Giải pháp nào cho bạo lực học đường?

0:00 / 0:00
0:00

GN - Bạo lực học đường - một vấn đề tưởng chừng rất cũ nhưng lại luôn mới, bởi ngày nào chúng ta chưa tìm ra cách xử lý căn cơ, tận gốc rễ của vấn đề thì ngày ấy, nó vẫn còn là một nỗi nhức nhối của ngành giáo dục và của cả cộng đồng.

baoluchocduong.jpg


Tranh minh họa

Bạo lực học đường (BLHĐ) là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. BLHĐ bao gồm các hành vi bạo lực, việc đánh nhau giữa học sinh hoặc các hình phạt về mặt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; và mang vũ khí đến trường, v.v... (theo Wikipedia).

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ BLHĐ xảy ra từ những nguyên nhân rất nhỏ. Gần nhất, theo thông tin trong một bài viết trên báo Phụ Nữ ngày 21.11: “Giới phụ huynh mới đây lại bàng hoàng về một vụ BLHĐ diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP.Thanh Hóa), với những hình ảnh nhói lòng về nhóm học sinh xúm lại đánh dã man một nữ sinh lớp 8, trong lúc bạn bè đứng xung quanh cổ vũ”.

Nguyên nhân từ đâu...?

Theo Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An, trong phần trả lời phỏng vấn trên báo Phụ Nữ, nguyên nhân trước hết của tình trạng BLHĐ là do “đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh (…) đang trong giai đoạn có sự biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Tâm lý chung của tuổi vị thành niên thường thích sự chú ý, nhìn sự việc mang tính chủ quan, phiến diện, chưa nhận thức đầy đủ hậu quả hành vi bạo lực của mình. Chưa kể đa số bạn trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, góc nhìn còn hạn hẹp, rất dễ bị dẫn dắt bởi tâm lý đám đông. Đáng buồn hơn là có rất đông học sinh quanh đó tỏ ra vui vẻ, hào hứng trước cảnh bạn mình bị hành hạ, thậm chí còn chủ động quay lại hình ảnh đó”.

Còn nguyên nhân thứ hai, theo Thạc sĩ An là: “… mặt trái của cơ chế thị trường kéo theo các vấn đề xảy ra ở trường học ngày càng nhiều. Bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập như sự năng động, tích cực, hiểu biết rộng, quan hệ giao tiếp đa dạng, thì trong cuộc sống cũng không ít những ảnh hưởng tiêu cực đang xâm nhập vào tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh”.

Ở đây, chúng tôi không đồng ý với quan điểm này vì “cơ chế thị trường” không có tội gì vì nó vốn “phi đạo đức” (amoral) chứ không phải là “vô đạo đức” (immoral). Có thể dễ dàng nhận thấy, tại rất nhiều nước có nền kinh tế tư bản phát triển, việc hành xử trong học đường văn minh hơn chúng ta rất nhiều. Hãy thử nhìn sang những nước lân cận như Malaysia hay Thái Lan cũng đã đủ thấy khác biệt, khoan nói đến những nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao như Thụy Điển hay Thụy Sĩ, nơi mà tình trạng BLHĐ xảy ra rất thấp. Có chăng, cái hiểu về kinh tế thị trường ở nước ta gần đây phần nào được đẩy theo hướng phiến diện là “có tiền mua tiên cũng được”, khiến con cái nhiều gia đình giàu sang được gieo vào đầu lối nghĩ rằng mình có quyền hợm hĩnh, vì “nén bạc đâm toạc tờ giấy”? Hay có thể vì chúng ta đang ở trong một xã hội mà giá trị vật chất đang chiếm ưu thế, khi mà người giàu và sự giàu có đang là “thước đo” cho mọi định nghĩa về quan hệ xã hội?

Và nguyên nhân thứ ba được Thạc sĩ An đưa ra là “…hàng ngày các bạn nhỏ tiếp xúc những hình ảnh bạo hành, cách ứng xử thiếu lành mạnh từ trong gia đình, bên ngoài cuộc sống và trên mạng xã hội nên ít nhiều bị tiêm nhiễm, ‘thấm’ vào tâm trí các em, và chúng sẽ có nguy cơ bộc phát, biến thành hành động”. Điều này cũng có thể đúng vì có lần chúng tôi đã viết “Còn trong xã hội ta, cái ác đang ngự trị… hầu hết chúng ta cũng đeo những khuôn mặt lạnh lùng vô cảm đó thôi. Tìm đâu ra những khuôn mặt thư thái, từ hòa đây? Theo tôi, thần thái an nhiên vui sống đã mất trên khuôn mặt người Việt từ lâu rồi”. (Gieo lại hạt từ tâm, nguyệt san Giác Ngộ, 7-2017). Ngoài ra, sự phát triển không ngừng của công nghệ truyền thông góp phần tạo nên những phản ứng bộc phát của giới trẻ. Ngày xưa, việc đọc sách, báo in phổ biến nên có lẽ vì vậy, con người có suy nghĩ, hành động chậm rãi và điềm tĩnh hơn. Giới trẻ ngày nay lại bị cuốn đi rất nhanh bởi công nghệ số và internet, điều đó vô tình tạo cho họ thói quen làm gì cũng nhanh, nghĩ là hành động liền. Các nhà tâm lý học nhận định sự thiếu kiềm chế có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, rằng hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: sinh lý, môi trường sống, sự giáo dục và những hoạt động giao tiếp hàng ngày.

Vì áp lực cuộc sống ngày càng lớn, con người dù già hay trẻ nếu không có cách giải tỏa được căng thẳng, mất cân bằng cảm xúc sẽ dẫn đến hành động sai trái khi giận dữ. Như vậy họ đã chỉ ra đúng một nguyên nhân gần, rất gần, là sự sân hận.

… và giải pháp là gì?

Có thể khẳng định, nếu mỗi người biết cách kiềm chế cảm xúc, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định, hành động thì sẽ không còn những sự việc đáng tiếc, gây đau lòng xảy ra thêm nữa.

Ở đây chúng ta thấy toát lên nguyên lý nhân quả như một chân lý. Chúng ta đang gặt hái những gì mình gieo trồng trong nhiều năm qua. Một xã hội và một nền giáo dục thiếu vắng lòng từ bi. Học sinh đến trường chỉ biết thu hoạch kiến thức và dần dần xem mọi quan hệ, kể cả quan hệ thầy trò, ở mức độ cho - nhận lạnh lùng. Thầy cô và cha mẹ cũng xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, chỉ mong con mình đạt điểm cao, vào trường chuyên lớp chọn mà không hề hướng đến một con người có đức hạnh. Và bên cạnh đó, với lối hành xử dần trở nên nóng vội, bản thân người lớn không đủ mẫu mực làm gương cho giới trẻ.

Giáo dục tuổi trẻ phải bắt nguồn từ cái nôi gia đình, sau đó mới tới học đường. Chúng ta phải thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy đạo đức hiện nay. Giáo dục đạo đức nghĩa là phải dạy người biết suy nghĩ dựa trên yếu tố đạo đức về hành vi mà mình muốn làm, trước khi thực hiện. Giáo dục đạo đức trong trường học hiện nay chỉ đơn giản là học thuộc những bài học đạo đức, thay vì dạy học sinh biết suy nghĩ và hành động theo thiện nguyện. Phật dạy: “Một hành động khi làm với lòng thù hận, sinh ra từ lòng thù hận, gây ra bởi lòng thù hận, phát sinh ra từ lòng thù hận, sẽ chín muồi bất cứ nơi nào người này tái sinh; và bất cứ khi nào hành động chín muồi, người này nhận lấy kết quả của hành động, ở trong đời này, hoặc là trong đời sau, hoặc là trong những đời kế tiếp sau đó”.

Thầy cô hay cha mẹ là những người gieo hạt mầm nhân ái từ buổi đầu. Đức Phật cũng từng nói: “Này các Tỳ-kheo, giống như những hạt giống không bị hư hại, không bị hư thối, không bị hư hỏng bởi gió và mặt trời, hạt có khả năng nẩy mầm, khi chúng được gieo trồng đúng đắn vào trong một thửa ruộng tốt, cắm hạt sâu vào một mảnh đất màu mỡ; và nếu chúng được tưới tẩm đầy đủ bởi mưa gió, những hạt giống này sẽ tăng trưởng, cao vụt lên, và phát triển dồi dào… Này các Tỳ-kheo, có ba nguyên nhân khác bắt nguồn của hành động. Ba nguyên nhân này là ba nguyên nhân gì? Đó là: lòng không tham lam, lòng không thù hận, và sự không si mê (không tham, không sân, không si)… Này các Tỳ-kheo, cũng như thế, những hành động khi làm với lòng không tham lam, với lòng không thù hận, và với sự không si mê. Một khi lòng tham, sân, si biến mất thì những hành động lúc đó không còn nữa, đã bị cắt bỏ tận gốc rễ,  giống như gốc cây cọ trơ trụi không còn ra hoa trái nữa, bởi vì lòng tham, sân, si đã hoàn toàn bị xóa sạch, nên chúng không thể nào phát sinh ra trong tương lai. (Kinh Tăng chi bộ)

Thế nên, phải giải quyết tận nguồn những ác nghiệp sinh ra từ ý, khẩu và thân. Muốn dập tắt cái ác từ ý hay tâm thức, phải xây dựng lại nền móng chương trình và phương pháp giáo dục từ gia đình cho đến học đường. Không phải tự nhiên mà có trường đã tổ chức những buổi học đạo đức có sự kết hợp giữa thầy cô và cha mẹ. Bên cạnh đó, thầy cô và cha mẹ phải là tấm gương từ ái. Chúng ta không thể chỉ dùng sự trừng phạt với các em lầm lỗi mà hãy tỏ ra bao dung và nhẫn nại trước sai trái của các em. Một xã hội dù có đầy đủ vật chất nhưng sẽ không thể có hạnh phúc khi những con người không có kỹ năng sống cùng nhau, sống với nhau và sống cho nhau. BLHĐ buộc chúng ta phải có trách nhiệm thay đổi hành vi các em ngay từ trong ý nghĩ, tư duy, trước khi nó trở thành thân và khẩu nghiệp. Một nền giáo dục chân chính phải tạo nền tảng cho sự phát triển những con người như thế. Nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến các em lớn lên thành những kẻ dùng đao kiếm, súng ống tạo nghiệp xấu; hay trở nên những kẻ dùng ngòi bút, lời nói làm băng hoại xã hội, khích động hận thù, gây hại cho cả một thế hệ hay một dân tộc.

Chúng ta phải làm thế nào thay đổi biệt nghiệp từng cá nhân ngay từ thời thơ trẻ để có một cộng nghiệp tốt cho thế hệ tương lai, xây dựng một xã hội hướng thiện. Loại trừ hoàn toàn BLHĐ ra khỏi các ngôi trường hôm nay là một việc khó vì như đã nói ở trên, cái ác, sự ích kỷ vẫn còn đang ngự trị trong lòng xã hội, trong từng con người trưởng thành. Nhưng dù khó, chúng ta vẫn phải cùng nhau tìm cách thực hiện vì tuổi trẻ, nhất là khi chúng ta muốn gieo cấy hạt yêu thương cho vụ mùa nhân ái ngày mai. Gia đình là cái nôi tình yêu và học đường là nơi ươm mầm nhân cách. Xin mượn lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy để tạm kết; chúng ta phải cố gắng vun xới lại mảnh đất lành để những hạt mầm tốt có cơ hội nảy nở, phải bắt đầu lại từ đầu, nếu cần, dù khó khăn bao nhiêu đi nữa:

Xin đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chữa bệnh và giải nghiệp

GNO - Bạn bè tôi cho rằng song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp?

Thông tin hàng ngày