Các nhà khoa học Nga nghiên cứu về thiền

GNO - Thông tin từ The Buddhist Door, một nhóm nghiên cứu gồm các học giả Phật giáo và các nhà khoa học Nga đã dành ra hai tuần tại bang Karnataka, tây nam Ấn Độ để nghiên cứu não bộ của một vị Lạt-ma và các nhà sư Tây Tạng trong trạng thái thiền sâu, được gọi là thukdam.

Thukdam là một thuật ngữ Tây Tạng mô tả trạng thái thiền được thực hành bởi các bậc thầy Tây Tạng trong khoảng thời gian vừa ngừng hơi thở.

Cac nha khoa hoc Nga nghien cuu thien.jpg

6 nhà khoa học đến từ Đại học Moscow và Viện Nghiên cứu Não bộ Con người N.P.Bekhtereva (tại St. Petersburg) đã tiến hành các thử nghiệm tại tu viện Tashi Lhunpo, thị trấn Bylakuppe - một trong những khu định cư lớn nhất của người Tây Tạng ở Ấn Độ (ảnh).

“Chúng tôi tìm hiểu được từ các vị Lạt-ma tại các tu viện khác nhau rằng, trạng thái thukdam không chỉ là trạng thái thiền định sau khi hơi thở ngừng lại. Một người có thể thành tựu được trạng thái tâm này trong cuộc đời mình.

Vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu các nhà sư đang hành thiền, trong trạng thái tâm thức vi tế hoặc đang nỗ lực đi vào trạng thái tâm thức vi tế” - giáo sư Svyatoslav Medvedev, người sáng lập kiêm cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Não bộ Con người N.P.Bekhtereva, thuộc Viện Khoa học Hàn lâm Nga cho biết (LiveMint).

Thuật từ thukdam mô tả một dạng thiền cao cấp trong truyền thống Kim Cương thừa, thường được thực hành bởi các tu sĩ Phật giáo trong trạng thái quá độ sang sự chết, được gọi là trung hữu - bardo.

Trong suốt thời gian này, khi các dấu hiệu sinh học của sự sống đã dừng lại nhưng cơ thể vẫn duy trì “tươi nguyên” trong vài ngày, vị thầy này được mô tả là đang đi vào “giai đoạn sáng rõ” nguyên sơ, một quá trình phân rã bên trong.

Hiện giờ, chưa có câu trả lời (dựa trên khoa học) nào về hiện tượng thukdam. Các nhà khoa học có mặt ở đây để nghiên cứu nó. Phật tử chúng ta cũng muốn hiểu biết thêm về hiện tượng này - Ngawang Norbu, người đứng đầu Trung tâm Khoa học Sera Jey (ở Bylakuppe) nói.

Các nhà khoa học đã làm việc với các học giả Phật giáo tại tu viện Tashi Lhunpo hơn một năm qua để tìm hiểu và lý giải một cách khoa học về trạng thái thiền sâu thukdam.

Chúng tôi đã đối thoại với các nhà khoa học Nga trong 2 năm qua. 3 tu viện ở Bylakuppe (gồm các tu viện Tashi Lhunpo, Sera Jey và Sera Mey) cùng 4 tu viện khác ở Mundgod đang cùng làm việc với các nhà khoa học Nga. Sự hợp tác này sẽ mang lại hiểu biết sâu sắc hơn về tâm thức con người, giúp kết nối tâm lý học Phật giáo và tâm lý học phương Tây - ngài Zeekyab Tulku Rinpoche, trụ trì tu viện Tashi Lhunpo cho biết.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học điều khiển hoạt động não bộ và hoạt động sinh lý học của các thiền sư khi họ tập trung vào sự rỗng không và tâm thức vi tế để bước vào trạng thái thiền sâu.

Nghiên cứu hy vọng mở ra sự hiểu biết chính xác về thukdam, ngài Telo Tulku Rinpoche - người đại diện của Đức Dalai Lama ở Nga, Mông Cổ và Commonwealth nhấn mạnh. Đây không phải là nghiên cứu có thể tiến hành trong một sớm một chiều; chúng ta cần quan sát và nghiên cứu liên tục một cách chính xác những gì xảy ra trong giai đoạn thiền sâu thukdam, theo LiveMint.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày