Xã hội cần gì ở Phật giáo?

GN - Thỉnh thoảng, chúng tôi nhận được câu hỏi của không ít người, rằng có khóa tu thiền định nào tổ chức định kỳ hay không? Muốn cho con trẻ vào các trường mầm non Phật giáo, thì gửi ở đâu? Có nơi nào hướng dẫn cho họ học và hiểu các lễ nghi của đạo Phật để thực hành tín ngưỡng cho đúng hay không? v.v…

Đó là nhu cầu thực tế xuất phát từ cuộc sống, đặc biệt của người trẻ ở các vùng đô thị, khu công nghiệp, khi họ nhận thức rõ về ý nghĩa của đời sống tôn giáo, muốn hiểu biết để điều chỉnh lối sống một cách chủ động hơn, ngoài những gì tiếp thu từ ông bà cha mẹ trong sinh hoạt gia đình, thực hành theo mà chưa được giải thích, hướng dẫn bài bản.

phatgiao.jpg

Giáo sư Toán học Đặng Đức Trong, công tác tại Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, từng chia sẻ với người viết rằng trong tang lễ của thân phụ anh, với tình cảm tôn giáo truyền thống, anh đã thỉnh quý Thầy đến cử hành các nghi lễ. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hiểu những gì quý Thầy đọc tụng nhưng anh vẫn không thể lãnh hội được. Bản thân anh còn như thế, huống nữa người trẻ như các con anh. Và thực tế là hiện nay, không ít bạn trẻ cảm thấy Phật giáo phần nào xa lạ với hơi thở, nhịp sống hiện đại.

Nhiều gia đình trẻ muốn cho con nhỏ của họ có được môi trường giáo dục đầu đời thấm nhuần tinh thần đạo Phật, nhưng “đỏ con mắt” vẫn không tìm thấy. Tại TP.HCM, đô thị trung tâm của cả nước với gần chục triệu dân, số trường mẫu giáo do Phật giáo tổ chức đếm chưa đầy trên đầu ngón tay. Vì lý do như vậy, rất nhiều gia đình phải gửi con trẻ sang cơ sở mầm non của tôn giáo bạn, từ đó, những điều oái oăm giữa các cháu với phụ huynh trong sinh hoạt cũng xảy ra khiến nhiều người khó xử.

Cũng đơn cử tại TP.HCM, có thể thấy đây là nơi đã tổ chức và duy trì gần cả trăm điểm thuyết giảng hàng tuần, nhiều lớp học giáo lý hàng tháng, nhiều địa chỉ tổ chức khóa tu học cho tuổi trẻ, tuy nhiên nơi có những khóa hướng dẫn thiền căn bản như tịnh xá Ngọc Thành (quận Thủ Đức) cũng còn quá hiếm hoi.

Quan sát đối tượng tham dự các khóa thiền Minh sát tuệ theo hướng dẫn của Thiền sư Cư sĩ Goenka, chúng tôi thấy rất có nhiều người trẻ đã đi làm hay còn là sinh viên các trường đại học đến đăng ký tu học một cách nghiêm túc theo từng khóa từ căn bản đến nâng cao. Mục đích có lẽ không ngoài việc họ cần Phật giáo như kim chỉ nam để cân bằng đời sống, bảo đảm được hạnh phúc của cá nhân lẫn sự hài hòa với xã hội chung quanh.

Đức Dalai Lama, một nhà hoằng pháp được rất nhiều người phương Tây yêu mến, luôn nhấn mạnh trong các pháp thoại, tác phẩm của mình rằng ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, Phật giáo còn có những đặc tính vượt lên cả tôn giáo thông thường.

Người ta đang cần gì ở Phật giáo? Thiết nghĩ đây là vấn đề cần có câu trả lời cụ thể bằng sự khảo sát, thống kê từ xã hội. Trả lời được câu hỏi này mới có thể phát huy tinh thần nhập thế vốn có của Phật giáo Việt Nam một cách căn bản và phù hợp thời đại, để đạo Phật thực sự hội nhập với xã hội một cách toàn diện, điều chỉnh và khuyến khích chương trình hoạt động một cách hiệu quả, hiến tặng cho đời những gì cần thiết với thế mạnh của một tôn giáo không bị ràng buộc bởi giáo điều.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày