Mảnh đất ân tình

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tôi đeo ba lô đi ngang qua cây cầu xi-măng mới sơn xong một nửa, đầu cầu đề một cái tên mỹ miều, lạ hoắc, hình như tên người bỏ tiền xây cầu cho một vùng nông thôn đang phất lên.

Chỗ này ngày tôi bé thơ còn là cây cầu khỉ, trời mưa lại trơn trượt, mỗi lần qua cầu tôi phải cởi đôi dép cầm trên tay rồi bám chặt ngón chân xuống khúc gỗ bắc ngang qua mấy nhịp chòng chành…

Đằng kia, mảnh đất cỏ dại mọc xanh um. Đám sậy mọc khỏi đầu người trổ bông trắng ngấy. Sậy che khuất cái nền nhà cũ loang lổ. Mảnh đất cũ nay đã thành hoang phế. Đứng trên cầu cao trong một chiều bảng lảng khói, tự dưng tôi thấy mắt mình cay xè.

*

Bao phen đổi dời, những cuộc chuyển di, những lớp người lần lượt rời khỏi xóm nhỏ suốt những năm tôi xa xứ. Có người trở về. Có người dửng dưng tìm vui nơi đất khách. Tôi thấy nhẹ lòng, bởi sau bao năm rời đi thì cuối cùng tôi cũng chọn cách quay về để đối mặt với những chuyện đã qua. Cuộc sống đã đóng đanh vào lòng tôi, hình hài của những vết thương không thứ tự.

Ngày tôi về, trời đứng gió, chỉ có khói lam màu bảng lảng trên dòng sông, trên vạt lau sậy khẽ rung rinh lay động. Tôi đứng ngớ người, lặng thinh. Cái vỗ vào vai khiến tôi giật mình ngoái lại.

- Ai như út Việt phải không? - Tôi chưa kịp xác nhận, người đàn bà nói tiếp - Trời, đúng là út Việt! Lớn dữ thần, chút nữa nhận không ra. Bao lâu nay đi đâu mà biệt tăm vậy út Việt?

Đó là người hàng xóm tốt bụng của tôi, dì Hai nhà ở cạnh con mương chỗ tôi thường xách cần câu ra cắm nhử cá lóc. Tôi nhớ ngày nhỏ dì Hai thương tôi lắm, có gì ngon cũng kêu tôi sang ăn cùng, dì còn hứa chừng lớn lên sẽ gả con gái dì cho tôi. Mặt tôi đỏ như trái cà chua. Con nít biết gì đâu mà cưới với hỏi. Tôi gặp dì Hai tay bắt mặt mừng, tôi hỏi dì chuyện nhà cửa, chuyện cô bạn nhỏ năm nào. Dì Hai bảo cô ấy giờ đi lấy chồng xa, mỗi năm về nhà có hai, ba bận. Dì trách tôi bỏ xóm đi làm chi để con gái dì đợi chờ rồi phải lấy vội một tấm chồng trước khi thanh xuân phai nhợt.

Tôi thấy lòng mình áy náy. Sợ tôi buồn, dì Hai cười giòn khấy, “Tao nói giỡn vậy chớ nó lớn thì phải lấy chồng, bây đừng có nghĩ ngợi”.

- Từ hồi bây đi, vợ chồng thằng Thuấn sống tệ lắm! Vợ nó bài bạc đen đỏ, còn nó thì rượu chè - Dì Hai hất mặt về phía mảnh đất cũ - Miếng đất đó cũng cầm cố cho người ta rồi hai vợ chồng lưu linh lạc địa tới giờ.

Tôi ngoảnh vội mặt đi:

- Anh Hai con tệ quá, có miếng vườn hương hỏa cũng không giữ nổi.

Dì Hai tiếp lời:

- Bây về thì coi phát cỏ mồ mả, có dư dả thì chuộc lại miếng đất để Tết nhứt còn có chỗ mà về hương khói, đi đâu còn có nơi gọi là “nguồn cội” để trở về…

Tôi gật đầu thay lời cảm ơn người hàng xóm tốt bụng. Dì đứng nấn ná thêm chút nữa, hỏi qua về công việc, giục tôi cưới vợ, dì ghẹo “vô hàng bốn mươi con gái nó chê”. Tôi cười, dì xoay mặt đi rồi bước qua cầu ngược hướng tôi về căn nhà nhỏ xa xa, trước nhà có cây gòn lá thưa nẹo trái…

*

Ngoài ba mươi, hơn mười năm rời xóm nhỏ vừa làm vừa học, biết bao cơ hội đã mở ra trước mắt tôi. Đám bạn nói tôi sống tốt, một phần vì tôi cực từ hồi trẻ nên trời thương, tôi nhanh chóng thăng tiến. Học xong mấy năm đại học, cầm tấm bằng kỹ sư nông nghiệp trong tay, tôi đi cùng khắp đất nước, nay rừng biển, mai núi non… chỗ nào cũng hằn in vết chân của tôi. Nơi tôi đi qua cây cối xanh um, cà-phê giống mới được trồng ở đất cao nguyên, lúa nếp dẻo thơm mới ra khỏi phòng nghiên cứu được cấy thành công ở vùng đồng bằng châu thổ… Tôi đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Tôi trở thành “chuyên gia tư vấn” cho nông dân, họ tin tôi tuyệt đối, họ không ngại thử thách những giống mới vì chắc chắn giống mới sẽ đem lại năng suất cao.

Tôi quyết định bỏ việc ở một cơ quan “ngon lành” ở thành phố. Về quê. Đám bạn tôi sững sờ tưởng tôi nói đùa. Sau khi biết tôi nói thật, chúng bảo tôi điên, trong khi đám bạn tôi vẫn còn phải đi làm công việc trái ngành học, đứa vẫn bấp bênh nay nộp hồ sơ chỗ này, mai chỗ khác… vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. Ừ thì tôi điên, chứ ai bình thường mà tự động rút khỏi một cơ quan tốt mà bao người mơ được bước vào cống hiến. Tôi bỏ phố về quê, không phải theo cách đầy mơ mộng mà giới trẻ thường nghĩ: “bỏ phố về vườn”, “nuôi cá trồng rau”,… Tôi về để đối mặt với những ngổn ngang - kết quả của một quá khứ đầy xáo trộn. Về để nhìn lại những khuôn mặt quen, nay chắc thành xa lạ, để quét sạch mớ tro tàn.

Xóm giờ thay da đổi thịt, con đường đất năm nào đất bùn nhoèn nhoẹt, mỗi bận đi học trời đổ mưa là bùn lầy dính từ đầu đến chân, nay được đổ bê tông sạch sẽ, xe máy chạy bon bon. Tôi đeo ba lô và đi thong dong, cố đi thật chậm để nhìn ngắm cảnh vật chung quanh, để nhận sự lạc lõng của bản thân giữa nơi chôn nhau cắt rốn.

Nắng nghiêng qua sông vắng. Ngồi trên bờ sông, tôi bỗng nhớ đến cái ngày má nắm tay hai anh em dẫn xuống chiếc xuồng con bơi sang nhà bà ngoại ăn bánh ít nhân dừa béo ngậy. Thuở ấy hồn nhiên trong ngần, tôi như con chuồn chuồn tập bay bên bờ sông xanh xanh màu cỏ biếc. Tôi rưng rưng nhớ khoảnh khắc hai anh em chúng tôi nối đuôi nhau đi qua cây cầu khỉ lắt lẻo gập ghềnh đến trường.

Gia cảnh khó khăn, phần vì anh Hai tôi không thiết tha với chuyện học hành nên anh Hai tôi quyết định nghỉ học. Tôi lủi thủi đến trường một mình. Thời gian trôi nhanh như dòng sông. Anh em tôi lớn lên, mỗi người mỗi tính. Má không rầy được nên anh em tôi tự liệu mà sống, lưng má ngày một còng đi. Căn bệnh hô hấp hành hạ má qua từng cơn ho sù sụ, đôi khi ho ra máu. Má ngày một ốm o. Tôi thương má vô kể. Ngày anh Hai tôi lấy vợ má mừng rơi nước mắt, vậy chỉ còn mỗi mình tôi nữa là má đã làm tròn bổn phận của mình, má có thể yên tâm mà xuống dưới gặp ba…

Nhưng tôi chưa kịp học hết cấp ba nữa thì má đã ra đi. Mãi mãi. Má về với gió trời. Má hóa thành đám mây bay lửng lơ trên tầng trời, tôi có thể nhìn thấy chứ không thể nào chạm vào, nắm níu, ôm ấp được.

Ngày má về trời, tôi ngồi một mình giữa cánh đồng, khóc mướt. Tôi ngủ quên lúc nào không biết. Mộng thấy má…

Tôi sống với anh chị Hai. Chị dâu tôi, một người phụ nữ không phải dạng vừa vẫn thường hằn học tôi từ những chuyện bé xíu. Chị mắng anh tôi xối xả mỗi khi anh cho tôi tiền đóng học phí. Mỗi lần cho tiền tôi, anh phải thông qua chị. Chị “thay” má tôi coi sóc căn nhà, quản cả chuyện học hành của tôi. Tôi ngộp thở thay trong chính căn nhà mà mình từng lớn lên, từng sống những ngày ấm êm hạnh phúc.

Buồn, tôi ra mộ má ngồi một mình, nước mắt chảy xuống gò má tôi, rơi trên cỏ mềm, ướt đẫm… Má ơi, giá như còn có má để con không phải cô độc, không phải khổ như thế này! Anh tôi bất lực ngày đêm say khướt men rượu, lại bị bạn bè dụ dỗ, anh tôi cá cược, chị tôi lao vào bài bạc, số đề… Những món đồ trong nhà, từ quý giá đến bình thường đều bị đem ra cầm cố. Căn nhà dần trống rỗng, chỉ có bàn thờ má tôi đêm ngày tôi vẫn giữ ấm khói hương. Tôi tiếc đến chực trào nước mắt…

Xót xa, tôi lao vào học hành. Bởi ngoài học tôi chẳng còn biết làm gì khác. Dì Hai nói: “Phải học nghe bây, dù giá nào cũng không được bỏ học. Chỉ có đi học mới thay đổi được tương lai!”. Dì không được đi học, cả con gái dì cũng phải nghỉ giữa chừng vì ngày xưa xứ này quan niệm con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì, đến khi có chồng vẫn phải tất bật lo lắng cho chồng con, cho gia đình nhà chồng. Nhưng dì dặn tôi phải học. Để má tôi an lòng nơi chín suối.

Ngày tôi tốt nghiệp cấp ba, chị Hai tôi nổi trận lôi đình.

- Học đại học làm gì cho tốn tiền, má mất rồi học để anh chị mày còng lưng nuôi mày à? Đi học nghề vừa nhanh, vừa rẻ, chừng một hai năm là có cái nghề kiếm ra tiền không phải tốt hơn sao?… Bày đặt đèo bòng…

Chị tuôn ra một tràng, đắng cay, máu lạnh sau khi tôi khoe thành tích với chị. Anh tôi nửa vời, anh không dám bênh tôi, cũng không ngả hẳn về phía chị. Tôi như nhánh lục bình yếu ớt giữa dòng trôi. Tan tác.

Tôi chạy ra mộ má khóc hết nước mắt. Tôi không nhớ mình đã khóc đến khi nào, chỉ nhớ rằng đến lúc tôi tỉnh giấc thì sương đã ướt đẫm đôi vai, bờ lưng và mái tóc của tôi. Lạ thật, sương rơi mà tôi vẫn cảm thấy ấm áp, cảm giác như má đang ôm choàng lên cơ thể của tôi, âu yếm lấy tôi. Má ơi, tôi gọi trong sương đêm. Tiếng nhạn kêu thắt thẻo. Đáp lại chỉ là tiếng gió rít, tiếng của vũ trụ u hoài xa xôi…

Tôi rời quê trong một sớm tinh mơ. Trời trong vắt. Bước ra khỏi xóm nhỏ hiền lành, tôi ngoái lại vẫn còn thấy lúa xanh vờn nhẹ trong gió thành từng cơn sóng lúa. Quê tôi bao dung, dịu hiền. Quê ơi, xin giữ giùm tôi những ký ức đẹp nhất trong đoạn đời tôi gắn bó.

*

Ngồi lại trên bờ sông, chỗ mảnh đất cũ, tự dưng tôi thấy thời gian trôi đi thật nhanh. Mười mấy năm trời bao nhiêu câu chuyện vui buồn đã xảy ra, mọi thứ đã đổi thay, những bình an bị xô lệch. Chiều tắt nắng, đêm bao trùm. Đêm của quê hương, đêm của lòng mình thanh bình nhưng khuyết một khoảng trống không thể nào lấp đầy được.

Tôi quyết định chuộc lại mảnh đất cũ bằng số tiền chắt bóp được hơn mười năm ở thành phố làm việc không biết mệt mỏi là gì. Tôi phát cỏ, đắp nền dựng tạm căn nhà gỗ đơn sơ nhưng ấm cúng trên nền của ngôi nhà cũ đổ nát. Bàn thờ ba má ngày đêm khói tỏa. Chưa bao giờ tôi để khói tắt lịm. Dường như là một sự bù đắp.

Tôi thuê người lên liếp, tôi đi tận Chợ Lách mua giống cam mật về trồng thành từng hàng thẳng tắp, lắp cả hệ thống tưới nước chưa từng có ở cái xóm này. Vườn cam tôi trồng nhanh chóng bén rễ, xanh um, chẳng mấy chốc mà cam ra hoa trắng xóa hương thơm lan tỏa cả một vùng quê yên ả. Đợt cam đầu tiên thương lái đến cân, khen cam ngọt, họ trả với cái giá khá cao cho một ký cam mật. Lòng tôi rộn rã. Sau bao nhiêu năm ươm mầm cho vườn xanh cao nguyên, ruộng lúa đồng bằng,… giờ tôi cũng tự tay ươm mầm cho khu vườn của chính mình.

Vườn cam trĩu quả. Mấy mùa cam tôi đã xây lại được căn nhà khang trang hơn. Cảnh xưa chẳng những được phục dựng mà còn sung túc hơn rất nhiều. Đứng giữa khu vườn cam mật mát rượi, ăn miếng cam ngọt lòng, tôi thấy lòng mình lâng lâng sung sướng. Tôi tự nhủ: Má ơi, giá như con còn có má, ước gì nhà mình lại đông đủ, ấm cúng như xưa…

Dì Hai khen tôi giỏi, dì càng giục tôi nhanh có vợ để phụ tôi coi sóc khu vườn giờ đã là nông trang được trồng trọt, chăm sóc bằng cách thức mới mẻ, tiên tiến.

Tôi cười trước lời giục của dì, nói:

- Chừng nào con tìm được anh chị Hai con, con mới nghĩ đến chuyện cưới vợ sinh con.

Dì Hai nói tôi bao dung quá. Tôi không đáp. Anh Hai tôi, dẫu sao cũng máu mủ ruột rà, bỏ sao cho được.

Nhưng anh chị tôi chưa trở về…

*

Tôi vẫn thường nhờ người dò tìm tung tích anh chị Hai tôi. Mỗi đợt ra chợ tôi đều cất công kiếm tìm. Song, tin tức anh chị tôi vẫn biệt vô âm tín.

Có người bảo: Sau khi bán nhà, bán đất, anh chị tôi lên thành phố bán đồ lặt vặt ở bến xe, họ có với nhau đứa con, nhưng nhìn cơ cực lắm. Đứa nhỏ ăn mặc rách rưới vẫn thường lon ton níu áo mẹ trong cái nắng chang chang ở bến xe.

Lòng tôi nhói đau. Rồi tương lai thằng nhỏ sẽ ra sao? Dẫu sao nó cũng là cháu của tôi. Anh chị Hai cũng là anh chị của tôi. Máu mủ của mình, mình không thương thì còn làm được điều gì nữa?!

Tôi quyết định đi tìm. Để chắp nối lại sợi dây yêu thương đã đứt đoạn năm nào. Để được thứ tha. Để được đoàn tụ.

Đó là một buổi chiều nắng nhạt, ở bến xe, tôi bắt gặp đứa nhỏ giống hệt anh tôi mời mua thanh kẹo cao su. Mặt nó lem luốc. Tôi hỏi nó con ai, nó bảo: “Con ba Thuấn”.

Đó là một ngày trời đẹp, lúa vàng thơm nức, vườn cam hoa mật thơm lừng, chúng tôi dắt nhau về vườn xưa. Nhìn anh Hai, tôi vẫn nhận ra đâu đó cái nét hiền lành, mộc mạc thuở nào. Sau bao năm lầm lạc cuối cùng anh vẫn là anh Hai hiền lành, đáng kính của tôi.

Trước mộ má, anh chị Hai quỳ sụp, nước mắt lưng tròng.

Mắt tôi cũng cay cay, ầng ậng nước.

Qua màn nước mắt, tôi thấy má hiện về đứng trước mặt tôi, chỗ bụi hoa tường vi tỏa hương trong lành thanh sạch. Tôi thấy má cười, hiền hậu, nhân từ. Má đứng nhìn những đứa con thân yêu một thoáng rồi má hóa vào bông hoa tường vi.

Miền quê nắng vàng ngập lối.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày