Báo Giác Ngộ - điểm khởi đầu mơ ước của tôi

GNO - Trên hành trình theo đuổi hoài bão của mình, báo Giác Ngộ là nơi cho tôi một khởi đầu tốt đẹp về nghề báo, là nơi trao cho tôi cơ hội phát triển bản thân, cũng là nơi giúp tôi hiểu được sâu sắc hơn về lời Phật dạy…

Những kỷ niệm khó quên

Cầm trên tay số báo Giác Ngộ có bài viết đầu tiên của mình: “Nỗi đau của một gia đình”, tôi vui mừng xen lẫn chút hồi hộp như khi còn bé được mẹ mua cho quần áo mới. Cảm giác đó len lỏi trong tôi từng chút, từng chút một khi lướt qua từng con chữ. Trải qua lần đầu tiên ấy, ý nghĩ muốn dùng chính những con chữ của mình để giúp đỡ cho người khác, để truyền lý tưởng sống tốt đẹp đến cho mọi người… ngày càng lớn dần lên trong tôi.

Đối với tôi, bài viết “đẹp” nhất của mình chính là “Tết trong tôi là…”, đăng trên Giác Ngộ online, bởi trong đó có hình ảnh của ba và mẹ. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm xúc khi gõ từng câu từng chữ nói về ba mẹ, nói về cái Tết đầu tiên sau bao ngày xa nhà của mình. Đó là cảm giác hạnh phúc, thân thuộc, xen lẫn chút rộn ràng trong lòng. Lần đầu tiên tôi viết về ba mẹ của mình, lần đầu tiên tôi biết để tâm vào từng ánh mắt, từng nụ cười của ba mẹ, và cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra được ba mẹ đã già.

lananh.2.jpg


CTV Huỳnh Ngọc Lan Anh đang là sinh viên năm 2, ngành Báo chí - Ảnh: TGCC

Trạm khởi hành ước mơ

Báo Giác Ngộ là điểm xuất phát đầu tiên trên con đường theo đuổi ước mơ của tôi. Là một sinh viên ngành Báo chí (Khoa Báo chí & Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM), mỗi con chữ viết ra đều làm tôi phải đắn đo suy nghĩ. Tôi luôn muốn những gì mình viết ra có thể đem lại nguồn năng lượng tích cực cho xã hội, có thể giúp đỡ những con người, những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Mong muốn ấy dù biết đối với một người vừa mới chập chững bước vào nghề như tôi rất khó khăn, nhưng nó vẫn chưa bao giờ vụt tắt trong tôi.

Một người cô dạy tôi năm cấp 3 đã nói với tôi: “Tại sao ngày nay khắp nơi đều là những tin tức tiêu cực, trong khi những con người, những việc làm tốt đẹp lại chẳng được lan truyền đến mọi người nhiều hơn”. Chính vì vậy, tôi luôn muốn đem lại những điều tích cực hơn đến cho mọi người bằng chính ngòi bút của mình.

Mỗi bài viết cộng tác cho báo Giác Ngộ đều đem lại cho tôi những trải nghiệm khác nhau. Khi nghĩ đến việc bài viết của tôi có thể giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hay truyền cảm hứng “sống đẹp” đến những người trẻ, tôi càng thấy yêu cái nghề này và muốn gắn bó với nó lâu dài hơn.

Báo Giác Ngộ trong tôi

Không chỉ cộng tác bài cho báo Giác Ngộ, mà tôi còn là Fan của báo, luôn theo dõi báo như một thói quen không thể bỏ.

Báo Giác Ngộ đem lại cho tôi một cái nhìn sâu sắc hơn về Phật pháp, truyền tải cho tôi những suy nghĩ, quan niệm tích cực hơn về cuộc sống.

Báo Giác Ngộ đem lại cho người đọc những thông tin, sự kiện Phật giáo diễn ra ở trong và ngoài nước. Là nơi lan tỏa tình thương đến những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống. Cũng là nơi độc giả tìm thấy và suy ngẫm về những giáo lý Phật pháp, những thi ca đẹp đẽ.

Qua những trang báo, lời Phật dạy được truyền tải rõ ràng hơn, sâu sắc hơn đến với độc giả. Những lời hay, ý đẹp đều được lồng ghép vào từng câu từng chữ, lắng đọng lại trong suy nghĩ của người đọc.

Với tôi, báo Giác Ngộ như một con thuyền chở cái Chân - Thiện - Mỹ đến với độc giả bằng những con chữ, những hình ảnh, câu chuyện chân thực trong cuộc sống. Đó là những gì khiến tôi luôn muốn gắn bó, đồng hành với báo lâu dài hơn.

Cảm ơn báo Giác Ngộ đã cho tôi có cơ hội cộng tác, cống hiến sức lực của mình để đem lại những thông tin, bài viết dù ngắn hay dài… đến cho độc giả.

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2021), xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Giác Ngộ. Mong báo Giác Ngộ không ngừng phát triển, thành công và luôn là trang báo đạo uy tín, hữu ích, để lại những dấu ấn đẹp đẽ trong lòng độc giả.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Huỳnh Ngọc Lan Anh
(Sinh viên năm 2, khoa Báo chí & Truyền thông
- Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày