Biết trước giờ tịch, xá-lợi hiển linh

GN - Trần Nhân Tông (1258-1308), một vị vua anh minh, có công lớn trong việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ Đại Việt, đồng thời ngài là một thiền sư lớn, khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang bản chất Phật Việt thời trung đại.

Tương truyền, cuộc đời của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (còn gọi Trúc Lâm Đại sĩ) có nhiều kỳ dị và linh ứng. Ngay khi mới sanh ra, vua có “nhan sắc như vàng, thần khí tươi sáng, gọi là Kim Tiên Ðồng Tử” (Đại Việt sử ký toàn thư) đã cho thấy có điều gì đó ‘siêu trần bạt tục’ nơi ngài rồi!

amngoavan.jpg


Am Ngọa Vân - Yên Tử

Biết trước giờ tịch

Sách Tam tổ thực lục chép: “Ngày mười chín, ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử gọi Bảo Sát đến đây gấp. Ngày hai mươi, Bảo Sát quảy gói sang, đi đến Doanh Tuyền thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi Sơn và hạ xuống Doanh Tuyền, nước đầy tràn lên cao mấy trượng, giây lát lại bình xuống. Lại thấy hai con rồng đầu bằng đầu ngựa ngóc cao hơn trượng, hai con mắt như sao, chốc lát lại lặn xuống. Đêm ấy Bảo Sát nghỉ trong quán trọ dưới núi, mộng thấy điềm chẳng lành. Ngày hai mươi mốt, Bảo Sát đến am Ngọa Vân. Ngài trông thấy mỉm cười bảo: Ta sắp đi đây, nhà ngươi đến sao trễ vậy? Đến ngày mùng một tháng mười một, đêm ấy trời trong sao sáng, ngài hỏi Bảo Sát: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát bạch: Giờ Tý. Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: Đến giờ ta đi! Và liền nhập diệt.

Xá-lợi hiển linh

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Sau khi Trúc Lâm Đại sĩ viên tịch, Pháp Loa làm lễ trà tỳ Đại sĩ được hơn ba ngàn hạt xá-lợi, mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư. Vua (Trần Anh Tông) có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá-lợi ở trước ngự (1), đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp, thì đã mất một số ít hạt. Vua xúc động đến phát khóc, trong lòng mới khỏi nghi ngờ.

Ngoài hai câu chuyện ‘biết trước giờ tịch’ và ‘xá-lợi hiển linh’, sử truyện còn ghi lại nhiều chuyện không thể nghĩ bàn về hành trạng của ngài. Điều này cho thấy Trúc Lâm Đại sĩ là bậc đạt đạo, tùy duyên mà ứng hiện để làm lợi lạc cho muôn loài.

 Dã Hạc

_________________

(1) Câu chuyện trên cũng được chép trong Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng. Theo sách này (chuyện Tô linh định mệnh), xá-lợi bay vào ống tay áo hoàng tử Mạnh (dẫn lại của Đại Việt sử ký toàn thư).

Tâm linh mầu nhiệm là tiểu mục chuyên giới thiệu những vấn đề thuộc về tâm linh, cụ thể là sự linh ứng, cảm ứng, sự gia hộ và chuyển hóa mầu nhiệm trong Phật pháp của chư Thánh Tăng, chư Tổ sư, chư Tăng Ni và Phật tử từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế cho đến tận ngày nay.

Vẫn biết, cảm ứng là vấn đề cá nhân, linh ứng là duyên của mỗi người, mầu nhiệm là vấn đề không thể nghĩ bàn nhưng tất cả đều có điểm chung là có thể cơ cảm được, khiến cho người có nhân duyên với Phật pháp tăng trưởng niềm tin vào Tam bảo, sợ hãi và chừa bỏ điều ác, tin sâu nhân quả, hướng về nẻo thiện.

Ngoài nguồn sử truyện Phật giáo hiện có, Giác Ngộ rất mong nhận được những chia sẻ từ sự trải nghiệm thực tế về linh ứng và mầu nhiệm của chính chư vị Tăng Ni và Phật tử. Thiết nghĩ, sẻ chia những kinh nghiệm tâm linh này là một cách hoằng pháp hữu hiệu, trợ duyên cho bốn chúng giữ vững tín tâm, tiến tu đạo nghiệp.

Mời chư tôn đức, quý cộng tác viên, bạn đọc cùng tham gia bằng cách chia sẻ những câu chuyện mà mình biết, hoặc kinh nghiệm thực hành mà mình có được. Bài vở, thông tin xin gởi về tòa soạn, địa chỉ thư điện tử: toasoan@giacngo.vn, chủ đề xin ghi rõ “Mục Tâm linh mầu nhiệm”.

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày