Báo Giác Ngộ phỏng vấn Hòa thượng Thích Huệ Thông về 40 năm Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương

Tổ đình Hội Khánh, nơi đặt văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương ngày nay - Ảnh: Đăng Huy
Tổ đình Hội Khánh, nơi đặt văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương ngày nay - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 15, 16-4-2023, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm hình thành, phát triển của Phật giáo tỉnh nhà.
Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Tổ chức - Ảnh: Bảo Toàn

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Tổ chức - Ảnh: Bảo Toàn

Dịp này, Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Tổ chức về sự kiện trọng đại của Tăng Ni, tín đồ Phật tử Phật giáo tỉnh nhà.

Nói về ý nghĩa đặc biệt của lễ kỷ niệm chủ đề: “Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương 40 năm - Một chặng đường lịch sử, hình thành, ổn định và phát triển 1983-2023”, Hòa thượng Thích Huệ Thông cho biết:

- Hành trình 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Dương là một chặng đường tiếp nối ấn tượng, trong đó có cả những trải nghiệm đầy khó khăn, những trăn trở, ưu tư về tiền đồ tương lai của Phật giáo tỉnh nhà mà chư vị tiền bối và sự kế thừa, dấn thân của thế hệ Tăng Ni đương thời. Qua đó, Đại lễ nhằm tôn vinh công đức to lớn của chư tôn đức Trưởng lão tiền bối hữu công và đánh giá những thành tựu công tác Phật sự qua các thời kỳ, nêu cao truyền thống lịch sử hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, đóng góp phát triển tổ chức GHPGVN, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài phỏng vấn đăng trên Giác Ngộ số 1197

Bài phỏng vấn đăng trên Giác Ngộ số 1197

* Để ổn định, phát triển trên hành trình 40 năm qua là không dễ dàng. Phải chăng nội lực, truyền thống đặc biệt nổi bật của Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương quyết định cho thành tựu ngày nay, thưa Hòa thượng?

- Thành tựu các công tác Phật sự trải dài qua các nhiệm kỳ trong 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương, yếu tố quyết định cho sự thành tựu này là tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tôn trọng nét biệt truyền trong một Giáo hội tập trung nhiều tông phong, hệ phái, đặc biệt hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng chiếm đến 80%. Nội lực của sự đoàn kết của Tăng đoàn và người đứng đầu Giáo hội tỉnh quyết định rất lớn.

Ở đó, người lãnh đạo cần luôn biết lắng nghe, biết dấn thân, biết đem lợi ích, nhu cầu chánh đáng và quyền lợi cho Tăng Ni lên tất cả. Đặc biệt người lãnh đạo là người biết kết hợp uyển chuyển với các ngành chức năng trong các công tác Phật sự. Có thể nói, đây là những yếu tố được kế thừa xuyên suốt trong 40 năm qua.

Đại hội đại biểu Phật giáo Tỉnh hội Sông Bé nhiệm kỳ đầu tiên (1983-1987) - Ảnh: TL

Đại hội đại biểu Phật giáo Tỉnh hội Sông Bé nhiệm kỳ đầu tiên (1983-1987) - Ảnh: TL

* Có thể thấy rõ, sau khi thành lập GHPGVN, Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé là một trong những đơn vị được thành lập sớm, xin Hòa thượng cho biết dấu mốc quan trọng này có ý nghĩa như thế nào?

- Sau khi đất nước hòa bình độc lập, chư tôn đức đại diện 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước, thống nhất thành một tổ chức Phật giáo duy nhất đó là GHPGVN vào ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội đã thể hiện rõ tâm huyết của chư tôn đức, Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp thống nhất GHPGVN. Đây là tiền đề quan trọng, đưa đến thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố sau này.

Trước khi thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé, một sự kiện đáng ghi nhận đó là vào ngày 2-2-1976, tại tổ đình Hội Khánh, hội nghị thành lập Ban Liên lạc Phật giáo tỉnh Bình Thủ dưới sự chứng minh chủ trì của Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, đã công cử được một Ban Vận động gồm 15 thành viên do Hòa thượng Thích Tâm Đồng, chùa Thiên Bửu làm Trưởng ban Vận động, Hòa thượng Thích Thiện Tràng, Phó ban; Hòa thượng Thích Quảng Viên (chùa Hội Khánh), Thư ký.

Đây là tiền đề quan trọng để sau khi thành lập GHPGVN tại thủ đô Hà Nội, chư vị Hòa thượng tiền bối tiến tới các bước chuẩn bị cho việc thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé.

Trung tâm Văn hóa Tượng Phật nhập Niết-bàn chùa Hội Khánh xác lập kỷ lục dài nhất châu Á năm 2013 - Ảnh: Đăng Huy

Trung tâm Văn hóa Tượng Phật nhập Niết-bàn chùa Hội Khánh xác lập kỷ lục dài nhất châu Á năm 2013 - Ảnh: Đăng Huy

* Dấu ấn thời cuộc lúc bấy giờ có ý nghĩa đặc biệt như thế nào về Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ I, thưa Hòa thượng?

- Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhân sự là yếu tố quan trọng, đòi hỏi phải có tư tưởng yêu nước và nhiệt tâm với xu thế trong việc thống nhất Phật giáo. Dấu mốc quan trọng là vào ngày 26-12-1982, Hòa thượng Thích Từ Hạnh, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH bấy giờ đến làm việc với UBMTTQVN tỉnh Sông Bé về cơ cấu nhân sự và tổ chức để tiến tới thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé. Một cuộc họp được tổ chức để thành lập Ban Trù bị do Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Trưởng ban.

Sau các bước chuẩn bị kỹ lưỡng, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ I chính thức được tổ chức vào ngày 8, 9-1-1983 tại tổ đình Hội Khánh, P.Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một. Đại hội có 80 đại biểu, quy tụ tất cả các tổ chức, hệ phái, Tăng Ni và cư sĩ tiêu biểu trong toàn tỉnh.

Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ I (1983-1987) là dấu mốc đặc biệt quan trọng, đã đánh dấu sự thành công bước đầu của Phật giáo tỉnh Sông Bé, với ý nghĩa tròn vẹn sự thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong toàn tỉnh thành một tổ chức Phật giáo duy nhất. Đại hội đã suy cử Ban Trị sự gồm 15 vị do Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Trưởng ban kiêm Ủy viên Tăng sự.

Đại hội đại biểu Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé khóa I đã tạo nền tảng ổn định cho Phật giáo tỉnh nhà ở giai đoạn đầu và làm tiền đề cho sự phát triển của Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương ở các nhiệm kỳ sau.

Đại giới đàn Thiện An năm 2022 - Ảnh: Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương

Đại giới đàn Thiện An năm 2022 - Ảnh: Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương

* Là vị giáo phẩm cấp cao của Hội đồng Trị sự, cũng là vị lãnh đạo cao nhất của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đương nhiệm, đồng thời người chứng kiến, trực tiếp đóng góp cho thành tựu của Phật giáo tỉnh nhà trong 40 năm qua, đối với Hòa thượng, hành trình phát triển này có dấu ấn gì đặc biệt?

- Hành trình 40 năm phát triển của Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương có thể chia làm 3 cột mốc quan trọng mang dấu ấn đậm nét của 3 vị lãnh đạo Giáo hội ở 3 giai đoạn lịch sử.

Công lao to lớn mở ra giai đoạn đầu đó là sự lãnh đạo, dìu dắt của chư vị tiền bối hữu công đã xây dựng Giáo hội trên nền tảng tôn trọng truyền thống biệt truyền của tổ chức, hệ phái, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp của tất cả Tăng Ni trong ngôi nhà chung. Công đức to lớn mà thế hệ kế thừa cần ghi nhớ, ấy là sự vun đắp, xây dựng, hướng dẫn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn, vị lãnh đạo Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé trong suốt 14 năm, từ nhiệm kỳ đầu tiên (1983-1987) đến nhiệm kỳ IV (1994-1997).

Dấu ấn về ngài là vị lãnh đạo chừng mực, từ bi, trí tuệ và đầy nhiệt huyết, hòa hợp trong tổ chức Ban Trị sự các cấp, dung hòa trong các mối quan hệ xã hội để bảo đảm sự ổn định trong sinh hoạt tu học của Tăng Ni, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của Tăng Ni, Phật tử trong một tổ chức Giáo hội; phát triển về số lượng cơ sở vật chất tự viện, phát triển đạo tràng trang nghiêm.

Sau khi Hòa thượng Thích Trí Tấn viên tịch (ngày 27-11-1995), Ban Trị sự Tỉnh hội đã công cử Thượng tọa Thích Minh Thiện, Quyền Trưởng ban làm Trưởng ban Trị sự và Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó ban kiêm Chánh Thư ký làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé lúc bấy giờ.

Thực hiện chủ trương tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương, ngày 15-1-1997, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương lâm thời được thành lập do Thượng tọa Thích Minh Thiện làm Trưởng ban, Thượng tọa Thích Huệ Thông làm Phó Trưởng ban Thường trực lãnh đạo Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương bước sang giai đoạn mới.

Giai đoạn từ nhiệm kỳ I (1983-1987) đến nhiệm kỳ IV (1994-1997), Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình, trong công cuộc hình thành, ổn định dưới sự lãnh đạo đầy trách nhiệm, uy tín của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn. Đây là giai đoạn làm tiền đề cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Dương sau này.

Từ nhiệm kỳ V (1997-2002) với sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Minh Thiện và Hòa thượng Thích Huệ Thông cùng tập thể Ban Trị sự đầy tâm huyết, hành trình phát triển tiếp tục được kết nối với những thành tựu Phật sự đáng kể, đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Với sự nhiệt tâm, tận tụy, Hòa thượng Thích Minh Thiện đã đưa Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương bước chuyển tiếp sang một giai đoạn mới trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là sự kế thừa tinh thần đoàn kết, hòa hợp và phát triển công tác từ thiện xã hội.

Hòa thượng Thích Huệ Thông điều hành buổi họp của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh - Ảnh: Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương

Hòa thượng Thích Huệ Thông điều hành buổi họp của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh - Ảnh: Ban TT-TT Phật giáo Bình Dương

* Hòa thượng là người tiếp nối với vai trò lãnh đạo cao nhất của Giáo hội tỉnh trong suốt gần 4 nhiệm kỳ, đưa Phật giáo tỉnh Bình Dương phát triển lên tầm cao mới. Hòa thượng có ‘bí quyết’ nào có thể chia sẻ?

- Có thể nói ở từng giai đoạn từ nhiệm kỳ I cho đến nay, tôi đều có dấu ấn sâu đậm trong Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà, bởi trực tiếp tham gia nhiều vị trí khác nhau trải qua nhiều giai đoạn. Chính vì thế, từ nhiệm kỳ VII (2012-2017) đến nay (đang ở nhiệm kỳ X, 2022-2027), tôi là người lãnh đạo Giáo hội tỉnh đương nhiệm, nhờ những kinh nghiệm và sự học hỏi không ngừng nghỉ từ các vị lãnh đạo tiền bối, tư duy “dám dấn thân” để tôi vững chãi trong kết nối với Tăng Ni, Phật tử và lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh bằng sự cởi mở và dung hòa.

Phải nói rằng, bản thân tôi cũng đã phải vượt qua những lúc khó khăn, trăn trở trước những quyết định quan trọng, để làm sao bảo đảm được sự ổn định trong tu tập, bảo đảm được lợi ích chính đáng của Tăng Ni. Tôi may mắn được làm việc trong một tập thể Ban Trị sự đoàn kết, hòa hợp, đồng lòng, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo, cùng sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo TƯGH, các cơ quan, ban ngành, từ đó có những bước phát triển nổi bật trong nhiều chương trình hoạt động Phật sự, đưa Phật giáo tỉnh Bình Dương phát triển trong thời đại hội nhập, góp phần cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam.

Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương ngày nay đặt tại tổ đình Hội Khánh - Ảnh: Đăng Huy

Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương ngày nay đặt tại tổ đình Hội Khánh - Ảnh: Đăng Huy

* Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Phật giáo tỉnh Sông Bé - Bình Dương, với tư cách là người đứng đầu Giáo hội tỉnh, Hòa thượng có những chia sẻ gì trong điều hành Phật sự và trăn trở gởi gắm đến Tăng Ni, Phật tử?

- Phật giáo tỉnh Bình Dương ngày nay được kế thừa từ chặng đường khai mở, củng cố, xây dựng bền bỉ của chư vị tiền bối đã dày công vun đắp, kiến tạo và chắt chiu. Chúng tôi tự hào là thế hệ kế thừa nền tảng vững chắc, truyền thống, công đức lớn lao của chư vị tiền bối và biết vận dụng, dấn thân trong lãnh đạo Giáo hội và chịu trách nhiệm trước bao thách thức trước bối cảnh đất nước trong giai đoạn hội nhập toàn cầu.

Điều quan trọng đó là ý thức trách nhiệm cao mà tập thể Ban Trị sự cũng như người đứng đầu phải tận tâm, tận lực phát huy tối đa những thuận lợi và cơ hội đang có để tập trung vào mục đích hoằng pháp lợi sinh, phải biết nhận rõ nguyên nhân, khó khăn, thách thức và những vấn đề tồn đọng, để từ đó xây dựng một chiến lược phát triển bền vững có luận chứng căn bản, định hướng một chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ mới và trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

Tôi mong mỗi Tăng Ni đều ý thức trách nhiệm mình là người xuất gia, phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, sống trong giới luật, thực hành giáo pháp của Đức Phật để đóng góp cho sự thanh tịnh của Tăng đoàn, phụng sự cho dân tộc và xã hội.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương

* 132 tự viện, 183 Tăng Ni là con số thống kê sau Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Sông Bé khóa I (1983-1987), trong đó hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng chiếm đến 80%, Hệ phái Phật giáo Thống nhất 10%, Hệ phái Khất sĩ 5% và các hệ phái khác 5%. Ban Trị sự tỉnh lần lượt thành lập 4 Ban Đại diện Phật giáo tại 4 huyện, thị xã phía Nam: Đó là Ban Đại diện Phật giáo TX.Thủ Dầu Một (1984), H.Thuận An (1984), H.Tân Uyên (1985), H.Bến Cát (1986).

* Ngày 1-1-1997, tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh, Phật giáo tỉnh Sông Bé cũng chia đôi, Phật giáo tỉnh Bình Phước (47 cơ sở tự viện, 56 Tăng Ni) và Phật giáo tỉnh Bình Dương (160 tự viện, 265 Tăng Ni).

Ngày 15-1-1997, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương lâm thời được thành lập, sau đó giai đoạn đầy khó khăn, tổ chức hiệp thương, cơ cấu lại 7 Ban Đại diện của 7 huyện, thị trong tỉnh.

Phật giáo tỉnh Bình Dương khóa X (2022-2027)

* GHPGVN tỉnh có 208 cơ sở tự viện, 4 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, với 789 Tăng Ni. Trong đó, có 78 cơ sở tự viện Ni với 402 vị Ni.

* 9 Ban Trị sự Phật giáo huyện - thị - thành phố, cùng 12 ban và Phân ban Ni giới trực thuộc Giáo hội tỉnh. Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đặt tại tổ đình Hội Khánh, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

* 11 Đại giới đàn truyền giới pháp cho hơn 5.500 giới tử được Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé - Bình Dương tổ chức.

* 700 Tăng Ni được đào tạo từ 5 khóa của Trường TCPH tỉnh Bình Dương (trước đây là Trường Cơ bản Phật học tỉnh, thành lập bởi Quyết định số 309/QĐ/HĐTS của Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, ngày 25-11-1994 do TT.Thích Minh Thiện làm Hiệu trưởng, TT.Thích Huệ Thông làm Phó Hiệu trưởng Học vụ và điều hành chính công tác hoạt động của trường, khai giảng khóa học đầu tiên vào năm 1995), khóa thứ V đang có 70 Tăng Ni sinh đang theo học.

* 135 đạo tràng Phật tử tu học trên toàn tỉnh.

* Trên 600 tỷ đồng là trị giá thực hiện công tác từ thiện, an sinh xã hội trong 10 nhiệm kỳ của Giáo hội tỉnh Sông Bé - Bình Dương.

Các sự kiện nổi bật

* 40.000 người tham dự Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011, do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức.

* Hội thảo “Phật giáo Cổ truyền và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” năm 2020.

* Tổ chức thành công 3 lần Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại địa phương vào các năm 2008, 2014, 2019 (mỗi kỳ Đại lễ có từ 30.000-40.000 người tham dự).

* 10.000 người tham dự Đại lễ cầu siêu tai nạn giao thông năm 2017, do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp Ủy ban An toàn giao thông tỉnh Bình Dương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức.

* 10.000 người tham dự Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni - Kiều Đàm Di mẫu do Phân ban Ni giới tỉnh tổ chức năm 2018.

* Xác lập 2 kỷ lục tượng Phật nhập Niết-bàn chùa Hội Khánh dài nhất châu Á năm 2013; Tượng Phật nằm bằng đá sapphire chùa Hội An nặng nhất Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày