Báo chí hiện đại phát triển theo hướng “đa phương tiện”

GN - Nhà báo Phan Hoàng Phát - Đài Truyền hình Việt Nam, BTV mảng Thời sự của kênh VTV9, là người có nhiều năm gắn bó với truyền hình; anh cũng là một Phật tử (Pháp danh Nhựt Tâm). Nhân dịp Giác Ngộ kỷ niệm 42 năm ngày ra số báo đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2018), anh đã có cuộc trò chuyện với PV Giác Ngộ:

* Làm trong lĩnh vực truyền hình tại một cơ quan báo chí lớn nhất nước, xin anh cho biết lĩnh vực truyền hình có ưu điểm như thế nào trong việc truyền tải thông tin?

baochi (1).jpg

Nhà báo Phan Hoàng Phát - Ảnh: NVCC

- Ưu điểm rõ ràng nhất là hình ảnh. Việc đưa tin hay là kể câu chuyện bằng hình ảnh sẽ có sức tác động lớn hơn nhiều so với chỉ có câu chữ hay chỉ hình tĩnh.

Bên cạnh đó, ông cha mình có câu “thấy mới tin”. Việc có hình động đã giúp cho báo hình có sức thuyết phục cao hơn so với các loại hình báo chí khác. Độ tin cậy còn được nâng cao thêm với các thể loại như tin hiện trường (tức là có mặt của phóng viên ngay tại nơi xảy ra sự kiện).

Hình thức tin trực tiếp (tức là phóng viên từ hiện trường lên sóng trực tiếp) giúp kịp thời cập nhật những thông tin nóng nhất cho khán giả đang xem TV.

* Ngày nay, báo chí “đa phương tiện” được các báo VN hiện thực hóa, lợi ích của truyền thông đa phương tiện là gì (cho cả người đọc và cơ quan báo chí)?

- Với cơ quan báo chí: tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hay khán giả hơn. Ví dụ: một cơ quan báo in có thể cập nhật thông tin nhanh chóng hơn khi có thêm phiên bản báo điện tử (cập nhật theo giây, không cần chờ tới thời điểm in báo), cơ quan báo nói thì cũng có thể thêm kênh truyền hình để đa dạng hóa hình thức đưa tin, một cơ quan truyền hình thì cũng có các tờ báo in…

Báo điện tử giờ đã tích hợp thêm các video, rồi thêm các phần minh họa bằng đồ họa tạo nên sự rõ ràng, dễ hiểu… Và tất cả các cơ quan báo chí đều có thể phát triển các trang fanpage, các ứng dụng trên mạng… để độc giả hay khán giả có thể vào xem bất cứ lúc nào.

Với độc giả: có thể thoải mái lựa chọn xem gì và xem vào lúc nào. Chẳng hạn như với VTV, chúng tôi có các trang fanpage để khán giả xem lại các chương trình mà mình yêu thích, có ứng dụng VTVGo để khán giả xem được trên máy tính, hay trên di động… Không sợ bỏ lỡ giờ phát sóng, không mất công đợi tới mục mình yêu thích, chỉ cần những cái click chuột, những cái lướt tay là có thể tới ngay mục cần xem. Thậm chí là với Facebook, khán giả còn có thể chia sẻ thông tin tới bạn bè của mình một cách rộng rãi và nhanh chóng.

baochi (2).JPG


Tác nghiệp truyền hình - Ảnh: L.H.P


* Theo anh, Giác Ngộ cần đầu tư những gì để phát triển kịp xu hướng báo hiện đại?

- Theo tôi, Giác Ngộ đã là tờ báo có uy tín trong lòng Phật tử, không chỉ cung cấp những kiến thức về Đạo mà còn cả những thông tin cần thiết về Đời. Như đã nói ở trên, như các cơ quan báo chí khác, Giác Ngộ còn cần phát triển thêm phần video, có thể lập kênh riêng trên YouTube, lập ra các ứng dụng trên điện thoại di động để “mọi thông tin đều trong tầm tay” độc giả.

Về trang điện tử, Giác Ngộ có thêm phần đồ họa, với các infographic mang tính tương tác cao. Như vậy, Giác Ngộ sẽ càng gần hơn với độc giả.

* Cảm ơn anh đã có chia sẻ, góp ý cho Giác Ngộ!

Chúc Thiệu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày