Bắc Ninh: Lễ kỷ niệm 1005 năm Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch

Quang cảnh buổi lễ tại chùa Tiêu - Thiên Tâm tự
Quang cảnh buổi lễ tại chùa Tiêu - Thiên Tâm tự
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 2-7, chư tôn đức Tăng Ni trong Tông môn Thiền phái Trúc Lâm VN và chư Ni chùa Tiêu - Thiên Tâm tự (xã Tương Giang, H.Từ Sơn, Bắc Ninh) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1005 năm Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch, 300 năm Thiền sư Thích Như Trí viên tịch và khánh thành vườn Lộc Uyển.
Niệm Phật cầu gia hộ
Niệm Phật cầu gia hộ

Chứng minh và tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên; Thượng tọa Thích Tâm Thuần, Phó ban Hoằng pháp T.Ư, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc; Ni trưởng Thích Đàm Chính, trụ trì chùa Tiêu cùng chư tôn đức Tăng Ni các thiền viện, chùa trong tông môn toàn miền Bắc; đại diện chính quyền và đông đảo Phật tử, nhân dân địa phương.

Chư tôn đức chứng minh buổi lễ
Chư tôn đức chứng minh buổi lễ

Tại buổi lễ, chư tôn đức và đại chúng đã cùng ôn lại công hạnh của bậc Tổ sư.

Theo đó, Thiền sư Vạn Hạnh (938-1018), dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi; ngài họ Nguyễn, người châu Cổ Pháp, thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo.

Chư Tăng Ni, Phật tử về dự lễ

Chư Tăng Ni, Phật tử về dự lễ

Năm 21 tuổi, ngài xuất gia, tu học với Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi ngài Thiền Ông mất, Thiền sư Vạn Hạnh bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa, nên sau này hễ ngài nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm. Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính ngài.

Ngài là một trong những trí thức Phật giáo làm cố vấn vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập.

Niêm hương tưởng niệm
Niêm hương tưởng niệm

Thiền sư Vạn Hạnh được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng này để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, triều đại lâu dài đầu tiên trong sử nước Việt. Về sau, cũng chính ngài đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Đại La (sau đổi là Thăng Long) với mục đích bảo vệ nền độc lập lâu dài cho dân tộc

Ngày rằm tháng 5 năm 1025, khi công hạnh đã viên mãn, thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ trà-tỳ, thỉnh xá-lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).

Sau các nghi lễ, chư tôn đức Tăng Ni cùng toàn thể đạo tràng Phật tử đã có một thời tọa thiền cúng dường chư Tổ.

Vườn Lộc Uyển trong khuôn viên chùa Tiêu
Vườn Lộc Uyển trong khuôn viên chùa Tiêu

Dịp này, chư tôn đức cũng đã làm lễ khánh thành vườn Lộc Uyển trong khuôn viên chùa Tiêu. Ni trưởng trụ trì cao niên nhưng vẫn lao nhọc kiến tạo vườn tôn tượng, tạo thêm cảnh trí trang nghiêm cho Tam bảo, niềm hoan hỷ cho Phật tử và khách thập phương đến chùa lễ Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày