Thứ 6 ngày 23-7, báo Tuổi Trẻ đăng Câu chuyện pháp đình có tựa đề Thảm cảnh gia đình. Ký sự kể về một phiên tòa tréo ngoe, phiên tòa xét xử người con (bị cáo) giết chết cha ruột của mình (bị hại), và hai người phụ nữ tham dự phiên tòa hôm ấy vừa là thân nhân của bị hại lẫn bị cáo đã khóc nấc lên sau khi nghe tòa tuyên án tử hình bị cáo…
Bị cáo Mẫn lãnh án tử hình ở tòa sơ thẩm - Ảnh: C.Mai
Thương tâm!
Theo cáo trạng, Phan Minh Mẫn, 20 tuổi, sinh viên Trường Kinh tế - nghiệp vụ Phú Lâm (TP.HCM) đã dùng dây điện chích cha mình là ông Phan Thế T. cho đến chết. Đó là thời điểm chiều ngày 9-11-2009, khi Mẫn vừa đi học về, thấy ông T. say rượu nằm giữa nhà. Trong đầu Mẫn hiện lên ý định giết cha vì nhớ lại những lúc cha mình bạo hành mẹ, đánh đập không thương tiếc con cái. Đi ra mua dây điện, rồi cắm phích, gí dây điện vào người cha cho đến chết.
Mẫn bị bắt, phiên tòa ngày 16-7-2010 xử Mẫn ở khung hình phạt cao nhất: tử hình. Bà nội và cả mẹ Mẫn đã nấc nghẹn, xót xa, phân trần với nỗi đau đến tột độ, ai cũng xin tòa cho Mẫn một con đường sống, bởi trong trường hợp này Mẫn vì quá kích động, vì thương mẹ bị hành hạ, vì bao năm chịu đựng sự đánh đập vô cớ của cha nên mới uất hận đến không kiềm chế được bản thân mà gây nên tội giết cha, nằm trong tội ngũ nghịch của nhà Phật. Còn luật pháp, thì theo như tòa nghị án và quan tòa thì đó là tội "trời không dung, đất không tha"!
Góc nhìn nhân văn
Đúng! Giết người là tội nặng, thể hiện sự thiếu bi tâm của con người. Giết cha, giết mẹ là hành động đại bất hiếu, không còn tính người. Tuy nhiên, xét ở những trường hợp cụ thể thì hành động ấy cũng cần được nhìn nhận sao cho nhân văn, gần với quy luật nhân quả, nghiệp báo và cả tâm lý con người trong những lúc không làm chủ được chính mình.
Nhìn xa về nghiệp duyên từ nhiều đời, nhiều kiếp như Phật dạy thì có thể Mẫn và cha mình cũng như những người thân của gia đình ấy có ân oán từ nhiều đời, nhiều kiếp trước! Thế nên đời này, khi gần lại, sống chung trong một gia đình thì luôn xào xáo, hậm hực, không có bi tâm với nhau. Cụ thể là người cha của Mẫn - ông Phan Thế T. (vốn là trụ cột, là chỗ dựa cho gia đình) đã chẳng quan tâm lại còn đánh đập, chửi mắng vợ con thường xuyên, từ ngày này sang tháng khác. Cả nhà cam chịu trong nỗi thiêu đốt của cơn giận, sự thống hận một người thân đã đan tâm làm đau thân xác, gieo vào tâm hồn từng thành viên trong gia đình nỗi sợ hãi, ám ảnh…
Và sự trả thù do duyên nghiệp ấy nhiều năm cho đến khi nó tích đủ lượng của sự uất hận, mà xét theo quan điểm của HT.Thích Nhất Hạnh thì bạo lực từ người cha đã tưới tẩm lên tâm hồn của những đứa trẻ là con trong gia đình như Mẫn. Hạt giống bạo lực, cay đắng cùng bao nỗi oán hờn đã từng ngày nảy mầm, tốt tươi. Cho đến trước ngày xảy ra án mạng 2 ngày (ngày 7-11-2009) người cha ấy vẫn còn tưới tẩm những hạt giống bạo lực, uất hận khi dùng những vật dụng trong gia đình đánh đập vợ mình một cách tàn nhẫn… Mẫn chứng kiến, đau lòng khi thấy mẹ khổ, cộng hưởng với nhiều năm, nhiều tháng chịu đựng nỗi đau xác thịt cùng tâm hồn đã làm cho "cây" hung ác trong Mẫn trổ hoa và ý nghĩ giết cha cũng thành hành động vào ngày 9-11-2009.
Chia sẻ về đề tài này, ĐĐ.Thích Lệ Minh (Q.5, TP.HCM) nêu quan điểm: "Có lẽ trong ngần ấy năm trời chịu đựng bạo lực, Mẫn đã quên mất ông Phan Thế T. là cha mình. Bởi nếu là cha thì phải là người thương yêu gia đình, vợ con, làm tấm gương mẫu mực để con noi theo, tự hào chứ! Trong phút giây đau khổ, trong sự bồng bột tuổi 20, Mẫn đã hành động nông nổi, đáng thương và đáng trách".
Theo dõi báo Tuổi Trẻ những ngày qua, nhiều bạn đọc và các luật sư cũng cho rằng Mẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình, cần cho Mẫn một con đường sống bởi em ấy còn có thể cải tạo. Luật sư Diệp Năng Bình, trên Tuổi Trẻ ngày 26-7 trình bày quan điểm: "Một bản án được tuyên ngoài tác dụng trừng trị, giáo dục phòng ngừa còn thể hiện tính chất khoan hồng của Nhà nước. Tôi nghĩ rằng Mẫn cũng chỉ là nạn nhân của bạo hành gia đình mà ở đó sự uất hận dồn đến tột đỉnh. Nếu như cha Mẫn hơn 20 năm qua không hành hạ mẹ Mẫn thì em đâu phải đứng trước vành móng ngựa và đối diện với bản án tử hình hôm nay? Qua thông tin báo chí, tôi cho rằng hội đồng xét xử đã chưa xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo mà một tình tiết rất quan trọng là người bị hại cũng có lỗi. Một con kiến khi bạn giết nó, nó còn trốn chạy, sợ chết huống chi là con người? Đối với Mẫn, chưa nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn ra khỏi xã hội. Dù sao thì bản án cấp sơ thẩm đã tuyên. Tôi mong rằng cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại bản án và cho Mẫn một con đường sống". Hẳn đó cũng là mong muốn của nhiều người trong trường hợp cụ thể của Mẫn.
Và nỗi đau của người bà, người mẹ của Mẫn - Ảnh: C.Mai
Quy luật nhân quả không bỏ sót bất kỳ ai và rất đỗi công bằng. Nhìn sâu vào câu chuyện đau lòng của gia đình Phan Minh Mẫn, chúng ta nhận diện ra được nhiều điều. Đó là lòng hận thù được nuôi dưỡng từ bạo lực, sự tưới tẩm nó mỗi ngày sẽ làm cho con người trở nên thiếu tự chủ, hành động mất hết tính người. Bởi bản chất của thù hận là bắt nguồn từ sân giận, sân giận kéo dài thì thù hận phát sinh và khi ấy người ta sẽ chăm chăm nghĩ cách trả thù, khi có cơ hội họ sẽ ra tay. Bạo hành gia đình, sự thật này đang diễn ra ở rất nhiều gia đình hiện nay, có thể bằng nắm đấm và cũng có thể bằng lời nói, sự xúc xiểm. Bi tâm của con người trong những cuộc bạo hành như thế sẽ giảm dần, và chính từ trường ảm đạm tạo ra bởi năng lượng oán hận sẽ là động lực đẩy con người đến chỗ phạm tội, tạo ra bi kịch cho nhiều người.
Xót xa, đắng lòng không chỉ là cảm giác của những người trong gia đình nhỏ bé ở câu chuyện cụ thể báo chí vừa nêu mà nó đang lan ra thành vệt để nhiều người cùng suy nghĩ. Chính bạo lực gia đình tồn tại bởi sự sân giận, bởi sự thiếu từ bi của con người, ngay với chính người thân mình đã đẩy những đứa con vào chỗ bất hiếu, bất nhân.
Pháp luật sẽ có bản án thích hợp hơn ở phiên tòa phúc thẩm, dựa trên lý và tình. Nhưng với góc nhìn của đạo Phật ở câu chuyện này quả là đáng thương. Mùa Vu lan đang đến, gợi nhắc đến hiếu hạnh. Hiếu hạnh là hạnh Phật, nó phải được dưỡng nuôi từ lối sống có trách nhiệm của người cha, người mẹ. Và nếu cha mẹ sống thiếu trách nhiệm, tiêm nhiễm cho con mình những điều bất thiện mà cụ thể như chuyện bạo lực trong gia đình thì con cái khó mà hiếu đễ được!.