Chùa to, chùa nhỏ

Chùa to, chùa nhỏ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định rằng: “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”. Với hai ngàn năm gắn bó với xứ sở, Phật giáo đã trở thành tôn giáo truyền thống, triết lý và nguyên tắc đạo đức của đạo Phật cũng đã hòa quyện trở thành văn hóa của dân gian.

Ngay từ thuở đầu sau khi du nhập, không như một số tôn giáo khác phủ nhận các nền tảng văn hóa bản địa và cưỡng ép theo ứng xử mới xa lạ; với tinh thần duyên sinh, Phật giáo đã đi vào tín ngưỡng của nền văn minh nông nghiệp, theo đó làm phong phú thêm tín ngưỡng bản địa qua kết quả tiếp biến tín ngưỡng Tứ pháp tồn tại cho tới ngày nay.

Khái niệm Phật, hay Bụt theo dân gian, là một đấng quyền năng được hình thành sớm, và đó cũng là nền tảng cho tín ngưỡng của dân tộc, tầng tư tưởng sâu trong tâm thức của người dân. Do đó, việc người dân tới chùa cầu nguyện Đức Phật mong ước được bảo hộ an toàn cho đời sống là điều hiển nhiên.

Về phương diện triết lý, Phật giáo Việt Nam không chỉ dừng ở tín ngưỡng với quan niệm Đức Phật là đấng quyền năng như vậy, mà cũng trong lịch sử, đã hình thành thêm tầng cao hơn, với chủ trương Phật ở trong lòng mỗi chúng sinh, và theo đó, phương pháp thực hành để làm sáng Đức Phật tự nội đó cũng đã được giới thiệu qua sự ra đời của các dòng thiền.

Qua thử thách lịch sử, dân tộc đã chọn Phật giáo, như Giáo sư Trần Văn Giàu đã đúc kết, để rồi có những yêu cầu thiết thực hơn nữa, Phật giáo trở thành nội hàm cho giá trị đạo đức phổ quát qua chủ trương vui đạo giữa đời (cư trần lạc đạo) mà các vị vua Trần, trực tiếp là Trần Nhân Tông, vị lãnh đạo đất nước đã chủ động nhường ngôi khi chưa tới 40 tuổi, xuống tóc xuất gia, được hậu thế tôn xưng là Phật hoàng, cụ thể hóa trong bài phú chữ Nôm cùng tên.

Từng là quốc giáo, nhưng Phật giáo không cực đoan phủ nhận các hệ tư tưởng khác, mà dung hợp và hòa bình. Ở một số giai đoạn, các vị vua chúa đồng thời là thiền sư được công nhận về truyền thừa chính thống của các dòng thiền. Họ quy y Tam bảo, thọ Bồ-tát giới, nhưng không phải vì đó mà có chính sách cưỡng bức cải đạo; ngược lại, cởi mở trong tinh thần đoàn kết vì mục tiêu chung là xây dựng và phát triển đất nước.

Với nhiều tầng tư tưởng như thế, người Việt đã thiết định nên khái niệm ngôi chùa vừa thiêng liêng, thanh tịnh, vừa gần gũi và gắn với đời sống như trong câu ca dao mà dân gian truyền miệng từ đời này sang đời khác: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa trở thành điểm tâm linh của mọi người, cũng do đó, ai cũng có quyền bày tỏ tình cảm, ý kiến của mình.

Nhân dự lễ khánh thành ngôi tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - một trong những cơ sở tôn giáo có ý nghĩa trên con đường Nam tiến của Tiên chúa Nguyễn Hoàng tọa lạc ở Ái Tử tỉnh Quảng Trị, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu từng đề cập tới giá trị của ngôi chùa.

Theo đó, nếu ngôi chùa, cách thờ tự chư Phật, Bồ-tát trong đó trở thành điều kiện để người đến chùa phát huy được Đức Phật bên trong thì đó mới là ngôi chùa thực sự và đầy đủ ý nghĩa của đạo Phật, đem lại sự an lành thiết thực. Việc xây dựng chùa to, chùa nhỏ không phải là vấn đề, điều quan trọng là ngôi chùa có phải là điều kiện khiến cho người đến phát sinh thiện tâm hay không mà thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày