Bốn pháp tâm tăng thượng: Niệm tưởng Pháp

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1173 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1173 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Niệm Pháp thuần thục sẽ thành tựu đức tin vào Chánh pháp, tin hiểu duyên sinh, tin sâu nhân quả, tin chắc vào pháp hành cùng đạo lộ dẫn đến giác ngộ, giải thoát.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:

- Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.

Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp chắc chắn đưa đến cứu cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, không di động. Quán pháp như vậy, biết pháp như vậy, nhớ nghĩ pháp như vậy rồi nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào pháp, tâm tịnh được hỷ. Nếu có những điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ hai”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])

Tâm tăng thượng nghĩa là tâm được định tĩnh, an trú, định tâm. Trong Kinh tạng Pali, niệm ân đức Pháp bảo với sáu đặc tính như sau: “Pháp do Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, trổ quả tức thời, mời đến để thấy, có khả năng hướng thượng, được bậc thiện trí tự mình chứng biết”. Kinh tạng A-hàm, niệm Pháp có phần khác biệt: “Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp chắc chắn đưa đến cứu cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, không di động”.

Dễ dàng nhận thấy, niệm Pháp trong pháp thoại này ngoài điểm tương đồng là chú trọng đến sự khéo thuyết giảng của Thế Tôn, sự toàn hảo của giáo pháp thì tập trung vào thể của Pháp (đưa đến cứu cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, không di động) hơn là dụng (thiết thực hiện tại, trổ quả tức thời, mời đến để thấy, có khả năng hướng thượng). Nhờ niệm - quán pháp như vậy, biết pháp như vậy, nhớ nghĩ pháp như vậy - nên những ác dục, bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ được tiêu trừ, tâm được an tịnh, hoan hỷ.

Niệm Pháp thuần thục sẽ thành tựu đức tin vào Chánh pháp, tin hiểu duyên sinh, tin sâu nhân quả, tin chắc vào pháp hành cùng đạo lộ dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Đức tin kiên cố vào Chánh pháp còn giúp phá trừ tà kiến, mê tín để “tự mình là hòn đảo, là nơi nương tựa; tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Niệm Pháp đưa đến định, “hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được” nên gọi là pháp giúp tâm tăng thượng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1269 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Im lặng không phải lúc nào cũng hay

GNO - Gia đình anh em chúng tôi đều là Phật tử. Tôi thường gắn bó với chùa chiền và tham gia các hoạt động Phật sự nhiều hơn những người khác. Qua các thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội liên quan đến người xuất gia và chùa chiền, tôi và người em đã xảy ra tranh cãi, bất hòa.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu lúc du học tại Đại học Nalanda (Nava Nalanda Mahavihara)

Viện Nghiên cứu Phật học VN đề xuất dựng tượng Hòa thượng Thích Minh Châu tại Nava Nalanda

GNO - Ngày 5-9, GS.TS Rajesh Ranjan, Hiệu trưởng Nava Nalanda Mahavihara (Ấn Độ) đã có thư phúc đáp Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN trao đổi về ý tưởng dựng tượng đài cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu trong khuôn viên của trường.

Thông tin hàng ngày