GNO - Chiều nay, 24-11-2013, tại khách sạn Crowne Plaza (Hà Nội), trong buổi họp báo công bố chương trình Đại lễ Vesak 2014.
>> Hội nghị lần thứ nhất của ICDV về Đại lễ Vesak LHQ 2014 tại VN
Niệm Phật - nghi thức trước khi bước vào buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo
Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS đồng Chủ tịch Đại lễ Vesak 2014 Thích Thanh Nhiễu cho hay: “Đại lễ Vesak 2014 và hội thảo lần thứ 2 tổ chức tại Việt Nam lần này dự kiến sẽ tiếp đón khoảng 10.000 người tham dự lễ hội, bao gồm 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến Sĩ, học giả Phật giáo cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90 - 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới và 8.500 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam”.
Sẽ có 5 diễn đàn hội thảo khoa học của đại lễ bao gồm: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.
Hòa thượng Chủ tịch ICDV Brahmapundit cho biết: “Đại lễ Vesak LHQ 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hiệp Quốc. Đại lễ cũng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tăng cường phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, vận động để UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới”.
“Đây là một cơ hội để áp dụng những nguyên tắc của Phật giáo để giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới hôm nay. Tất cả mọi người đều trông mong đến ngày Đại lễ này. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình và chắc chắn ngày Đại lễ sẽ là một thành công to lớn” - Hòa thượng Brahmapundit khẳng định.
Nhà báo đặt câu hỏi
HT.Thích Thanh Nhiễu trả lời
Hòa thượng Chủ tịch ICDV Brahmapundit
TT.Thích Nhật Từ chia sẻ nhiều thông tin về Vesak 2014
HT.Thích Thiện Nhơn tại cuộc họp báo
Tại buổi họp báo, đã có hàng chục phóng viên các báo đài đặt những câu hỏi cho Ban Tổ chức, liên quan đến toàn bộ nội dung, hoạt động của Đại lễ. Theo đó, Ban Tổ chức đã dành một lượng thời gian nhất định để trả lời và hầu hết những câu trả lời của Ban Tổ chức đều chi tiết, cụ thể, đáp ứng được những thông tin cần thiết mà giới truyền thông mong muốn.
Ngoài các diễn đàn Hội thảo, Đại lễ Vesak 2014 còn có các hoạt động về văn hóa và hoằng pháp sẽ diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Đại lễ (từ ngày 7 – 11-5-2014).
Được biết, phiên họp trù bị đầu tiên về Đại lễ Vesak LHQ 2014 vừa diễn ra vào ngày 23, 24-11-2013, có sự tham dự của khoảng 60 đại biểu trong nước và 13 đại biểu đến từ các nước Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn quốc, Campuchia và Malaysia.
Lộ trình Vesak 2014 Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, vào ngày 28 và 29-9-2013, sau khi xem xét thư đăng cai chính thức của GHPGVN số 177 ngày 23-9-2013 do HT.Thích Trí Tịnh - Chủ tịch Hội đồng Trị sự đề xuất, tại Văn phòng Viện trưởng của Đại học Mahachulalongkorn, Hòa thượng GS.TS.Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế ICDV đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak LHQ ủng hộ và chấp thuận GHPGVN đăng cai Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 11và Hội thảo Phật giáo quốc tế tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 7 – 11-5-2014. Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 sẽ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5-2008, Việt Nam có được vinh dự đăng cai Đại lễ Vesak LHQ lần thứ năm và đã tổ chức thành công tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về đất nước, con người và đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Hiểu thêm về Đại lễ Vesak LHQ Đại lễ Vesak LHQ là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của Liên Hiệp Quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Ngày 15-12-1999 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết-bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch).
Chư tôn đức và Phật tử tại buổi họp báo chiều nay, 24-11