Bế mạc lễ hội văn hóa Ấn Độ tại TP.HCM

GNO - Sáng nay, 10-3, lễ hội văn hóa Ấn Độ tại TP.HCM đã chính thức khép lại với nhiều thành tựu như mong đợi.

H (1).jpg


Các vị Lama Ấn Độ thực hiện nghi thức trì chú bắt đầu lễ bế mạc

Sau phần trì chú của các vị Lama đến từ Ấn Độ, đại diện GHPGVN, HT.Thích Thiện Tánh, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM đã gửi lời cảm ơn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ đã tạo điều kiện cho các vị Lama đến Việt Nam tham dự và có các hoạt động tại lễ hội.

Đồng thời, Hòa thượng khẳng định: “Lễ hội văn hóa Ấn Độ đã khép lại sau 4 ngày nhưng những giá trị tinh thần từ lễ hội này sẽ tiếp tục tỏa sáng. Nền minh triết và đạo đức được Đức Phật giảng dạy, thông điệp từ bi, bất bạo động, hòa bình được Phật công bố, trách nhiệm phổ quát và sự tu luyện đạo đức như Đức Phật chủ trương, một lần nữa được tỏa sáng trong lễ hội văn hóa Ấn Độ này”.

H (2).jpg
Các vị Lama thực hiện nghi lễ truyền thống

H (4).jpg
HT.Thích Thiện Tánh phát biểu

H (5).jpg
Ngài Tổng Lãnh sự Ấn Độ bày tỏ hoan hỷ

H (3).jpg
Phật tử, quan khách dự lễ bế mạc

Ngài Tổng Lãnh sự Ấn Độ cũng bày tỏ niềm vui, hoan hỷ khi được GHPGVN, Phật tử quan tâm và tiếp đón long trọng. Ông cho biết: “Trong 4 ngày qua, tôi thấy mối liên kết, văn hóa hai nước có nét tương đồng và xích lại gần nhau. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, điêu khắc bơ và vẽ tranh cát là hai chương trình thể hiện rõ nét văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ mà các vị sư đã gửi đến Phật tử VN chiêm nghiệm. Tôi tin, điều này sẽ đem đến niềm hạnh phúc cho 2 nước. Và ngày hôm nay, đoàn sẽ di chuyển đến phía Bắc - Hà Nội, trước khi rời đi, chúng tôi rất lưu luyến vì chúng tôi yêu TP.HCM rất nhiều”.

Theo thông báo từ Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, sau khi triển lãm nghệ thuật kết thúc, phía Ấn Độ sẽ trao tặng một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm tới GHPGVN, một số ngôi chùa đặc trưng, để siết chặt tình hữu nghị giữa 2 nước.

H (6).jpg

H (7).jpg
HT.Thích Thiện Tánh tặng quà tới các vị Lama và ông Tổng Lãnh sự Ấn Độ

H (12).jpg
Đại diện các Lama đến từ Ấn Độ tặng khăn cát tường tới chư tôn đức

H (14).jpg
TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM phát biểu cảm tạ

H (17).jpg
Và chụp hình lưu niệm, trong tình hữu nghị, hiểu biết văn hóa Việt-Ấn được truyền thông từ lễ hội lần này

Trước khi khép lại chương trình, các vị Lama thể hiện 2 điệu múa tâm linh, như lời cầu chúc bình an đến chư Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam. Tại buổi lễ, HT.Thích Thiện Tánh tặng quà lưu niệm cho các các vị sư và ông Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM.

Được biết, sau khi bế mạc lễ hội văn hóa Ấn Độ tại TP.HCM, phái đoàn và các vị Lama sẽ đến Hà Nội để tiếp tục cho tuần lễ văn hóa. Chương trình sẽ chính thức khép lại vào ngày 15-3.

Tin: Hạnh Ý - Như Danh
Ảnh: Yên Hà

Điểm lại các hoạt động văn hóa Phật giáo Ấn Độ vừa diễn ra

Trong khuôn khổ của chương trình Lễ hội văn hóa Ấn Độ tại VN và là một phần của văn hóa truyền thống Ấn Độ, các hoạt động văn hóa Phật giáo được thiết kế và biểu diễn, mang đậm màu sắc và đặc trưng của Phật giáo Ấn Độ như: vẽ đồ hình mandala bằng chất liệu cát, điêu khắc bơ, múa Cham và nghi thức tụng niệm.

Vẽ đồ hình mandala bằng chất liệu cát

Mandala là bản đồ của vũ trụ biểu trưng cho nơi cư ngụ của chư Thiên và thần thánh. Cả chư Thiên, các vị thần được vẽ trong mandala hay chính mandala được xem là những biểu đạt của tâm giác ngộ thuần khiết và đầy đủ của Đức Phật.

hieu3.jpg
Mandala cát - Ảnh: Trọng Hiếu

Mandala có thể được tưởng tượng ra, được vẽ ra hoặc kiến tạo từ các chất liệu như cát, gỗ, đá quý, gạo hoặc hoa. Trong đó, cát được xem là chất liệu thiêng liêng nhất, xét về mặc số lượng của cát cũng như sự tinh xảo trong kỹ năng của người chế tác đối với từng chi tiết nhỏ của mandala.

Các nhà chế tác sẽ trì kinh trước khi bắt đầu thực hiện một tác phẩm mandala. Sau đó, khung sườn của mandala sẽ được phát họa và các nghệ nhân sẽ tiến hành chế tác mandala, đi từ trung tâm mandala ra các phía, từ trong ra ngoài.

Cát được nhuộm màu để chế tác mandala được gọi là Chakpu. Các mandala về bố cục đều có vòng trong, vòng ngoài và ẩn chứa trong đó nhiều mật nghĩa. Vòng ngoài của mandala biểu trưng cho vũ trụ và thế giới thiêng liêng. Vòng trong là bản đồ thể hiện sự chuyển biến tâm thức của con người bình thường sang trạng thái tâm thức giác ngộ.

Về mật nghĩa, các mandala biểu hiện sự cân bằng khởi nguyên hoàn hảo nhất cho nguồn năng lượng vi tế của cả phần tướng và phần trí tuệ tâm linh.

Sự kiến tạo mandala bằng cát mang lại tác động thuần khiết hóa và tịnh hóa cho cả cấu trúc của mandala ở cả vòng trong, vòng ngoài và mật nghĩa của mandala.

Mandala được chế tác khi bắt đầu các nghi lễ và cho các hoạt động hành thiền. Mandala còn có ý nghĩa tịnh hóa không gian và con người nơi đó, để mang “nguồn năng lượng chữa lành” và thúc đẩy sự hài hòa của thế giới.

Các mandala trên cát được chế tác trên yếu nghĩa của sự vô thường và không bám víu. Các mandala sau khi được hoàn thành sẽ có một nghi lễ theo sau đó và cát được trì chú và nguyện từ mandala sẽ được rải xuống nước để mang lại lợi lạc cho các loài dưới nước, cho môi trường và tất thảy các loài hữu tình.

Điêu khắc trên bơ

Điêu khắc trên bơ là nghệ thuật Phật giáo cổ xưa của vùng Tây Tạng Hy Mã Lạp Sơn có nguồn gốc từ thế kỷ 15. Các tác phẩm này được chế tác trên chất liệu bơ được nhuộm màu, cúng dường lên các bậc giác ngộ để nguyện cầu hòa bình, thịnh vượng và may mắn đến với mỗi người và cộng đồng.

Truyền thống này được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Và cho đến nay, nhiều tu sĩ Phật giáo làm việc hàng tháng ròng điêu khắc những tác phẩm có kích thước khổng lồ để trưng bày và cúng dường vào ngày trăng tròn (ngày 15) hoặc ngày mùng 1 của Lễ hội Losar đầu năm mới.

hieu1.jpg
Tác phẩm điêu khắc bơ do các vị Lama đến từ Ấn Độ thực hiện
tại lễ hội văn hóa Ấn Độ tại TP.HCM - Ảnh: Trọng Hiếu

Múa Cham

Múa Cham là điệu múa của các tu sĩ Phật giáo Đại thừa với mặt nạ, trang phục đặc trưng và âm nhạc truyền thống; và là một phần của lễ hội Phật giáo. Điệu múa là sự hướng thượng tâm linh, là biểu trưng của lòng từ bi dành cho các loài hữu tình, cầu nguyện bình an cho tất thảy mọi người.

Múa Cham cũng được xem là một dạng của thiền và để cúng dường lên chư Thiên, có từ thế kỷ thứ 9. Múa Cham Ấn Độ được biểu diễn ở  khu vực Hy Mã Lạp Sơn trong các lễ hội văn hóa và Phật giáo.

H (8).jpg
Ảnh: Yên Hà

Nghi thức tụng niệm

Nghi thức tụng niệm do các vị Lama thực hiện gồm có các nhạc cụ và thần chú. Nghi thức này được thực hiện ở nhiều quốc gia Phật giáo từ Thái Lan (Wats) cho đến các tu viện Phật giáo Tây Tạng ở Ấn Độ và Tây Tạng. Hầu hết các trường Phật học đều có truyền thống nghi thức này.

Các tu sĩ thực hiện nghi thức này tạo ra luồng thanh từ cổ họng và khuếch đại âm thanh ra ngoài. Các tu sĩ có thể tạo ra âm thanh với nhiều cao độ khác nhau cùng một lúc.

Trần Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày