Bài học kinh nghiệm trong quản lý tự viện của người trụ trì

GN - Nhiều năm qua, quản lý tự viện là một trong những điều được Giáo hội đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc mở các khóa bồi dưỡng trụ trì ngắn hạn để bổ sung kiến thức, tăng cường sự hiểu biết của Tăng Ni về vai trò, trách nhiệm của trụ trì trong hoạt động quản trị tự viện giữa bối cảnh xã hội hiện tại.

a.JPG

HT.Thích Thiện Chiếu cung đón Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng quang lâm chùa Kỳ Quang 2 hôm 31-10 - Ảnh: N.Danh

Trên phương diện truyền thống, vấn đề quản trị tự viện đã được chư Tổ sư quan tâm, đề cập rất chi tiết và chuẩn hóa bằng các thanh quy, truyền thừa từ đời này qua đời khác, tiêu biểu như Bách Trượng thanh quy.

Theo đà vận động và phát triển, rất nhiều biến đổi diễn ra trên mọi mặt của đời sống, kéo theo đó là những vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi ở từng cá nhân lẫn các tổ chức xã hội một sự thích ứng nhanh chóng. Trong hoàn cảnh như vậy, người trụ trì càng phải có kiến thức và kỹ năng tương thích để sắp xếp mọi việc lẫn ứng xử phù hợp, tránh vô tình tạo nên những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng không chỉ cho tự viện nơi mình có trách nhiệm, mà còn cho cả Giáo hội và Phật giáo nói chung.

Với vai trò của một người làm công tác quản lý giàu kinh nghiệm, từng kinh qua vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp tài chính, cư sĩ Lâm Hoàng Lộc từng có nhận xét rằng công việc đối nội đối ngoại thường nhật ở một ngôi chùa, thiền viện, tịnh xá, tu viện... hết sức đa dạng, đôi khi còn đa dạng hơn điều hành một doanh nghiệp.

Để điều hành hiệu quả hoạt động của một ngôi chùa, theo quan sát của ông, một vị trụ trì hay giám tự, ngoài các tiêu chí cần phải có đối với người tu, người điều hành (trụ trì, tri sự, quản chúng…), còn rất cần kỹ năng quản trị, để bảo đảm được sự ổn định, môi trường thuận lợi cho các hoạt động về tu học của Tăng chúng, Phật tử.

Trong thực tế, đơn cử sự cố ở chùa Kỳ Quang 2 xảy ra 2 tháng trước, có thể thấy chỉ một sơ suất trong việc giám sát khi tu sửa nơi thờ tro cốt người dân ký gửi đã làm dư luận dậy sóng. Sự việc cho đến nay tái ổn định, HT.Thích Thiện Chiếu đã được Ban Thường trực Ban Trị sự GHGPVN TP.HCM - cấp Giáo hội quản lý đã phục hồi chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 sau thời gian tạm ngưng để Giáo hội cử nhân sự tham dự xử lý, hỗ trợ.

Với tình thương của một người tu và hoàn cảnh yêu cầu, HT.Thích Thiện Chiếu đã dần mở rộng ngôi chùa Kỳ Quang 2, tạo thêm trung tâm từ thiện xã hội nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi, người già neo đơn và cả phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người dân; hoạt động tại đây, theo đó cũng trở nên đa dạng. Vì vậy, một sự cố như vừa qua đã tạo nên xáo trộn, làm nhiều người bất an. Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN nhận định: “Sự việc xảy ra ở chùa Kỳ Quang 2 là bài học sâu sắc cho Tăng Ni, Phật tử”.

Bài học sâu sắc đó nằm ở vấn đề quản trị, mà theo Trưởng lão Hòa thượng, không chỉ giới hạn trong công việc đối nội, đối ngoại của trụ trì, mà còn cần đến sự sắp xếp mọi việc một cách khoa học, để còn có thời gian dành cho sự tu tập, thiền định - những việc căn bản và thiết yếu với người tu. Chính năng lượng tuệ giác từ thiền định là suối nguồn an lạc thực sự cho mình, từ đó mới có thể phụng sự nhân sinh vì lợi ích của số đông được.

Thích Pháp Hỷ/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày