- Gửi bằng hữu lớp Thất I+II (1962-1969 - Trường Trần Quý Cáp, Hội An)
Tình bạn - Ảnh minh họa
GN - Vừa bước vào nhà, anh giật thót người khi nhìn thấy con rắn. Nó nằm ngay dưới chân cái bàn viết của vợ anh. Anh lạnh cả người. Mà chết-sững thật! Vì vậy mới đủ thời gian chết-đứng để mà thấy con rắn nằm yên, chỉ cái đuôi đôi lúc chuyển động nhẹ, thật nhẹ. Nhìn cái thân tròn với những khoanh vàng khoanh đen ánh lên, anh biết là rắn mái gầm.
“Mái gầm tại chỗ, rắn hổ về nhà”. Kinh quá! Làm sao đây? Liếc mắt, không có cây gậy anh vẫn quen để bên cạnh cửa ra vào. Nhìn quanh, không có cái gì để có thể đập con rắn. Anh sè sẹ nhón chân về phía chiếc kệ nhỏ, cầm cái bao ny-lông rồi dùng cái thước học trò của vợ, anh khều nhẹ miệng bao đến trước con rắn. Khá khéo léo, anh hất nhẹ con rắn vào trong cái bao. May thật, mà lạ thật! Nó vẫn nằm yên, ngoại trừ cái đuôi rung lên một lúc. Cẩn thận cho hai tay vào đôi găng da dày nằm trên mép bàn, anh tóm miệng bao, lẹ lẹ cho nó vào một cái túi ny-lông khác, dày trịch. Thở phào một hơi thật dài, anh cầm cái túi bước ra cửa, ném xa tận góc vườn…
Ngồi uống ly nước lọc, đầu óc cứ mơ mơ màng màng. Vì sao mình không đập cho nó chết luôn cho rồi?
Chiều rồi, hơn năm giờ rồi mà trời vẫn còn bức. Sẫm đen giông, mà không mưa được nên không khí càng thêm hầm. Anh chợt nhớ đến con rắn. Đầu tiên, mình định giết nó. Rồi vì sao, sau đó lại không giết mà đem ném nó ra ngoài vườn? Không đập cho nó chết nhưng làm như thế cũng có khác gì giết nó! Thì nó cũng sẽ chết-nằm trong hai cái bao ny-lông ấy thôi.
Anh đứng lên, cầm cái kéo lớn. Anh định mang cái bao đựng con rắn ra chỗ bãi cỏ hoang bên kia đường. Sẽ cắt miệng bao cho nó bò ra, trở về lại cái nơi mà từ đó nó đã đi lạc vào nhà anh. Tất nhiên là mọi động tác phải cẩn trọng. Rất cẩn trọng… Chợt có tiếng xe gắn máy quen và tiếng vợ gọi rối rít. Chị đi dạy học về, đỗ xịch xe trước cổng, mừng đến nhà kịp trước cơn giông. Mở cổng cho chị xong, anh quên khuấy chuyện con rắn.
Loay hoay vài việc nhà lặt vặt xong, chị hỏi: Anh có thấy con rắn không? Anh sửng sốt: Anh không thấy chi hết. Mà rắn chi? Ở đâu? Thì con rắn em để trên cái bàn này nè. Tịch thu của mấy đứa học trò đó. Mới hồi sáng còn đây, sao chừ không thấy? Không biết cô con gái Nam Phương của tôi có cầm chơi rồi bỏ đâu không?...
Anh bước vội ra vườn. Mở cái bao ny-lông. Ôi trời ơi! Con rắn còn nằm nguyên ở đó, cái đuôi vẫn ngo ngoe, ngo ngoe! Hết hồn! Thì ra, con rắn mái gầm đã làm anh chết đứng khi sáng là món đồ chơi made in China mà mấy đứa học sinh ưa quậy đem vô lớp để chọc phá bạn bè. Quỷ thật, ngay cả một món đồ chơi mà cũng ác! Đúng là… đồ Trung Quốc!
***
Anh là bạn học từ thời cấp II, cấp III. Không thân thiết lắm nhưng bảy năm cùng lớp, cùng trường cũng dài để có những kỷ niệm với nhau, trong suốt cái thời “đẹp nhất đời người” ấy. Rồi chiến tranh đã ném chúng tôi vào những nẻo đời khác nhau. Không liên lạc. Không tin tức. Không cả đôi lúc nghĩ-nhớ về nhau: nanh vuốt chiến tranh dường như xóa mờ hết bao ảnh hình long lanh của thời trẻ tuổi!
Mãi đến sau cái ngưỡng “tri thiên mệnh”, khi ai ai cũng đã thấm tận quá nhiều chát mặn gió cát của cuộc phù thế, chúng tôi mới gặp lại nhau trong những dịp họp mặt bằng hữu ngày xưa. Rồi những lần cà-phê cà pháo vặt đã đem chúng tôi đến gần nhau, chậm mà sâu. Để có dịp nhìn qua bạn mà soi rõ mình, ngó vào bản thân mà hiểu thêm người khác.
Tóm tắt đôi điều về việc học tập những cái tốt từ anh là, mỗi khi lười nhác trong việc luyện thân, thì nhớ đến năm mươi động tác hít đất mỗi buổi sáng của anh mà “động tay động chân” cho cái xác thân mỏng tang nhẹ hều của chính mình. Nghe kể lại, anh cười: “Đó chỉ là thói quen duy trì được từ cái thời bị bắt đi lính ấy mà. Hồi ấy, khổ đau lắm trong quân trường nhưng hóa ra, cái gì cũng có cái giá của nó cả. Việc chi, cũng phải làm sao cố gắng để chuyển họa thành phúc thôi”. Hoặc là, mỗi khi sắp sửng cồ gân cổ ra mà… cãi cọ, lại nhớ cái phương châm đối đãi của anh: “Bạn bè mỗi đứa một tính, chơi với nhau được thì chơi, không nên chê ai cả”…
Có lần nói chuyện… tính dục (cái “món” mà cánh đàn ông bạn bè thân thiết ưa luận bàn), anh kể chuyện… hai con gián. Anh vốn không ưa loài côn trùng này tí nào. Và đã đôi phen tiêu diệt chúng, mỗi khi làm vệ sinh nhà cửa. Rồi có lần ngồi trong W.C, anh thấy một chú gián bò ra. Định lấy chân giày xéo nó, nhưng anh dừng lại khi thấy nó giương râu, ngoe nguẩy. Lại dang hai cánh lên ve vẩy, ve vẩy nữa chứ. Thấy mà ghét, đúng là đồ… gián. Chợt một con gián khác ở đâu hiện ra, tiến về phía con gián thứ nhất. Rồi chúng ve vẩy, ôm nhau mà ve vẩy… Thì ra con gián trước gọi tình và con gián sau đáp lời. Chẳng biết con nào là trống con nào là mái. Anh chợt động tâm: gián cũng như người, can cớ chi mà hại nó, nhất là đang lúc chúng đang thể hiện cái bản năng hồn nhiên của mọi sinh vật…
Chuyện con gián của anh lại khiến lan man nhớ một người bạn vong niên, giờ đây đã không còn trên cái cõi trần lụy này nữa. Tập thơ Vỏ ốc của nhà thơ Dũng Hiệp toàn là thơ bốn câu (có lẽ là tác phẩm in sau cùng của anh mà tôi là người lo việc trình bày ấn loát sao cho… ít tốn tiền nhất), khá nhiều bài hay, trong đó có bốn câu thế này: Trên đầu tượng thần La-sát/ Có đôi chim sẻ giao tình/ Zeus bảo: Loài này chẳng sợ thần linh/ Phật cười: Trong sự hồn nhiên có Phật. Thì ra, Phật ở mọi nơi mọi lúc, chẳng nệ vào hình tướng hoặc bất kỳ định thức nào cả.
Anh bạn của tôi không phải là Phật tử, không đến chùa mà cũng chẳng tụng kinh. Luôn cung kính trước những người tu hành chân chính, anh bảo: Mình là người vướng chuyện đời, còn thua kém xa tầng lớp tu sĩ. Nhưng anh cũng tỏ ra không đồng tình trước những người chỉ “tu dáng tu hình” và cho rằng họ đã làm hại tập thể Tăng đoàn… Không quan tâm nhưng trong năm giới cấm, anh “hành” rất tốt. Và đáng nói nhất là anh đã sống một cách tự nhiên, với nhận thức rõ ràng về việc phải tôn trọng sự sống của mỗi cá thể trong mối tương liên với mọi vật chung quanh…
***
Vài ngày trước, gọi điện thăm tôi, anh bảo dường như huyết áp đang tăng cao, phải đi kiểm tra sức khỏe. Rồi cười: Không sao đâu. Nhưng nếu đến lúc nào đó “ra đi” thì cũng bình thường thôi. Cũng tạm xem như xong hết nợ đời rồi mà… Bạn tôi, tên gọi là Phạm Hoàng Do.
6-7-2016
Nguyễn Đông Nhật