Bố thí rộng khắp

Bố thí rộng khắp

GN - Dù thấy biết rõ hết tất cả nhưng vẫn “vô phân biệt”, hoan hỷ cho đi rất nhẹ nhàng.

LTS: Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lời Phật dạy của đông đảo bạn đọc, nay Báo Giác Ngộ mở tiểu mục mới - Suy nghiệm lời Phật. Tiểu mục này có hai phần, phần “lời Phật” tức kinh văn được dẫn lại từ Kinh tạng A-hàm (thuộc Hán tạng, có ghi rõ nguồn để tiện tra cứu), phần “suy nghiệm” nghĩa lý của kinh văn do BTV Quảng Tánh phụ trách. Hy vọng, Suy nghiệm lời Phật sẽ góp phần mang đến cho bạn đọc một cách tiếp cận nhẹ nhàng mà sâu sắc về những lời dạy của Đức Phật. Trân trọng giới thiệu tiểu mục này đến với bạn đọc xa gần. G.N

***

Bố thí là một trong những hạnh lành căn bản mà những người con Phật thường thực thi trong đời sống hàng ngày. Bố thí là đem cho, cho những cái mình có, cho những thứ mà chúng sanh (người và vật) cần, cho đi một cách trân trọng và vui vẻ. Người thực hành bố thí hẳn nhiên có phước báo lớn. Ngay cả những người không có gì để cho, chỉ có một tấm lòng hân hoan với hạnh lành của người khác thôi (tùy hỷ thí) mà vẫn được phước báo tràn trề.

Bố thí có nhiều cung bậc, tâm nguyện nhưng quan trọng là trước, trong và sau khi bố thí tất cả đều hoan hỷ, an vui. Vì chúng sanh đáng thương mà bố thí tuy là việc khó nhưng vẫn dễ làm. Nhưng khi chúng sanh không dễ thương, ít thiện cảm liệu chúng ta còn hoan hỷ bố thí được không? Có khi nào chúng ta bình tâm để thấy rằng mình bố thí cho chúng sanh hay có phần cho chính mình, vì chính mình? Nên chữ “cho” trong đời thực có đến năm bảy đường. Vì vậy, người con Phật hãy đem cho với tâm bình đẳng và rộng rãi thì phước báo mới đủ đầy, công đức mới vô lượng.

Kinh Tăng nhất A-hàm, Phật dạy về bố thí bình đẳng và rộng khắp:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ trưởng giả A-na-bân-trì liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên, Thế Tôn bảo rằng:

- Thế nào Trưởng giả, Ông có thường bố thí cho người nghèo thiếu không?

- Ðúng vậy, bạch Thế Tôn! Con hằng bố thí cho người nghèo thiếu, bố thí rộng rãi tại bốn cửa thành, còn ở tại nhà cấp thứ cần thiết cho người. Bạch Thế Tôn, có lúc con nghĩ rằng muốn bố thí cho tất cả loài chim rừng, heo chó. Con cũng không nghĩ: đây nên cho, đây không nên cho, cũng không nghĩ: đây nên cho nhiều, đây nên cho ít. Con hằng nghĩ: tất cả chúng sanh đều do ăn mà còn tính mạng, có ăn thì sống, không ăn thì chết.

Thế Tôn bảo rằng:

- Lành thay, lành thay! Này Trưởng giả! Ông đã đem lòng Bồ-tát, chuyên ròng một ý mà bố thí rộng rãi. Ðúng là các chúng sanh đều do ăn mà được sống, không ăn liền chết. Này Trưởng giả, Ông sẽ thâu hoạch được quả báo lớn, được tiếng tăm lớn. Ðã có quả báo lớn, tiếng đồn mười phương, lại được pháp vị cam lồ. Sở dĩ như thế là vì Bồ-tát hằng đem tâm bình đẳng mà bố thí, chuyên ròng một lòng nghĩ nhớ các loài chúng sanh, họ do ăn mà còn, có ăn liền được cứu tế, không ăn liền chết. Ðó là, này Trưởng giả, Bồ-tát tâm được an ổn mà bố thí rộng rãi.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

      Hãy nên bố thí khắp

      Trọn không tâm lẫn tiếc

      Ắt sẽ gặp bạn lành

      Ðược giúp đến bờ kia.

Thế nên, Trưởng giả, hãy đem tâm bình đẳng mà rộng bố thí. Như thế, Trưởng giả, hãy học điều này!

Bấy giờ trưởng giả nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hộ tâm,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.113)

Mới hay, khi mới phát tâm tu tập, nhất là thực thi hạnh lành bố thí, tất nhiên cần “phân biệt” cho cái gì, cho như thế nào, ai đáng được cho… Cái thấy biết này rất cần nhưng nó chỉ là thức tri, toan tính của phàm tình. Nhưng sau một thời gian thực hành bố thí, mình phải nâng tâm trí và hạnh nguyện của mình lên một tầm cao mới. Dù thấy biết rõ hết tất cả nhưng vẫn “vô phân biệt”, hoan hỷ cho đi rất nhẹ nhàng, thậm chí cho hết những gì mình đang có; cho hết chỉ đơn giản vì quá thương, điều mà chỉ xảy ra khi trong tâm mình bi trí đã đong đầy.

Khi từ bi và trí tuệ đều tròn đủ và hòa quyện với nhau không thể tách rời, Bồ-tát hướng tâm nguyện vào đâu thì nơi ấy trở nên nhiệm mầu. Thế nên, tập cho đi những cái bên ngoài để rồi “cho” cả chấp ngã bên trong, cho người mà cũng là cho mình, mình và người đều an vui, đều sang đến bờ kia (đáo bỉ ngạn, ba-la-mật).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày