Chư tôn đức chứng minh |
Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN; Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương; Hòa thượng Thích Thanh Hùng, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Trưởng ban Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương; chư tôn đức Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và các tỉnh thành.
Đại diện chính quyền có ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo và Dân tộc thuộc Ủy ban Trung ương MTTQVN; ông Phạm Ngọc Chuyên, đại diện Vụ công tác Tôn giáo phía Nam thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM, cùng các học giả, nhà nghiên cứu, đông đảo Phật tử tham dự.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thọ Lạc điểm lại đôi nét về quá trình hoạt động và những khó khăn mà Ban Văn hóa Phật giáo gặp phải trong nhiệm kỳ vừa qua. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, các cấp chính quyền Nhà nước và sự chung lòng của các thành viên nên các hoạt động Phật sự của ban đã đạt được những thành tựu nhất định.
Thượng tọa Trưởng ban Văn hóa cũng hy vọng những kết quả tuyệt vời đó là nền tảng, động lực để mọi người cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo mà Giáo hội đã giao phó, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát huy mô hình văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc và bạn bè thế giới trong thời đại phát triển ngày nay.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng được xem video trình chiếu báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Theo đó, trong gần 5 năm qua, nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Văn hóa đã thực hiện là triển khai 4 đề án: (1) Sắc phục Phật giáo, (2) Kiến trúc Phật giáo, (3) Ngôn ngữ Phật giáo, (4) Di sản Phật giáo.
Lẵng hoa chúc mừng của Trung ương GHPGVN |
Để thực hiện điều này, Ban Văn hóa Trung ương đã tích cực triển khai các công việc như: xây dựng kế hoạch thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Ban Nghi lễ Trung ương, các ban, viện, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các hệ phái Phật giáo trực thuộc GHPGVN, các đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tổ chức thực hiện đề án hiệu quả.
Trong đó, 2 đề án ngôn ngữ và pháp phục đã được triển khai, đạt kết quả bước đầu đó là các bài khóa tụng thống nhất (bao gồm kinh Chuyển Pháp luân và 5 bài khóa tụng thống nhất trong các nghi lễ chung của GHPGVN) và mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam đã được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt. Trong đó, kinh Chuyển Pháp luân và pháp phục đã và được triển khai thử nghiệm trong một số nghi lễ quốc gia, quốc tế quan trọng, tiêu biểu là Đại lễ Vesak 2019, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017 - 2022) và nhận được sự đánh giá, đồng thuận cao của đông đảo quần chúng.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc vui mừng nhận Bằng tuyên dương công đức của Trung ương GHPGVN |
Đồng thời, Ban Văn hóa Trung ương tiếp tục triển khai nghiên cứu đề án kiến trúc và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nhằm xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Từ đó giúp Phật tử, công chúng bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức cho công chúng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.
Ban Văn hóa Trung ương đã phối hợp với các đơn vị (Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm KHXHVN, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tổ chức tọa đàm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”. Theo đó, các đợt khảo khảo sát, tọa đàm khoa học về Kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ được tổ chức thực hiện hiệu quả; đợt khảo sát các chùa ở Bắc Bộ sẽ tiếp tục được triển khai sau đợt khảo sát, tọa đàm ở Nam Bộ. Kết quả khảo sát, tọa đàm sẽ là nguồn tư liệu quan trọng góp phần cho Hội thảo đảm bảo chất lượng, hiệu quả, từ đó kết quả của Hội thảo, đề án khi ứng dụng vào thực tiễn đảm bảo tính khả thi và lan tỏa rộng rãi.
Hòa thượng Thích Giác Toàn trao bằng tuyên dương công đức đến cá nhân trong Ban Văn hóa |
Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Quốc tế đánh giá rất cao đóng góp của Ban Văn hóa trong việc góp phần mang đến sự thành công cho Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại chùa Tam Chúc, Hà Nam năm 2019. Liên minh Kỷ lục thế giới, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã xác lập 7 kỷ lục cho các sự kiện văn hoá gồm: hội chợ văn hoá Phật giáo lớn nhất, triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất, lá cờ Phật giáo xếp bằng đèn hoa đăng lớn nhất (5.000 đèn), số người tham dự tụng kinh Chuyển Pháp luân cầu nguyện hòa bình thế giới đông nhất (hơn 25.630 người), đàn lễ cầu nguyện hòa bình thế giới lớn nhất (Vượt Kỷ lục Việt Nam và xác lập Kỷ lục thế giới), lễ hội thắp đèn hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới có số lượng người tham gia đông nhất (25.630 người), số lượng người tham gia Lễ tắm Phật đông nhất (hơn 25.630 người).
Ban Văn hóa Trung ương cũng đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học và tọa đàm như: tọa đàm khoa học “Truyền thống Văn hoá Phật giáo Việt Nam - Hàn Quốc” tại chùa Quan Thế Âm - Đà Nẵng; hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Phật giáo Việt Nam tại Lào: Lịch sử, thực trạng và định hướng Phát triển” tại Viện Hàn lâm Quốc gia Lào; hội thảo khoa học “Phật giáo Quảng Bình xưa và nay”, hội thảo “Phát huy tinh thần và biểu tượng văn hoá Phật giáo qua sản phẩm làng nghề Việt Nam”; hội thảo “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc”, hội thảo “Tổ Tính Định: Cuộc đời, đạo nghiệp và di sản”, “Bác Hồ với Phật giáo”...
Ban Văn hóa trao Bằng tuyên dương công đức đến cá nhân có thành tích xuất sắc |
Ban Văn hoá cũng tiến hành khảo sát, tổ chức hội thảo tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng với mong muốn được bảo tồn, phục dựng khu di tích Phật viện Đồng Dương; tổ chức khảo sát, nghiên cứu và thăm hỏi đồng bào Phật tử các chùa Việt Nam tại Lào ở các thành phố Viêng Chăn, Thà Khẹt, Xa Vẳn Na Khẹt, Pắc Xế và Luông Pha Bang... Thăm viếng và khảo sát tại 8 tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tổng cộng 58 tự viện, tịnh xá, thiền viện điển hình; khảo sát tại 10 tỉnh khu vực Nam Bộ với tổng cộng hơn 50 ngôi tự viện, tịnh xá, thiền viện thuộc các hệ phái Phật giáo có mặt tại Việt Nam.
Công tác từ thiện xã hội cũng được chú trọng với các hoạt động như xây nhà tình nghĩa, trường học, tổ chức đại lễ cầu siêu, giúp đỡ nạn nhân do thiên tai, tặng quà người dân khó khăn tại Ấn Độ và Nepal, trao tặng hơn 2.400 phần quà tại 8 Thánh tích: vườn Lâm-Tỳ-Ni (Nepal), Bồ Đề Đạo Tràng, Khổ hạnh lâm, Nàng Sujata dâng sữa, núi Linh Thứu, vườn Trúc Lâm, đại học Nalanda.... Trong thời gian năm năm qua, Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tham gia vào công tác từ thiện nhân đạo tổng cộng hơn 7 tỷ đồng.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ban đạo từ |
Thượng tọa Thích Quảng Minh, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng (phía Nam) thay mặt Ban Thư ký trình bày phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2022-2027 của Ban Văn hóa Trung ương với 15 điểm, trọng tâm hoàn thành các đề án kiến trúc và di sản Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng; thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản và phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam; kết hợp với Ban Trị sự và Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh thành biên soạn tác phẩm “Văn hóa Phật giáo các tỉnh thành” và “Danh tăng Việt Nam”...
Để tán dương những thành tựu mà Ban Văn hóa đã đạt được, Trung ương GHPGVN đã trao tặng bằng khen đến 24 tập thể và 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các Phật sự; Ban Văn hóa Trung ương cũng tặng bằng khen đến tập thể Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh thành và cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ban nhiệm kỳ vừa qua.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự tán thán những thành tựu của Ban Văn hóa Trung ương trong nhiệm kỳ vừa qua dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Thọ Lạc cũng như chư tôn đức trong Thường trực. Hòa thượng cũng hy vọng Ban Văn hóa tiếp tục hoàn thành các đề án đã được Trung ương Giáo hội tin tưởng giao phó; hoàn thiện kế hoạch xây dựng trung tâm bảo tồn văn hóa Phật giáo tại chùa Yên Phú; xây dựng 4 trụ kinh Chuyển Pháp luân tại Hà Nội, Huế, TP.HCM và Ấn Độ.
Hòa thượng Thích Giác Toàn bày tỏ vui mừng với sự đoàn kết, hòa hợp của các thành viên trong Ban Văn hóa Trung ương |
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự bày tỏ vui mừng với sự đoàn kết, hòa hợp của các thành viên trong Ban Văn hóa để góp phần tạo nên thành công của các Phật sự nhiệm kỳ vừa qua. Hòa thượng tin rằng tinh thần làm việc nghiêm túc của chư tôn đức trong ban Thường trực, mà thể hiện qua hội nghị tổng kết hôm nay cũng như chuyến điền dã các ngôi chùa ở Nam Bộ mới đây, sẽ góp phần giúp Ban Văn hóa hoàn thành các phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ tới.
Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII của Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN kết thúc sau lời phát biểu của Hòa thượng Bửu Chánh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Lẵng hoa chúc mừng của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM |
Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng hoa chúc mừng |
Ban Tôn giáo Chính phủ |
Ban Nghi lễ Trung ương |
Ban Tôn giáo TP.HCM |
Hòa thượng Thích Trí Minh nhận Bằng tuyên dương của Trung ương GHPGVN |
Các cá nhân trong Ban Văn hóa có thành tích xuất sắc trong công tác Phật sự nhiệm kỳ vừa qua |
Hòa thượng Bửu Chánh trao tặng bằng tuyên dương công đức của Ban Văn hóa đến các cá nhân |
Thành công của Ban Văn hóa trong nhiệm kỳ vừa qua đến từ sự đoàn kết, hòa hợp của các thành viên trong ban |
Thượng tọa Thích Thọ Lạc cùng các thành viên phát nguyện tiếp tục hoàn thành các công việc mà Trung ương GHPGVN giao phó |
Thượng tọa Thích Quảng Minh trình phương hướng hoạt động của Ban Văn hóa nhiệm kỳ IX |
Chư Tăng tham dự hội nghị |
Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) của Ban Văn hóa Trung ương tại khách sạn Vissai Sài Gòn (quận Phú Nhuận, TP.HCM) |