Dọc hai bên bờ kênh, ngày nay vẫn còn lưu dấu nhiều ngôi tự viện cùng với những câu chuyện nuôi lớn đời sống tinh thần của cư dân ven bờ.
Gần 80 năm qua, người dân tại Vàm Đinh, nơi có hai ngôi chùa Vạn Linh và Thanh Hoa tọa lạc ở đôi bờ, vẫn còn truyền nhau câu chuyện về Hòa thượng Thích Bảo Hộ, vị Tăng có hành trạng đúng như pháp hiệu của mình, xả thân để hộ quốc.
Hòa thượng Thích Bảo Hộ, thế danh Nguyễn Văn Bảo, sinh năm Bính Thân (1896), tại Lấp Vò, Đồng Tháp. Ngài ấu niên xuất gia với Tổ sư Như Khả Chơn Truyền, trụ trì tổ đình Khải Phước Nguyên (Lấp Vò, Đồng Tháp), được ban pháp danh là Hồng Pháp, pháp tự Thiện Chánh.
Do điều kiện địa lý, khu vực chùa Khải Phước Nguyên khi xưa không đủ thuận lợi để tổ chức tu học như quy củ thiền môn. Hòa thượng Bổn sư của ngài, theo truyền thống trước đó, đã gửi các vị sư huynh về tu học tại tổ đình Long Thạnh (Q.Bình Tân, TP.HCM ngày nay). Sau thời gian hành điệu với Bổn sư, nhận thấy đệ tử của mình đã trưởng thành, cần phải được giáo dục bài bản, Tổ sư Như Khả Chơn Truyền tiếp tục gửi ngài nhập chúng tu học với Tổ sư Minh Hòa Hoan Hỷ.
Sau khi học xong lớp gia giáo tại tổ đình Long Thạnh, ngài tiếp tục cầu học tại các tòng lâm trong khắp xứ Nam Kỳ. Bấy giờ, khi đã tiếp nhận được đầy đủ kiến thức, trui rèn vuông tròn đạo hạnh, vun bồi vững vàng tư lương, ngài trở thành một bậc pháp khí của nhà Phật, là một vị Pháp sư, thông tuệ nội điển lẫn hiểu biết sâu rộng về ngoại khoa, có khả năng quyền xảo phương tiện để giáo hóa quần chúng qua ứng phú đạo tràng, giảng kinh thuyết pháp, làm thuốc cứu người, cũng như tinh thông dịch lý, có khả năng xem phong thủy, địa lý... Qua đó, ngài tích cực truyền bá tư tưởng yêu nước.
Trong quá trình hành đạo của mình tại quê hương, Hòa thượng Thích Bảo Hộ đã khai sơn thiền viện Pháp Hoa (nay cải hiệu là chùa Thanh Hoa, tọa lạc tại xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi y chỉ sư của ngài là Hòa thượng Thích Thiên Ân, trụ trì chùa Vạn Linh (tọa lạc ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) viên tịch, theo lời cầu thỉnh kế nghiệp y chỉ sư của bổn đạo trong vùng, cũng như để thuận tiện cho việc hoạt động yêu nước, ngài về trụ trì chùa Vạn Linh.
![]() |
Năm 1945, khi đất nước vừa giành lại độc lập chưa bao lâu, thực dân Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương dưới vỏ bọc theo chân quân Đồng minh giải giáp phát-xít Nhật. Trong quá trình hành đạo, mang theo tinh thần yêu nước, quên mình phục vụ thiết thực cho lợi ích của dân tộc, Hòa thượng Thích Bảo Hộ đã đứng ra lãnh đạo phong trào Phật giáo Cứu quốc tỉnh Sa Đéc.
Đầu năm 1946, khi thực dân Pháp mở rộng địa bàn tái chiếm đến vùng Cao Lãnh, hoạt động yêu nước của ngài bị phát hiện. Trong lúc kháng cự với lính Pháp, Hòa thượng đã tuyên bố rằng: “Tôi là thầy tu, Chủ tịch du kích Thiền lâm, không run sợ trước quân thù cướp nước”. Khi bị lính Pháp vây hãm, ngài bình tâm điềm nhiên tọa thị trong tư thế kiết-già và giữ vững tâm an tĩnh, khí phách kham nhẫn, vô úy trước họng súng mà nói rằng: “Khi nào hết thầy tu mới hết người thù Tây”.
Ngày 10-2-1946 (nhằm 9-1-Bính Tuất), thực dân Pháp áp giải Hòa thượng ra cầu Simona, làng Long Hưng và cho lính lấy lưỡi lê cắt đầu ngài, nhưng với định lực của bậc thượng sĩ, ngài vẫn giữ tư thế kiết-già an nhiên thiền tọa. Lính Pháp kinh hãi bèn khiêng nhục thân ngài thả xuống sông. Nhục thân ngài vẫn ở tư thế kiết-già, trôi xuôi theo dòng kênh Cái Tắc ra kênh Xáng, đoạn chảy qua chợ Vàm Đinh, đến bến nước trước chùa Vạn Linh thì tấp vào bờ. Các vị kỳ lão trong làng, Phật tử và Mặt trận Việt Minh rước nhục thân ngài về chùa Vạn Linh và làm lễ truy điệu, sau đó an nhập bảo tháp tại đây.
Theo chia sẻ của thầy Lệ Phú, trụ trì hiện nay của chùa Vạn Linh, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 50 năm trước, chùa Vạn Linh chỉ còn lại phế tích, do bị tàn phá bởi chiến tranh. Đến năm 2001, thầy từ chùa Thiên Phước về nhận trách nhiệm trùng hưng lại chùa Vạn Linh. Trước đó, năm 1999, Ni trưởng Thích nữ Như Dung cùng với chính quyền và nhân dân địa phương tiến hành cải táng nhục thân Hòa thượng về thiền viện Pháp Hoa (nay là chùa Thanh Hoa, xã Long Hưng B), nơi ngài khai sơn.
Ngày 9-12-1992, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho Hòa thượng Thích Bảo Hộ vì những hy sinh to lớn cho dân tộc để ghi nhớ vị Tăng đã hòa vào truyền thống hộ quốc, cả cuộc đời ngài là minh chứng cho tinh thần yêu nước bất khuất, chí nguyện lấy sự an nguy của tha nhân làm lẽ sống, tinh thần vô úy - không chút sợ hãi trước bạo quyền.