Biểu tượng Phật sơ sinh và ý nghĩa lễ tắm Phật

Biểu tượng Phật sơ sinh và ý nghĩa lễ tắm Phật
GN - Tắm Phật cũng là dịp để Phật tử nhìn lại tâm thức của mình.

Vào ngày lễ Phật đản không gì bằng chắp tay một cách thành kính nhớ  lại những gì Phật đã dạy đồng thời thấy Đức Phật trang nghiêm như đang đứng trước mặt. Tất nhiên là chúng ta không thấy nhưng tâm linh sẽ đưa chúng ta sống lại bên Phật, nhất là khung cảnh có một không hai của lịch sử loài người.

Đó là ngày Đức Phật chào đời. Vào năm năm 623 trước Tây lịch (có tài liệu cho rằng Ngài sinh ra từ năm 560 đến 624 trước Tây lịch). Theo các kinh, hoàng hậu Maya được vua Tịnh Phạn cho phép rời hoàng cung để về quê nhà sinh con đầu lòng theo đúng phong tục. Đoàn tùy tùng đưa hoàng hậu đi chừng ba chục cây số ngang qua làng Lâm-tì-ni, thấy một khu vườn với những cây vô ưu đang nở rộ hoa. Bà ghé lại vin cành định bẻ một nhánh hoa thì chuyển dạ sinh một hoàng nam. Ngay khi ấy, hào quang tỏa sáng, đồng thời những thiên nhân xuất hiện với hào quang của mình cùng với hào quang kia chiếu sáng đến tận những nơi tăm tối mà mặt trời, mặt trăng cũng không thể chiếu sáng được.

Thái tử chào đời không khóc như bao đứa trẻ sơ sinh khác mà sau đó đứng dậy lại có hoa sen đỡ lấy bước chân hài đồng đi bảy bước rồi một tay chỉ trời một tay chỉ đất nghiêm trang tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn”. Từ phương Đông, đạo sĩ A Tư Đà nhìn lên trời thấy luồng hào quang, đạo sĩ đi theo tìm đến xem tướng rồi đặt tên cho thái tử.

Đức Phật là một người hoàn hảo, không có tì vết. Ngoài tên khai sinh Tất Đạt Đa, sau này Đức Phật còn được tôn xưng thêm 10 danh hiệu nữa để nói lên sự hoàn hảo không tì vết của Ngài.

Sự tích ngày Phật đản theo kinh là vậy. Không có ai thắc mắc về cuộc đời của Đức Phật. Tuy nhiên với ngày Đức Phật chào đời - các bậc vĩ nhân khi sinh ra hầu như ai cũng có những hiện tượng để báo hiệu trước cho tính cách sự nghiệp của các vị sau này - rõ ràng cũng có một số người nghĩ và không tin. Thứ nhất những người tin Phật là tin theo Pháp, bản thân của Phật thuộc về lịch sử con người, mà những gì thuộc về con người phải được lý giải. Chuyện đạo sĩ A Tư Đà nhìn hào quang chiếu sáng trên nền trời được giải thích đó là hiện tượng sao chổi xuất hiện. Và người ta đã chứng minh được chu kỳ sao chổi xuất hiện vào thời Đức Phật ra đời. Chuyện hoàng hậu giơ tay định bẻ cành hoa và như vậy Thái tử được sinh ra ở bên hông. Người ta có thể lý giải hoàng hậu đã được phẫu thuật sinh, bởi vào thời kỳ này người xưa đã biết phẫu thuật. Nhưng không thể có việc hài nhi mới sinh ra đời đã đứng dậy biết đi và biết nói. Thứ hai là nhóm người dễ tin vào mọi thứ. Có những việc không đáng tin họ cũng tin được nhưng có việc lại không tin… lý do họ bị mắc kẹt, lý trí không vượt qua khỏi bản ngã, mắt thấy mới tin để bước vào thế giới tâm linh hiện thực huyền ảo không thể nói ra bằng lời.

Thí dụ như hỏi, một người khi trèo lên bậc thang cuối cùng rồi sẽ tiếp tục đi đâu. Câu hỏi đặt ra với người thì được, người trèo lên thì tuột xuống chớ còn gì nữa; nhưng câu hỏi ấy đặt ra cho Phật ắt là phải lúng túng tìm câu trả lời. Giới hạn của lý trí sẽ ngăn cản không cho người hình dung hình ảnh kỳ vĩ Phật leo lên nấc thang cuối cùng thành chánh quả rồi Phật lại trở xuống trần gian sống giữa chúng ta… (Phật có đến ba thân: ứng thân, pháp thân và báo thân ở giữa chúng ta và ở khắp mọi nơi) hóa ra có những hiện tượng siêu nhiên huyền ảo nhưng rất là bình thường. Ngược lại những điều bình thường giản dị như cơn gió nhẹ thổi qua đùa lá cây, nếu như chỉ dùng lý trí để cảm nhận thì không thể thấy mình đang đứng trước điều kỳ diệu - gió từ cõi nào thổi tới. Do đó, người tin vào mọi thứ nhưng lại không tin chuyện hài nhi vừa mới chào đời đã đứng dậy. Tuy nhiên mọi nghi ngờ sẽ không còn khi hình dung Phật sơ sinh đứng trên hoa sen một tay chỉ trời, một tay chỉ đất trang nghiêm tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn” qua nghĩa biểu tượng.

Bách khoa tự điển định nghĩa “biểu tượng là cái gì đó đại diện cho một ý tưởng, thực thể vật chất hoặc một quá trình. Mục đích của biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa”. Thí dụ như bánh xe luân hồi là vần xoay của sinh-tử, sinh ra sự sống trên đời, chết rồi tái sinh. Đó cũng là tiến trình dòng sống tương tục của tâm thức, sự hiện hữu trong đời sống hiện tại và mở rộng vượt xa hơn nữa với quá khứ tương lai. Thí dụ lá cờ Phật giáo với năm màu xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam. Chiều dọc tượng trưng cho 5 hào quang của Phật. Chiều ngang chiếm một phần năm lá cờ là tượng trưng cho năm căn (Pañcindriya) tín, tấn, niệm, định, huệ. Toàn bộ lá cờ là tinh thần đoàn kết không phân biệt của đạo Phật thế giới.

Vậy hình ảnh Phật sơ sinh một tay chỉ trời, một tay chỉ đất tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn” nói lên điều gì để có thể gọi là biểu tượng - tóm tắt những gì Phật đã thuyết giáo? Trước hết ta nhận thấy, con người thuở sơ khai ban đêm nhìn trời thấy đầy những tinh tú sáng lấp lánh, con người có tâm trạng vừa khâm phục, vừa lo sợ. Những câu hỏi siêu hình phát sinh - có trời hay không - ai sinh ra loài người - linh hồn có không, nó với thân là một hay là ai khác? Thế gian thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên? Mặc dù Phật dạy chúng sanh rất là chi li, cặn kẽ hầu như không sót điều gì, nhưng với những câu hỏi trên Phật không trả lời. Đến độ có một vị (trong kinh Tiểu dụ) phải phàn nàn rằng, ta không thể nào yên tâm với thắc mắc đó được. Nếu Thế Tôn nói rõ thế gian là thường ta còn theo ngài tu học. Còn không chịu nói rõ ta tiếp tục cật vấn. Qua kinh, ta thấy đặc tính cố hữu của con người, không biết mình là ai nhưng có những câu hỏi về siêu hình. Thời xưa cũng như thời nay. Lâu lâu có tin đồn về ngày tận thế. Dù ngày ấy có hay không con người vẫn phải tiếp tục sống, vẫn ăn, vẫn thở. Vì có ngày ấy người mới tinh tấn tu. Có lẽ Đức Phật thấy các tôn giáo khác nói nhiều về chuyện này, con người chìm đắm trong những ảo tưởng nên Phật trả lời “dù có biết thế gian thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên, thế gian vẫn tiếp tục sinh, già, bệnh, chết, còn thống khổ ưu bi”.

Nói chung đạo Phật là đạo hướng dẫn người đi nhưng Phật không mở cửa mà trao cho người chiếc chìa khóa để tự mở. Chiếc chìa khóa đó chính là con người. Ngay từ lúc thị hiện, Phật đã đưa một tay chỉ trời, một tay chỉ đất như là dấu hiệu cho thấy, con người đang đứng đối diện trước vũ trụ bao la, vô biên mà theo Phật có tới tam thiên đại thiên thế giới. Con người lo sợ trước sự rộng lớn hay là con người muốn tự mình khám phá những nơi đó bằng chìa khóa của Phật trao. Thì ra chìa khóa ấy là lời Phật tuyên bố “Duy ngã độc tôn”. Ta là cao quý vì ta ở đây không phải là cái ngã sinh diệt của chúng sinh. Mà ta ở đây là cái ngã lớn hiểu được giá trị của mình, hiểu được sự hiện hữu của mình, là chân tâm. Thấy được chân tâm người mới hiểu được mình là ai, mình từ đâu tới, rồi mới mở được cửa để bước ra thế giới bên ngoài. Thường hay vô thường là do vạn pháp, do tâm tạo. Tâm là con đường đưa người đi từ những gì gần gũi quen thuộc đến chân trời xa lạ, giống như máy vi tính bật lên bao hình ảnh từ đâu hiện ra. Do đó hình ảnh Phật thị hiện một tay chỉ trời, một tay chỉ đất tuyên bố Duy ngã độc tôn, người tìm đến với đạo Phật nên hiểu. Đó là biểu tượng nhấn mạnh đối tượng đạo Phật chính là con người cùng tâm thức theo đó nỗ lực tu tập, để rồi có thể tự giải quyết mọi vấn đề.

Hằng năm vào tháng Tư đầu mùa mưa là tháng Phật tử hân hoan chào mừng ngày kỷ niệm Phật đản. Lễ Phật đản bắt đầu bằng buổi lễ tắm Phật trang nghiêm thành kính bằng động tác đơn giản, rưới nước thơm lên tượng Phật. Từng giọt nước rưới trên tượng Phật sẽ không có ý nghĩa nếu đó chỉ là hình thức khi Phật tử không mở rộng tâm linh. Tắm Phật cũng là dịp để Phật tử nhìn lại tâm thức của mình. Xem lại thân, khẩu, ý - những suy nghĩ và hành động của mình - những giọt nước trên tượng Phật cũng là những giọt nước tẩy trần cho những ai tham dự lễ tắm Phật.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày