Báo động đỏ từ vụ cháy chùa Hội Sơn

Đây không phải là vụ cháy chùa lần đầu tại TP.HCM. Nguy cơ cháy chùa cần phải được báo động đỏ.

Chùa Hội Sơn, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tọa lạc tại Q.9, TP.HCM vừa bị hỏa hoạn thiêu rụi chánh điện tối 17-7.

Thiệt hại từ chuyến viếng thăm của bà hỏa, sơ bộ có: bức hoành phi với dòng đại tự “Vạn đức hồng danh” do vua Khải Định ban; 30 tượng cổ (trong đó có nhiều tượng được tạo tác từ thế kỷ XVIII) như tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tượng Bồ-tát Đại Thế Chí, tượng Chuẩn Đề, tượng Tiêu Diện, nhiều tượng Hộ Pháp, Minh Vương, La-hán; hàng trăm cuốn kinh sách quý; vật dụng thờ cúng…, số bị cháy sém, số đã thành than. 

_MG_5958.JPG

Chùa Hội Sơn, một di tích lịch sử - văn hoá gần 300 năm tuổi
của phương Nam bị phát hoả đêm 17-7
(Ảnh: GNO)

TP.HCM từng có một số vụ hỏa hoạn ở cơ sở thờ tự như vụ cháy chùa Đức Quang (Q.4) năm 2008 gây thiệt hại khoảng một tỷ đồng; chùa Sùng Đức (Q.11) bị thiêu rụi phần nhà kho vào năm 2010. Tuy nhiên, vụ cháy chùa Hội Sơn được xem là lớn nhất từ trước đến nay. Lớn, không phải vì quy ra được hàng tỷ đồng thiệt hại, mà vì có quá nhiều hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử đã thành than, không thể phục hồi hay tìm lại được.

Với nội thất, vật dụng, đồ thờ cúng dễ bắt lửa và cả điều kiện để xảy ra cháy, thì nhà chùa là nơi có nguy cơ cao về hỏa hoạn. Những vụ cháy chùa trên cả nước, hầu hết đều xoay quanh các nguyên nhân quen thuộc như đổ nến, thắp nhang, chập điện. Nhiều đình chùa ở TP.HCM lại nằm xen giữa khu dân cư, khả năng khởi phát cháy lẫn bị cháy lan càng tăng cao. 

Các chùa lớn, nổi tiếng, thu hút đông người hành hương, đều rất chú trọng đến vấn đề phòng cháy chữa cháy; thường thấy nhất là luôn đặt biển nhắc nhở, khuyến cáo Phật tử chỉ đốt một cây nhang, vừa bớt khói vừa giảm nguy cơ hỏa hoạn. Tuy nhiên, không phải chùa nào, hay khách hành hương nào cũng chú ý đến điều này. Hơn nữa, trang bị lẫn khả năng tự xử lý tình huống trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt của các cơ sở thờ tự còn nhiều hạn chế. Trong vụ cháy chùa Hội Sơn, các tu sĩ của chùa và cư dân lân cận đã hoàn toàn bất lực trước ngọn lửa. 

_MG_5821.JPG

Gian chánh điện bị cháy rụi như thế này - Ảnh: GNO

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Sở VH-TT-DL TP.HCM cùng các đơn vị chức năng liên quan đã tổ chức một cuộc họp đột xuất chiều 18-7, để nghe báo cáo cụ thể về vụ việc, thống kê thiệt hại và tìm phương hướng giải quyết. Ông Phạm Thành Nam, Trưởng phòng Di sản văn hóa Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết, ngay trong ngày 18-7, Sở đã cử cán bộ xuống hiện trường nắm tình hình: “Ngày 19-7, các đơn vị nghiệp vụ như Phòng Di sản văn hóa, các bảo tàng, Phòng VHTT Q.9 tiếp tục đi kiểm tra đánh giá lại thực tế hiện vật cổ bị hư hại”. Ông Nam cho biết, nguyên nhân hỏa hoạn vẫn đang được phía công an điều tra, báo cáo về vụ việc sẽ được Sở VH-TT-DL TP.HCM tổng hợp gửi lên UBND TP.HCM và Bộ VH-TT-DL trong ngày 20-7. 

109352_img_4663_3265.jpg

Chánh điện và hậu tổ cùng những bảo tượng, hiện vật quý giá ở chùa Hội Sơn chỉ còn là ký ức

Với 143 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có 58 di tích cấp quốc gia và 85 di tích cấp thành phố, TP.HCM là địa bàn luôn nóng về vấn đề di tích bị xâm hại, lấn chiếm và xuống cấp. Tuy nhiên, vụ cháy gây thiệt hại lớn về giá trị tinh thần, văn hóa chưa có tiền lệ ở chùa Hội Sơn vẫn thật sự là một vụ việc gây bất ngờ cho những người có trách nhiệm lẫn người dân bình thường. Nguy cơ cháy chùa - vì thế lại càng cần phải được báo động đỏ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày