GN - Câu chuyện về sư Ajahn Siripanno, con trai độc nhất của tỷ phú Ananda Krishnan - người sở hữu tài sản đứng thứ nhì tại Malaysia xuất gia đăng tải trên các trang mạng gần đây, cả trên Giác Ngộ online đã thu hút lượng người đọc quan tâm, bình luận rất nhiều và tích cực.
Sư Ajahn Siripanno khất thực độ nhật theo truyền thống Phật giáo Nam tông
Việc chàng trai duy nhất của ông tỷ phú này từ bỏ sự kế thừa và tài sản khổng lồ của gia đình để xuống tóc xuất gia, trở thành nhà sư tại một tu viện ở Thái Lan - gần biên giới Myanmar diễn ra bình thường cho đến khi sư đến dự buổi tiệc sinh nhật lần thứ 70 của cha mình với bộ pháp phục của người tu gây bất ngờ cho mọi người, đặc biệt là giới truyền thông.
Sau một khoảng thời gian chừng 10 năm mất liên lạc với đứa con trai, tỷ phú Ananda Krishnan tình cờ tìm thấy lại người con trai duy nhất, tất nhiên trong một hình thức khác gây sững sờ cho ông: một vị sư, pháp phục giản dị, trì bình khất thực theo truyền thống Phật giáo Nam tông tại một ngôi chùa ở Thái.
Ông vừa mừng vừa tủi, và ngỏ ý mời con trai cùng ăn một bữa trưa, nhưng đã bị khước từ với lý do hòa chúng khất thực cùng các vị đồng tu khác. Lần đầu ông cảm nhận danh vị mà ông được xã hội gắn cho lại không thuyết phục được người con, không mời được đứa con bao năm xa cách của mình một bữa cơm!
Việc chàng trai con của tỷ phú xuất gia sau đó được tìm hiểu, và biết rằng dẫu sinh ra trong môi trường giàu có nhưng anh đã không tìm thấy được hạnh phúc trong những xa hoa ấy, mà có được sự bình an trong giáo pháp của Phật, và rồi quyết định dấn thân thực hành, sống đời sống tu hành giản dị.
Câu chuyện trên đã đánh động vào tâm trí của nhiều người, lan truyền rất nhanh trên các trang mạng, nhắc nhở mọi người rằng cái đích đến cuối cùng trong cuộc sống này là gì? Rất nhiều người chúng ta mưu cầu sự giàu có, quyền lực, sắc đẹp, sống lâu…, nhưng những điều đó có bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc, sự bình an thực sự?
Chúng ta thường bị thói quen và những quan niệm mang tính công ước của xã hội thúc đẩy trôi giạt vô định, cố tìm kiếm những ảo ảnh được gắn cho là hạnh phúc qua các giá trị thành đạt, viên mãn… mà không hề phản tỉnh, tự đặt câu hỏi có phải đó là hạnh phúc, an lạc thực sự mà mình mong muốn hay không?
Qua các hiện tượng tranh giành cho được lộc ở các lễ hội đầu năm gần đây, cũng như đầu Xuân Đinh Dậu này, một số khái niệm tôn giáo cũng bị lạm dụng, theo hướng trao đổi vật chất thực dụng. Dư luận lên tiếng, nhưng giải pháp dường như bỏ ngỏ, đã đến lúc cũng cần đặt ra câu hỏi dù đã rất xưa cũ: Ai là người có trách nhiệm?
Mong ước sự giàu có, sung túc… là chính đáng, nhưng không thể cầu mong rồi bất chấp để đạt được mục đích đó. Nếu với động cơ là lòng tham, không có câu trả lời cuối cùng “bao nhiêu là đủ”. Với người có niềm tin nơi Phật pháp, chúng ta ý thức rằng mỗi khi đời sống của chính mình thiếu vắng sự an lạc nội tâm thì vẫn không thể có sự bình an và hạnh phúc lâu dài trong cuộc đời này.