Bước an nhiên

GN - Thôi chạnh lòng nắng hạ, mưa đông

Thong dong xuôi đôi bờ nhật nguyệt

Tâm không vướng mất còn, tròn khuyết

Tự nhiên như đời đẹp tự nhiên!

(thơ Phan Lạc Nhân)

hoa 1.jpg

Lần này Thuận về trong nước mắt. Trong tiếng khóc của đám đông người ta vẫn nghe rất rõ tiếng khóc của Thuận. Nhưng đó là tiếng khóc than bên ngoài, còn tiếng khóc thét căng tràn trong lồng ngực, làm sao ai có thể nghe được. Những tiếng khóc cộng hưởng cùng nhau cứ kéo dài, dài mãi… dài như một đời người!

Khi Thuận về thì chị Giao đã nằm sau lớp áo quan rất dày, gương mặt chỉ còn có thể nhìn thấy qua di ảnh. Gương mặt ấy còn rất trẻ, tấm ảnh thờ cũng rất mới, chị đã rửa tấm hình đó cách đây không lâu. Chị đã chuẩn bị sẵn cho chuyến đi của mình. Chuyến đi này, Thuận không còn thấy chị quay trở lại.

Thuận như sắp quỵ khi đặt chân tới ngạch cửa, khi thấy cỗ quan tài đơn sơ, tấm hình thờ, lư hương nghi ngút khói. Rất nhiều lần Thuận đã cố không tin: khi nghe người nhà gọi điện thông báo, khi ngồi trên xe về quê, khi bước từng bước chân vào con hẻm quen thuộc. Nhưng với những gì trước mặt đây làm sao không tin được. Phải chi là một cơn mê sảng, một giấc mơ, rồi tỉnh dậy mở mắt ra thì mọi thứ hoàn toàn không có thật. Phải chi! Nên Thuận cố thử nhắm mắt rồi mở mắt, cứ ao ước rằng khi mở mắt ra mình sẽ thở phào nhẹ nhõm thoát khỏi cơn ác mộng. Nhưng có nhắm mắt mở mắt bao nhiêu lần, đến hai mắt sưng đỏ, những gì hiện ra trước mắt Thuận vẫn không thay đổi. Có chăng là hai hàng nước, càng lúc lại càng trôi nhanh thêm.

Vẫn lư hương, di ảnh, quan tài. Vẫn là tiếng khóc, dài như một đời người…

Trong tiếng khóc đó, có cả tiếng khóc mà Thuận dành cho sự bội bạc của chính mình.

*

Tôi hay tin về chị Giao khi chị đã ra đi gần một tháng. Có lẽ bạn bè nghĩ chỉ là một người không quen thân mấy, không quan trọng để phải báo tin cho nhau, nên chỉ đến một hôm trong lúc ngồi cà-phê nói chuyện trời mây gió nước, một người bạn tình cờ nhắc đến sự ra đi của chị.

Chị Giao ngoài ba mươi tuổi, chưa có chồng, bán cơm trước cổng trường. Nhà chị còn có cha mẹ đã ngoài sáu mươi và thằng em trai vừa mới tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn. Lúc Thuận còn đang học thì chị là trụ cột chính của gia đình, vừa lo cho cha mẹ, vừa gửi tiền cho em học xa nhà. Có phải vì vậy mà chị Giao không lấy chồng? Tôi chỉ đặt một dấu chấm hỏi ở đây, không dám tự tiện giải thích theo suy nghĩ chủ quan cá nhân. Và một điều nữa, chị là người ăn chay trường.

Lúc còn học ở đây, bọn chúng tôi thường hay ăn cơm ở quán chị. Đặc biệt là có những buổi học chiều xong rồi lại học tối, nhà xa không tiện về nên chúng tôi ở lại trường, chỉ cần dặn trước “chừa tụi em mấy dĩa cơm nha” thì lúc nào chúng tôi cũng có sẵn bữa cơm chiều no dạ. Chưa thấy chị khó chịu với ai bao giờ, mặc dù “thực khách” đều là những thằng con trai “chọc trời khuấy nước”.

Lúc đó tôi không để ý điều này. Vào quán ăn, nói vài câu bông đùa, đôi lúc cũng tâm sự chuyện này chuyện nọ, nhưng tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều đến cách cư xử của chị. Bây giờ nhớ lại mới thấy rằng chị Giao chưa bao giờ tỏ ra khó chịu chúng tôi, dẫu đôi khi có những đứa giỡn hơi quá trớn, nói năng hơi quá lố… Giá một dĩa cơm chị bán vốn đã rẻ, vậy mà tụi học trò hay xin thêm thứ này thứ kia - nửa đùa nửa thật - chị cũng vui vẻ cho thêm. Chị vừa bán vừa tặng, như một kiểu “hỗ trợ ngầm” cho những đứa em nhỏ còn đang cắp sách.

Với những người bán hàng rong trước cổng trường, chị Giao cũng rất niềm nở. Thậm chí chị cho họ bày bán trước cửa nhà dần dần thành thân thiết, coi như người trong nhà. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi có gặp lại chị một lần trong một chương trình từ thiện. Tôi khá bất ngờ khi gặp một người quen đang đứng phát quà cho đồng bào nghèo, chạy đến hỏi thăm vài câu, chị vẫn vui vẻ như ngày nào.

Đời chị Giao tảo tần, tấm thân mệt nhưng lòng thì sáng. Chị hy sinh bản thân để lo cho cha mẹ và em trai. Chị tiếp sức cho những đứa học trò nhỏ qua từng dĩa cơm bình dân. Chị giúp đỡ cho những người bán hàng rong một chốn để tránh mưa nắng. Buôn bán cực nhọc lại còn gánh nặng gia đình, nhưng không thấy chị buồn phiền, lúc nào cũng vui tươi với mọi người. Từ lần gặp trong buổi phát quà đến nay, tôi không về lại trường cũ, cũng không gặp lại chị lần nào nữa. Khi nghe nhắc đến chị cũng là lúc tụi bạn cho biết chị đã mất.

Rồi chắc hẳn sẽ có người nói: “Ăn chay trường mà cũng chết sớm, làm từ thiện mà cũng chết sớm, vậy ăn chay làm từ thiện chi cho mắc công”. Ở nơi nào đó, chắc chị sẽ mỉm cười, mỉm cười là xả bỏ. Họ đâu biết rằng trong nửa phần đời sau cùng của chị, tâm hồn chị đã an lạc như thế nào. Thứ an lạc đó, nào phải ai cũng có được. Thiên hạ có thể hy sinh tất cả để kiếm tiền. Chị thì ngược lại, hy sinh tất cả - kể cả tiền và hạnh phúc - để tìm thấy được sự an lạc của chính mình. Những thứ quan trọng nhất đối với người khác mà chị còn có thể buông xuống, thì cái gì có thể ràng buộc được chị đây?

*

Đây là câu chuyện có thật về một con người có thật. Tôi chỉ là một người tình cờ quen biết chị giữa cuộc đời ngắn ngủi. Xin được làm công việc chép chuyện về chị - không là cả đời người, chỉ một vài lát cắt nhỏ mà tôi từng biết - một cách trung thực, không tô vẽ. Có một điều tôi chưa từng nói cho chị biết, là tôi và chị cùng thọ giới chung một vị bổn sư.

Trong đạo Phật, người hành Bồ-tát hạnh là “người thương yêu những người xung quanh, sẵn lòng giúp đỡ khi có thể và dường như chẳng giận ghét ai”. Vậy nếu tôi xem chị Giao như một Bồ-tát đời thường, không biết có quá lời chăng? Lại một năm trôi tuột khỏi kiếp đời hữu hạn, có níu kéo cũng được đâu. Tôi tự nhắc nhở với chính mình mà như đang thủ thỉ cùng chị: “Khứ lai như thị”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày