GN - Anh Hoàng Minh Ý bị khiếm thị cả hai mắt, hiện đang là sinh viên năm 3 ngành Tâm lý Giáo dục, hệ vừa làm vừa học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).
Sinh ra trong hoàn cảnh không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Bị ba mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Đồng khi còn nhỏ, mọi người đưa về sống và học tập tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (184 Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM).
Anh Hoàng Minh Ý - Ảnh: Như Danh
Hiện giờ tuy không còn sống tại trường nhưng trong anh luôn chất chứa niềm biết ơn sâu sắc. Nói về ngôi trường nơi mình được nuôi lớn, anh bảo: “Mình thật là may mắn khi được sống ở một môi trường tốt như vậy, ở đây mình được học văn hóa và các kỹ năng sống (từ may vá, giặt ủi, đi lại đến giao tiếp, cách cư xử...) để có thể tự lập, có thể làm mọi việc và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Và quan trọng là hình thành quan niệm sống yêu thương mọi người”.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh làm nhân viên vật lý trị liệu (massage) tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Với lương tháng gần hai triệu rưỡi, anh tự trang trải tiền phòng trọ, ăn uống, điện nước và tiền học, nuôi lớn ước mơ “đảm bảo cuộc sống cho mình, có công việc ổn định rồi sau đó sẽ giúp đỡ cho những người xung quanh”.
Anh chia sẻ: “Mình sống nhờ vào xã hội nên cũng muốn đóng góp gì đó cho xã hội, thay lời cảm ơn những người đã giúp đỡ mình bằng cả tấm lòng...”.
Hoàng Minh Ý luôn suy nghĩ lạc quan về cuộc sống của mình, rằng: “Mình còn may mắn hơn rất nhiều người vì bản thân còn có thể tự làm việc để nuôi sống chính mình!”.
Như một lời nhắn nhủ, anh Minh Ý gửi gắm: “Mong rằng những bạn gặp không may trong cuộc sống luôn tin vào bản thân và lòng tốt của con người lúc nào cũng hiện diện để nâng đỡ mình vượt qua những khúc quanh! Không nên mặc cảm bi quan mà hãy luôn phấn đấu, tận dụng những gì đã có và làm những gì anh chị đi trước chưa làm được thì mình phải làm cho ra”.
Ngoài thời gian làm việc thì trong những lúc rảnh rỗi anh Minh Ý cũng thường hay trò chuyện tâm sự với các em nhỏ ở trung tâm để định hướng, chia sẻ những kinh nghiệm mà anh có được cho các em.
Anh cũng thường hay đọc sách nói về những nhân vật nổi tiếng và từ đó rút ra bài học cho riêng mình, đồng thời luôn mong muốn làm quen với thật nhiều bạn để có thể nghe chia sẻ và hiểu biết hơn.
Với tôi, anh là một người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần cống hiến. Anh đã đem đến cho tôi bài học hay về tình yêu thương, lòng biết ơn, báo ơn - vốn là điều kiện để có hạnh phúc.
Nguyễn Thị Danh
LTS: Bạn nghĩ gì về “tình yêu thương và hạnh phúc”, nhất là trong “bối cảnh” tình yêu thương bị đưa xuống hàng nhì, hàng ba và những giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ, vị kỷ đang gia tăng nơi người trẻ? Mọi chia sẻ về chủ đề trên, bạn có thể cộng tác với Giác Ngộ Online qua các bài viết cảm nhận, suy tư trăn trở, hoặc kinh nghiệm sống, những kỷ niệm của chính bạn, hoặc người mà bạn có duyên gặp gỡ, tiếp xúc..., vui lòng gửi về bandocgiacngo@gmail.com hoặc phatgiaovatuoitre@gmail.com. Các bài viết phù hợp sẽ đăng trên chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ của Giác Ngộ Online và sẽ chọn đăng trên Giác Ngộ - báo in hàng tuần. Rất mong được đón nhận sự cộng tác từ bạn đọc! |