Bí ẩn trong ngôi chùa không có... hòm công đức

Tọa lạc trên lưng chừng núi, chùa Tiêu (Bắc Ninh) từ lâu không chỉ nổi tiếng là danh lam cổ tự mà ở đây còn có nhiều bí ẩn thú vị, có giá trị đối với việc nghiên cứu khảo cổ.

 Nơi tìm thấy pho tượng táng gần... 300 tuổi

Theo Ni trưởng Thích Đàm Chính, trụ trì chùa Tiêu, thì cách đây hơn 60 năm, ở ngôi tháp trước tòa Tam Bảo có cốt một nhà sư. Ngày ấy, qua khe gạch nứt vỡ người ta đã nhìn rõ hình hài pho tượng táng (người viên tịch nhưng vẫn còn giữ nguyên hình thể - PV). Sau do chiến tranh và sợ bị động, nhà chùa đã xây bịt cửa tháp. 

Pho tượng thiền sư Như Trí hiện được bảo quản trong hòm kính và được đặt ở nhà Tổ.
Pho tượng thiền sư Như Trí hiện được bảo quản trong hòm kính và được đặt ở nhà Tổ.

Cho đến ngày 5-3-2004, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, cửa tháp đã được mở ra. Thông qua riềm bức họa gắn tại cửa chính có đắp nổi các chữ Hán (viết theo lối Triện) xác định được nhục thân trong ngôi tháp này là Hòa thượng Như Trí (sống cách đây 300 năm).

Hòa thượng Như Trí là người có công trùng san và in nhiều bộ sách Phật học, trong đó có “Thiền uyển tập anh” - cuốn sách cổ của Phật giáo Việt Nam ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích các vị thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Đây là tác phẩm không những có giá trị về lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyền kỳ có giá trị về văn học, triết học và văn hóa dân gian.

“Giống như nhục thân hai vị thiền sư chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội), thiền sư Như Trí cũng tịch trong tư thế ngồi thiền kiết già và được các đệ tử phết bên ngoài bằng một lớp bồi gồm đất tổ mối, sơn ta, mùn cưa” - PGS.TS khoa học Nguyễn Lân Cường cho hay.

Cũng theo PGS. TS Cường thì điều khác biệt là trong lớp bồi không có thếp vàng, thếp bạc mà lại có những miếng đồng mỏng, có tác dụng đỡ cho nhục thân ngài qua nhiều năm không bị gục xuống. Từ các phát hiện này, chứng tỏ phương thức táng tượng của Việt Nam rất độc đáo và đạt trình độ rất cao.

Trước hiện tượng này, HT.Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN nhận định: “Để có thể tượng táng được như thế cần nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là các ngài biết được quy luật (nhà Phật gọi là tu chứng), có nhân duyên nhiều công quả và những công phu khác thường. Đồng thời phải hiểu rõ thời điểm nào mình sẽ viên tịch để mà có chế độ ăn thích hợp”.

Theo truyền thuyết, Đức Phật sau khi nhập Niết-bàn cũng để lại xá-lợi như những viên ngọc ngũ sắc, ngay cả cho vào nhiệt độ rất cao cũng không thiêu huỷ được. Còn như thiền sư Như Trí là toàn thân xá lợi.

Gần 7 tháng sau khi được rước ra khỏi ngôi tháp cổ, ngày 26-9-2004 nhục thân thiền sư Như Trí đã được tu bổ và khôi phục xong. Tượng Thiền sư trở lại dáng vẻ gần như ban đầu và tiếp tục "ngồi kiết già" trong nhà thờ Tổ với sự bảo quản vô cùng kỹ lưỡng của khoa học hiện đại.

Và ngôi chùa chưa bao giờ có... hòm công đức

Đến chùa Tiêu, khách thập phương không chỉ chiêm bái pho tượng thiền sư Như Trí đầy bí ẩn và cực kỳ quý giá ở Việt Nam mà còn không khỏi “ngỡ ngàng” trước ngôi chùa chưa bao giờ có hòm công đức. 

Các ban thờ ở chùa Tiêu không có một hòm công đức nào.
Các ban thờ ở chùa Tiêu không có một hòm công đức nào.

Điều đó trái với việc phổ biến hiện nay ở miền Bắc trong nhiều ngôi chùa, hầu như ban thờ nào cũng có hòm công đức lớn, nhỏ nhưng ở chùa Tiêu thì không. Các ban thờ khá “đơn giản” bởi hoa quả, bánh kẹo, đèn nhang...

Riêng “văn hóa giọt dầu” được tôn nghiêm và đúng mực hơn khi trên ban thờ chỉ có mấy đồng tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng được đặt ngay ngắn trên đĩa nhựa.

Về trụ trì chùa Tiêu được hơn 60 năm, Ni trưởng Thích Đàm Chính cho hay: “Từ lúc Sư cụ về đây trụ trì đã không thấy có hòm công đức nào rồi. Ngay lúc đó, Sư cụ đã phát nguyện trước ban thờ Tam bảo là không đặt hòm công đức ở bất cứ chỗ nào trong chùa”.

Sư cụ Đàm Chính chia sẻ thêm là “hình thức” công đức ở đây là nhà chùa chỉ nhận tiền công đức khi đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho chùa. Còn khi xây dựng xong hoặc không xây dựng gì thì nhà chùa không nhận bất kỳ tiền công đức nào, của ai.

“Việc nhà chùa không có hòm công đức không biết có từ khi nào và không ai lý giải nổi vì sao chùa lại không có hòm công đức? Nhưng khi xây dựng bất cứ cái gì, nhà chùa đều hoàn thiện và xây dựng khang trang. Tất cả là do chư Phật, chư Tổ gia hộ cho nhà chùa” - Một bà vãi ở chùa vui vẻ tâm sự.

Chùa Tiêu (Tiêu Sơn tự) nằm trên lưng chừng núi Tiêu, xã Tương Giang, huyện Từ  Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ðây là nơi trụ trì của thiền sư Lý Vạn Hạnh - người đã có  công nuôi dạy Lý Công Uẩn - vị  vua đầu tiên của triều Lý. Mặt khác, chùa Tiêu còn được biết đến là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là một trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày