Ba ngàn hiệu Phật

Ba ngàn hiệu Phật

Tổng quan:

1- Nhìn chung, kinh này khuynh hướng nguyện sinh Cực lạc. Có lẽ đó là chiều theo một khuynh hướng khá có tính thời đại. Nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý như vậy. Nói ba ngàn Phật là nói chư Phật của quốc độ này. Như vậy chủ yếu phải nói là sự liên quan với các Ngài. May mà kinh này có nói cái chủ yếu đó. Rằng tôn kính các Ngài thì được các Ngài thọ ký cho. Được Phật thọ ký quan trọng đến mức nào thì chữ thọ ký đã nói lên.

2- Cái nét lớn nhất của kinh này là nói lên đặc tính nhân bản. Nói một cách đề cao. Phật có thể thị hiện làm chủ đạo quốc gia, làm chỉ đạo quần chúng. Nước phải giàu, dân phải mạnh. Phải có quân lực, và quân lực ấy là để chống xâm lăng. Không phải để xâm lăng, dĩ nhiên. Kinh này ít, rất ít, dùng chữ đại bi. Chữ được dùng là ái, là sự thân mến, thân thiết. Ái không phải là ái dục, là tính dục. Tính dục không được thừa nhận là bẩm sinh, là hạnh phúc, hơn nữa là hạnh phúc lý tưởng. Ái được sử dụng có chế ngự. Bởi vì nói gì thì tính dục vẫn là tai họa cho bản thân, đã đành, nhưng ở đây là tai họa cho xứ sở, cho xã hội loài người. Ái, cuối cùng bị hủy diệt, và hủy diệt được, với đại bi thay vào. Thế có nghĩa là tình dục được chuyển hóa thành tình thương, mạnh đến tuyệt đối, cho bất cứ cấp độ tiến bộ nào của con người.

3- Phẩm chất đời sống càng được cứu xét. Giá trị cuộc sống cũng có cái mặt tương đối nhưng cần thiết. Phật phục vụ, Phật cống hiến. Và những nhu cầu bình thường Phật cũng làm cho thỏa mãn. Phật làm lãnh đạo, cũng làm tôi tớ, làm không tuyên bố, dĩ nhiên. Phật là như vậy, là Niết bàn, không vướng mắc cực đoan nào hết.

4a- Một số pháp hạnh căn bản cũng được nói đến, cho sự bồi dưỡng nhân cách. Tinh tiến, đa văn, không bị bỏ quên. Nhất là sự bất phóng dật, không sống buông thả. Sống buông thả là tự vứt bỏ mình đi. Mà như thế là hết nói, hết cứu vãn.

4b- Kinh này ghét sự khiếp nhược. Nhưng quan tâm khá kỹ đến sự sợ hãi, rùng mình, lo buồn. Nhất là lo buồn. Phật tạo cơ hội đắc độ cho ta. Đắc độ cấp bách nhất là vượt qua sự lo buồn ấy. Phật tối thượng, tối thượng ở chỗ tự hạ cái tâm mình xuống mà làm kẻ phục vụ và phục dịch. Ta có hai Đức Phật: Đức Phật làm thầy cho ta, và Đức Phật khác là chính ta biết làm theo Phật. Như vậy thì cái gì cũng có thể bị đánh bại.

danhhieuphat-2.jpg

4c- Từ nguồn gốc, cái gì làm khổ ta thì toàn là vô minh đen tối. Sự đen tối ấy nhờ Phật, Phật ở Phật và Phật ở ta, mà có thể và phải tiêu diệt. Nói đến Phật là nói ánh sáng, mà ánh sáng là như thế này đây. Và, thượng đỉnh trong sự tu dưỡng nhân cách, như thế này mới là đích thực, đích thực cuối cùng. Cũng từ sự thượng đỉnh ấy mà nói đến tính cách nhân bản trọn vẹn của kinh này.

5- Từ văn tự mà nói thì kinh này khó mà ghép vào trường phái bậc thầy: Trường phái La Thập và trường phái Huyền Tráng. Thế nhưng, những gì nói trên đây thật là nhất quán. Nhất quán đặc biệt là tính cách nhân bản của kinh. Dẫu là như vậy, vẫn nên xét đến ảnh hưởng mà kinh này có được. Có nhất là triết thuyết Hoa Nghiêm. Triết thuyết ấy cao nhất là "sự sự pháp giới". Sự sự là các pháp, vừa là cá thể, vừa là đại thể, liên quan và tác động lẫn nhau, khiến các pháp toàn là diệu dụng. Ta đây, và thế giới của ta đây, là cái khối vĩ đại của diệu dụng ấy. Vĩ đại như vậy mới thật là vĩ đại, kể cả đặc tính nhân bản của kinh này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày