Bốn vị sư liệt sĩ và nơi lưu dấu một thời tranh đấu giành độc lập cho quê hương

Cổng tháp Cù Là - Ảnh: Hạnh Nguyên/BGN
Cổng tháp Cù Là - Ảnh: Hạnh Nguyên/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đoạn đường ngắn từ Rạch Sỏi về Thị trấn Minh Lương (Kiên Giang) hiện hữu rất nhiều ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer. Trong văn hóa người Khmer Nam bộ, chùa chiền là nơi linh thiêng, sư sãi là những vị lãnh đạo tinh thần đáng kính nhất trong cộng đồng.

Vào thế kỷ trước, từ những ngôi chùa trên cung đường ấy, nhiều cuộc đấu tranh, với sự lãnh đạo của các vị sư trong Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước đã nổ ra.

Bia tưởng niệm 4 vị sư liệt sĩ
Bia tưởng niệm 4 vị sư liệt sĩ

Tọa lạc tại địa điểm cách chùa Cù Là Cũ 500 mét, di tích lịch sử quốc gia tháp Cù Là là chốn thiêng của đồng bào Khmer kỷ niệm các vị sư đã ngã xuống trong cuộc biểu tình ngày 10-6-1974. Đó cũng là minh chứng cụ thể của một thời kỳ đấu tranh bi hùng, giành độc lập và thống nhất cho đất nước.

Ngày 10-6-1974, một cuộc biểu tình của hơn 2.000 sư sãi, đồng bào Khmer cùng các giới trong tỉnh Rạch Giá (nay là TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo và dân tộc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã diễn ra. Thời điểm bấy giờ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt sư sãi đi lính và bắn phá chùa chiền bừa bãi gây nên bức xúc trong quần chúng. Trong cuộc biểu tình ngày hôm đó, có bốn nhà sư Khmer đã hy sinh.

Đại đức Danh Hoi
Đại đức Danh Hoi

Đại đức Danh Hoi

Sư sinh năm 1951, tại ấp Xà Xiêm, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm lên 14 tuổi, sư được song thân đưa đến chùa Xà Xiêm Mới xuất gia và học tiếng Khmer. Đến năm 1971, sư được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Tỳ-kheo với Hòa thượng Danh Dên và cư trú tu học tại chùa Khlang Ông. Sư Danh Hoi chính thức gia nhập vào Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước vào ngày 20-4-1974, thuộc đơn vị huyện Châu Thành, do Hòa thượng Danh Mây chùa Xà Xiêm Mới làm Hội trưởng.

Trong giai đoạn 1973-1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt lính dữ dội đối với thanh niên Tăng Khmer, với ý định không cho học chữ Khmer, không cho sử dụng tiếng Khmer trong giao tiếp, không cho tu học Phật pháp và làm lễ theo phong tục tập quán của người gốc Khmer... Những sự việc như thế khiến sư quyết tâm dấn thân vào con đường đấu tranh. Sư đã nhận nhiệm vụ của Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước, phát động trong hàng ngũ thanh niên Tăng và thanh niên Phật tử, xuống đường biểu tình đấu tranh với bọn tay sai cầm quyền. Ngày 10-6-1974, sư cùng đoàn sư sãi xuống đường biểu tình, đến quận Kiên Thành thì bị binh lính xả súng. Mặc dù bị trọng thương, sư gắng sức vượt qua rào kẽm gai. Sư tiếp tục bị trúng thêm 7 phát súng vào mình, trút hơi thở vào lúc 10 giờ 35 phút ngày 10-6-1974.

Đại đức Danh Hom
Đại đức Danh Hom

Đại đức Danh Hom

Sư sinh năm 1950, tại ấp Thạnh Lợi (nay là ấp Xà Xiêm, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Ngày 26-4-1967, sư được xuất gia thọ giới Sa-di tại chùa Khlang Mương (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Ngày 16-5-1970, Hòa thượng Bổn sư cho sư thọ giới Tỳ-kheo với Hòa thượng Danh Vĩnh. Ngày 16-3-1974, sư được suy cử chức Phó trụ trì chùa Khlang Mương, chính thức gia nhập vào Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Châu Thành. Vào dịp lễ trà-tỳ nhục thân cố Hòa thượng Danh Con tại chùa Khlang Mương vào ngày 8-6-1974, sư được Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước phân công hướng dẫn đoàn sư sãi biểu tình đấu tranh chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắn phá chùa chiền, kỳ thị đối với đồng bào dân tộc, đàn áp tôn giáo và sư sãi Khmer trong toàn tỉnh Kiên Giang.

Sáng sớm ngày 10-6-1974, các thanh niên Tăng cùng nhau xuống đường biểu tình đấu tranh. Đến trước quận Kiên Thành thì cảnh sát nổ súng nhắm vào đoàn người. Sư bị trọng thương nơi chân, ngã quỵ xuống và trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 35 phút cùng ngày.

Đại đức Danh Tấp
Đại đức Danh Tấp

Đại đức Danh Tấp

Sư sinh năm 1941, tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Sư mồ côi cha mẹ từ năm lên 7 tuổi. Sau đó, sư thế phát xuất gia tu học tại chùa Gò Đất, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1962, sư được Bổn sư cho thọ giới Tỳ-kheo với Hòa thượng Danh Hậu tại chùa Gò Đất. Năm 1967, sư được bổ nhiệm Phó trụ trì chùa Gò Đất, tham gia vào Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Châu Thành, và giữ chức Phó hội trưởng huyện Châu Thành. Năm 1968, sư được bổ nhiệm trụ trì chùa Gò Đất. Năm 1970, sư hoàn tục để thực hiện công tác cách mạng, bị phát hiện nên địch truy lùng gắt gao, lục soát khắp nơi để tìm Achar Danh Tấp. Hoạt động bí mật bị lộ, sư phải trở lại xuất gia lần hai tại chùa Khoe Ta Tưng (ấp Minh Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Tại chùa Khoe Ta Tưng, sư vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng với nhiệm vụ liên lạc cho Mặt trận Giải phóng huyện Châu Thành, và được phân công dẫn đoàn biểu tình do Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang lãnh đạo. Sư vận động lực lượng các chùa: Khoe Ta Tưng, Gò Đất, Xà Xiêm Cũ và Xà Xiêm Mới cùng tham gia xuống đường biểu tình.

Sau khi tổ chức xong lễ trà-tỳ nhục thân Hòa thượng Danh Con, toàn thể chư Tăng đã tập hợp và nhân đó xuống đường. Sư lãnh đạo đoàn biểu tình di chuyển từ chùa Khlang Mương đến chùa Khlang Ông một cách an toàn. Khi đoàn biểu tình tiến về tỉnh lỵ Kiên Thành, bị trúng đạn, sư trút hơi thở vào lúc 10 giờ 35 phút, hòa theo tiếng khóc của đoàn người biểu tình.

Đại đức Lâm Hùng
Đại đức Lâm Hùng

Đại đức Lâm Hùng

Sinh năm 1947, sư là người con thuộc ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 1964, song thân cho phép sư đến chùa Cù Là Cũ, (ấp Vĩnh Niên, xã Vĩnh Hòa Hiệp) để tu học theo truyền thống của người Khmer. Năm 1967, sư thọ giới Tỳ-kheo tại chùa Cù Là Cũ. Ngày 16-3-1972, sư được bổ nhiệm Phó trụ trì chùa Cù Là Cũ, tham gia Ủy viên Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Châu Thành, do sư Danh Mây là Hội trưởng. Vì một việc hãi hùng đó là vào lúc 16 giờ 16-10-1965, giặc Mỹ dùng máy bay ném bom xuống chùa Đường Xuồng (xã Định Hòa, huyện Gò Quao) làm trên 300 vị sư sãi, đồng bào Khmer chết và bị thương, trong đó có Hòa thượng Danh Kim trụ trì chùa Thanh Gia, sư học nghiệp vụ y tá, thường chăm sóc, trị liệu cho bà con Khmer và các bạn đồng liêu của mình. Sư Lâm Hùng tham gia cách mạng và làm thành viên Ủy ban Mặt trận huyện Châu Thành. Ngày 8-6-1974, cảnh sát Việt Nam Cộng hòa bắt 10 vị sư.

Tháp Cù Là
Tháp Cù Là

Hôm sau, sư cùng một số vị sư sãi tập họp tại chùa Cà Lang để đấu tranh đòi bọn chúng trả tự do cho 10 vị sư, nhưng các sư đã bị giải về quận Kiên Thành. Một cuộc họp đặc biệt tại phòng của Đại đức Danh Kê, sư Lâm Hùng triệu tập sư sãi đại diện các chùa để đấu tranh trực diện với đối phương. Hội nghị đã quyết định lực lượng các sư sãi trong toàn tỉnh gồm 71 chùa cùng nhau tiến hành cuộc đấu tranh ngày 10-6-1974.

Sáng sớm 10-6-1974, cuộc xuống đường do sư dẫn đoàn với hơn 2.000 sư sãi và 600 đồng bào đi dọc lộ 12 từ Minh Lương theo hướng Rạch Sỏi đến dinh quận Kiên Thành. Quân đội Việt Nam Cộng hòa kéo ba dãy hàng rào thép gai chặn đường, đặt mìn ngăn đoàn biểu tình. Khoảng 30 vị sư khi vượt khỏi lớp hàng rào thứ ba thì nhiều loạt súng trường và súng máy nổ dữ dội. Sư trúng đạn quỵ ngã sấp phía trước, trút hơi thở vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 10-6-1974.

Nhà lưu niệm 4 vị sư liệt sĩ trong khuôn viên tháp Cù Là
Nhà lưu niệm 4 vị sư liệt sĩ trong khuôn viên tháp Cù Là

Ngày 11-2-1976, Nhà nước và nhân dân Kiên Giang cùng nhau tiến hành xây dựng tháp Cù Là tại huyện Châu Thành để tưởng niệm 4 vị sư đã hy sinh cùng ngày 10-6-1974. Ngày 2-3-1979, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho Đại đức Danh Hoi, Đại đức Danh Hom, Đại đức Danh Tấp và Đại đức Lâm Hùng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tiếng chuông lạnh lùng

Tiếng chuông lạnh lùng

GNO - Sáng Chủ nhật, Hạnh thức dậy thật sớm, hớn hở vác ba lô cùng mẹ lên thành phố thăm ngoại. Sau bốn giờ ngồi xe đò ê ẩm, cuối cùng Hạnh và mẹ cũng tới nơi. Nhà cậu ở là ngôi biệt thự đồ sộ nằm mặt tiền, trên một con đường trung tâm thành phố, nơi có đông người qua lại nhộn nhịp.
Báo Giác Ngộ số 1299: Trường Ca hòa bình

Báo Giác Ngộ số 1299: Trường Ca hòa bình

GNO - Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất 30-4 (1975-2025), Báo Giác Ngộ số 1299 ra ngày 25-4 trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ "Trường Ca hòa bình" của nhà thơ Trần Quê Hương (Hòa thượng Thích Giác Toàn).

Thông tin hàng ngày