Bán cơm chay… nuôi trẻ

GN - Bên cạnh việc tu tập hành trì, trong cuộc sống hàng ngày, thầy vẫn dành nhiều thời gian cho hoạt động từ thiện. Đó là TT.Thích Huệ Quang, ở thiền viện Pháp Hoa (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai). Những chuyến từ thiện, những quán cơm chay bình dân là “cái duyên” ban đầu gắn kết thầy với những đứa trẻ kém may mắn…

Chuỗi quán cơm chay phục vụ người nghèo

Cơ sở nuôi trẻ mồ côi tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh do thầy quản lý, nuôi dạy những đứa trẻ kém may mắn. Thầy vẫn đi lại giữa hai nơi Đồng Nai và TP.HCM để chăm sóc các cháu với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cộng sự tại cơ sở. Dù vậy, có những đêm thầy phải thức khuya cùng các cộng sự pha sữa, dỗ dành từng cháu vì thiếu hơi ấm, sự chăm sóc của mẹ.

TT.Thích Huệ Quang chia sẻ: “Mỗi sinh linh bé nhỏ là một ‘tế bào gốc’ của tình yêu thương. Tôi muốn đem tâm từ bi mà Đức Phật đã dạy vào đời sống một cách thiết thực nhất”.

hinh xh GN 1014.JPG

TT.Thích Huệ Quang đang nhiều trẻ em kém may mắn

Chính vì thế, ngoài các hoạt động cất nhà tình thương, cứu trợ thiên tai, ủy lạo người nghèo, dạy nghề cho các đối tượng cơ nhỡ, cơ sở của thầy còn nuôi dưỡng hơn 50 trẻ mồ côi và 5 thai phụ lang thang, cơ nhỡ cần có một nơi để sống và sinh con. Nguồn kinh phí của cơ sở này do thầy tự túc.

Để chăm lo cho những con người ở đây, thầy đã dùng tiền từ hệ thống quán cơm chay giá rẻ do thầy thành lập. Hiện nay, hệ thống quán cơm chay gồm 336 quán (giá chỉ 8.000 đồng/ phần và 36 quán giá 1.000 đồng/ phần) ở khắp các tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

TT.Thích Huệ Quang hồi tưởng lại, từ năm 1992, mỗi ngày thầy phải xuất tiền dành dụm để mua 400 suất cơm chay cho người lao động nghèo và người lang thang, cơ nhỡ, giúp họ đỡ đói lòng.

Đến năm 2000, thầy mới thuê mặt bằng mở quán bán cơm mà theo thầy, chính người lao động nghèo đã dạy cho thầy nảy ra ý tưởng bán cơm chay, mà giá phải rẻ để phục vụ người lao động. Từ 2 quán ban đầu ở đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM), không bao lâu sau, thầy mở được 11 quán.

Hình ảnh nhà sư thân thiện và đức độ gắn bó với mỗi bữa cơm trưa của người nghèo đã làm cho nhiều người cảm kích và họ mong muốn thầy dạy họ nấu ăn, mở quán để họ có cơ hội khởi nghiệp, có điều kiện đồng hành cùng thầy trên đường thiện nguyện.

Với kinh nghiệm cùng vốn kiến thức tự học về kinh doanh hàng quán và thực phẩm chay, TT.Thích Huệ Quang đã mở nhiều lớp miễn phí về cách thức điều hành, tổ chức kinh doanh, quyết toán, chợ búa, nấu ăn… và trợ vốn ban đầu cho các đối tượng để họ mở quán, tự lập. Đa số họ là người trong độ tuổi lao động nhưng bị thất nghiệp hoặc còn thiếu nợ ở quê, lên thành phố mong tìm cơ hội lập nghiệp, đổi đời.

Tiêu chí của các quán cơm chay của thầy là ngon, sạch và rẻ. Đáp ứng nhu cầu khách hàng bình dân, thầy hạ giá từ 15.000 đồng/ phần ăn xuống còn 8.000 đồng, rồi 2.000 đồng và 1.000 đồng/ phần.

Theo đó, hàng trăm ngàn chai sữa sen, sữa bắp thuần khiết, không phụ liệu, hương vị do thầy tự dạy nấu là thức uống bán kèm trong quán cũng được chở đi phân phối mỗi ngày cho các quán. Thầy cũng tạo điều kiện cho những sinh viên vừa học vừa làm, hay mới ra trường chưa tìm được việc đến cơ sở từ thiện của thầy chở sữa bỏ mối. Công việc khá vất vả và bận rộn nhưng thầy được sự trợ giúp của những cộng sự cùng hướng đến người nghèo.

Đó là những người nghèo ở gần cơ sở đã đến giúp cho sữa vào chai, phụ dọn dẹp, họ cũng được thầy trả thù lao và ăn nghỉ tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Lâm, 63 tuổi, quê tận tỉnh Hải Dương vào huyện Hóc Môn sinh sống cho biết: “Các con đi làm thuê, tôi đến phụ thầy làm sữa, quét dọn. Mỗi ngày, tôi được nhìn thấy hoạt động từ thiện của thầy thì cảm thấy bao phiền muộn cuộc đời như trôi theo dòng nước, lòng thoải mái, an vui”.

Đón nhận để… ban vui

Hơn 20 năm nuôi trẻ, đến nay cơ sở từ thiện của thầy đang nuôi dưỡng 53 trẻ mồ côi, trong đó có hơn 20 cháu chưa tới tuổi đến trường. Mỗi cháu là một cảnh đời nghiệt ngã đáng thương, do vậy thầy cho biết cũng phải tùy vào hoàn cảnh từng cháu mà có cách nuôi dạy khác nhau.

TT.Thích Huệ Quang tâm sự: “Do nuôi dưỡng nhiều cháu, nhiều lứa tuổi khá phức tạp nên tôi phải tự nghiên cứu tâm lý trẻ và cách nuôi trẻ, đúc kết và chọn lọc để phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nuôi dạy một con người không chỉ chăm chút về thể xác mà còn dạy bảo để trẻ trở thành ‘nhân chi mỹ’, sống có ích cho đời.

Do đó, tôi luôn tâm niệm phải tận tụy, nâng niu từng mầm sống nhỏ. Với trẻ còn bú thì tôi phải mua về các loại sữa cho từng cháu uống thử, sau đó thấy phù hợp mới cho uống dài ngày. Thật sự việc này cũng rất vất vả, có cháu phải thử đến 7 loại sữa mới chọn được loại thích hợp. Thỉnh thoảng tôi cũng tổ chức đưa các cháu đi du lịch, hòa vào thiên nhiên cho các cháu vui chơi”.

Năm 2017, được một Phật tử thông tin, thầy đã bao xe đến tỉnh Kiên Giang để đón bé Thiên Lễ về nuôi. Khi đó cháu mới sinh được 1 ngày tại Bệnh viện Đa khoa Rạch Giá. Vì cháu là con thứ năm trong gia đình, mẹ cháu ly dị chồng, một mình nuôi không nổi đàn con nên định đem cho cháu. Còn bé Thiên Tâm mới hơn 1 tháng tuổi, mẹ cháu là người khiếm thị, đi bán vé số kiếm sống, bị người xấu gạt gẫm, định phá thai.

Thầy biết tin thì khuyên can và nuôi mẹ cháu đến ngày sinh nở. Sau đó, người mẹ bạc phước lại đi tìm hạnh phúc mới, bỏ cháu lại mái ấm. Bé Thiên Vi 4 tháng tuổi có cha là dân giang hồ, chuyên đòi nợ mướn sau khi ra tù đã gặp và dụ dỗ mẹ cháu là sinh viên rồi “quất ngựa truy phong”. Sau khi sinh, mẹ bé đã đem gởi cho thầy…

Một thiếu phụ sắp sinh (xin được giấu tên) cho biết: “Em ở ngoài Bắc vào đây làm thuê bị bạn trai hứa hẹn, rồi gạt bỏ trách nhiệm, em định phá thai nhưng được chị bạn đưa đến đây gặp thầy. Thầy khuyên can, thuyết giảng luật nhân quả cho em nghe, cho em tá túc và cho đi học nghề để khuây khỏa chờ ngày sinh con. Nhưng, vì sức khỏe kém thêm phần buồn tủi, tinh thần suy sụp nên em cũng không học nghề nổi, thầy lại cảm thông và cho em nghỉ ngơi, dưỡng sức tại đây”.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2014 đến nay, TT.Thích Huệ Quang cũng hợp tác với Quỹ “Hòa nhập cộng đồng” của Hội Luật gia TP.HCM trong hoạt động dạy nghề cho các đối tượng sau khi ra tù, lang thang, cơ nhỡ; đồng thời quản lý và tài trợ hai mái ấm giáo dưỡng trẻ mồ côi tại tỉnh Cần Thơ và Long An với 285 cháu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có lời chào mừng đến các vị đại biểu, chư vị khách quý; đồng thời nêu ý nghĩa của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng cho biết năm 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX...
Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày