về đến phòng trọ, Tấn tắm rửa, thay đồ. Leo lên giường định đánh một giấc đến sáng nhưng cái bóng người ngồi thu mình giữa đêm mưa dưới gốc cây hoa sữa cứ quẩn quanh trong đầu Tấn. Trên chiếc giường một, anh trở qua trở lại “chắc hẳn họ có chuyện gì đó không thể về”. Anh vùng dậy, lấy chiếc áo mưa treo ở góc phòng còn chưa kịp ráo nước mặc vào, miệng thì thầm: “Thà không biết, không thấy thì thôi. Đằng này…”

Tấn ra dìu người đó đang run lên vì lạnh về phòng trọ của mình. Đó là một cô gái trẻ, chắc phải kém Tấn cả chục tuổi. Trong bộ quần áo rộng thùng thình của Tấn, cô gái ngượng ngùng, đôi má càng ửng lên, đôi mắt cụp xuống thẹn thùng. Tấn nghe tim mình loạn nhịp. Hôm sau, khi cô gái khỏe hẳn, Tấn hỏi về gia đình, nhà cửa, cô chỉ lảng tránh với ánh mắt buồn rười rượi, ầng ậng nước. Tấn bối rối, không nỡ hỏi thêm. Cô xin anh cho ở lại một thời gian đến khi tìm được việc làm thì đi.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, lại sống cùng nhau trong một căn phòng nhỏ hẹp. Một buổi Tấn đi làm về, vừa bước đến cửa phòng trọ cô đã ào ra ôm cổ anh, hôn lên đôi môi anh thì thầm: “Em có bầu rồi!”. Lúc đó cô vẫn chưa xin được việc. Nghe xong, khuôn mặt Tấn chẳng ra vui cũng chẳng ra buồn. Giờ phải làm sao? Tấn gượng cười. Anh chưa từng nghĩ đến sẽ có ngày gặp tình huống như thế này.

Hai hôm sau, Tấn xin nghỉ làm vài ngày để đưa Hoa về quê. Mẹ Tấn vừa nhìn thấy Hoa đã kéo con trai ra một chỗ thủ thỉ:

- Không được đâu con ơi. Cứ nhìn cái đuôi mắt của nó thì biết. Con người này lẳng lơ, chẳng sống với mày cả đời được.

Nói thì nói vậy nhưng khi biết Hoa đã có bầu, ba mẹ Tấn cũng đành bấm bụng làm vài mâm cáo với tổ tiên, mời bà con làng xóm. Gọi là lễ ra mắt họ hàng thân tộc thôi chứ chẳng tổ chức cưới xin gì bởi đàng gái chỉ có mỗi cô dâu. Xong, vợ chồng Tấn lại đưa nhau lên thành phố, sống trong căn phòng trọ chật hẹp. Tấn gắng làm hơn, ít nhậu hơn. Cố gắng chăm sóc cho Hoa và đứa con trong bụng thật tốt. Bao nhiêu năm đi làm dành dụm, cộng với ba mẹ Tấn bán một phần đất ở quê, thêm vay mượn, Tấn cũng mua được ngôi nhà trong hẻm ở vùng ven. Coi như cũng gọi là ổn. Giờ lo đi làm trả nợ, nuôi vợ con.

Bé Mai đủ tuổi gửi trẻ, Hoa cũng tính chuyện đi làm. “Đi làm còn phụ chồng trả nợ nhà chứ”. Tấn nghe vợ tâm sự vậy thì mừng lắm. Anh định xin cho Hoa chân nấu ăn trong đội phụ hồ của mình nhưng Hoa giãy nãy: “Chồng nghĩ sao lại muốn vợ đi đày nắng đày mưa vậy chứ. Hai nữa, làm ở đó, có khi theo công trình xa, đến cả tháng mới về. Con bỏ cho ai?”. “Ừ nhỉ! Còn con nữa mà. Hay gửi con về quê cho ba mẹ…”. Tấn chưa nói xong Mai đã gạt đi: “Thôi, chồng không phải lo, em đã có chỗ rồi. Ngay cạnh trường mầm non của con có quán cơm, em xin phụ ở đó. Cứ sáng đưa con đi, ghé sang làm. Tối đón con về luôn”.

Vậy là từ đó Hoa bắt đầu đi làm. Sáng ra hai mẹ con bắt xe buýt đi. Có những hôm Tấn không đi làm, có ý muốn chở hai mẹ con đi thì Hoa gạt đi: “Có được ngày nghỉ, chồng cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Em đi xe buýt quen rồi, lại đỡ bụi bặm”. Ừ, cũng đúng. Tấn mỉm cười, hôn lên má con một cái rõ kêu rồi tạm biệt hai mẹ con Hoa.

Bé Mai cũng lớn dần. Nợ nhà cũng xong. Cuộc sống của gia đình nhỏ tưởng cứ bình yên trôi qua vậy mà năm con học lớp 8, Tấn bị tai nạn. Trong một lần đang làm anh bị ngã giàn giáo, một bên chân bị giập nát, bàn chân phải nát ra, phải cắt bỏ. Xương quai hàm bị vỡ phải ghép lại, băng bó.

Thời gian đó, Hoa phải nghỉ làm để ở nhà chăm chồng con. Hoa hay cau có, gắt gỏng. Tấn không giận mà càng thương vợ hơn. Bao nhiêu gánh nặng công việc gia đình dồn hết cho Hoa, có đôi lúc khó chịu, gắt gỏng cũng là điều bình thường. Tấn khỏe lại nhưng không theo công trình được nữa, thu nhập gia đình eo hẹp lại, chỉ trông chờ vào tiền phụ quán cơm của Hoa. Không thể thế này mãi được, Tấn nghĩ vậy và bắt đầu tính chuyện kiếm việc làm. Anh nhận hàng mây về đan ghế, chăm chỉ, nhanh cũng đôi ba triệu một tháng. Vậy cũng tạm ổn…

- Ba ơi, ba đói lắm đúng không? Nay bà Tư đông khách quá, con phải chờ mãi mới đến lượt. Ba ăn đi cho nóng.

Con bé Mai vừa bưng tô cháo vào vừa nói. Chẳng biết anh còn suy nghĩ lung tung đến khi nào nếu con chưa về. Anh ngồi ngay ngắn, bưng tô cháo còn đang tỏa khói đưa lên miệng. Lúc này anh mới thấy bụng đói cồn cào. Anh ăn cháo mà nước mắt cứ trào ra. Từ ngày vợ bỏ đi hơn một năm nay, anh đâm ra chán nản. Anh giận người đàn bà bội bạc ấy, giận lây sang cả con. Rồi làm thì ít mà rượu thì nhiều. Hàng giao thường xuyên không đúng hẹn khiến chủ mối càm ràm miết. Còn cái Mai cố mãi hết lớp chín thì nghỉ đi phụ cho một xưởng làm chả cá. Anh thở dài, đưa tay dụi mắt nhìn con:

- Con xin đi học lại đi, đừng bỏ. Ba sẽ cố gắng làm để lo cho con.

Nó nhìn anh cười:

- Ba cứ ăn hết tô cháo đi rồi nghỉ ngơi cho khỏe ạ. Con cũng tính qua năm xin đi học lại. Con xin học bổ túc ba ạ. Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện dạy buổi tối, ban ngày con vẫn đi làm, ban đêm sẽ đi học. (Giọng con bé bỗng chùng xuống) Giờ con chỉ mong ba khỏe và vui vẻ như ngày xưa thôi. Ba đừng buồn nữa nhé, ba còn có con mà!

Đôi mắt Mai bỗng đỏ hoe, cánh mũi nó phập phồng. Mai ngả đầu vào lòng ba. Anh Tấn đưa bàn tay to chai sạn vuốt vuốt mái tóc con, môi mấp máy không thành tiếng: “Ừ, cũng may, ba còn có con!”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày