Các truyền bản Tam tổ thực lục

NSGN - Tam tổ thực lục là tập sách chép tiểu sử ba vị Tổ sư thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Đó là truyện về đức Điều ngự Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. 
Sách do Thiền sư Tính Quảng và Sa-di Hải Lượng dựa vào các tư liệu có từ đời Trần đến giai đoạn sau soạn thành và được khắc bản vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), ván in lưu tại chùa Lân núi Yên Tử. Hơn 100 năm sau sách được chùa Pháp Vũ ở tỉnh Hải Dương trùng san. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu về các ấn bản của sách Tam tổ thực lục.

IMG_1424.JPG

Bản Lân Động
Bản in đầu tiên được thực hiện vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) do Sa-di Hải Lượng trụ trì Bổ Đà mộ duyên khắc in. Ván in được trân tàng tại chùa Lân Động, núi Yên Tử (còn gọi là bản chùa Lân). Đợt in này hiện tìm được hai bản, một bản lưu tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A 786 và bản thứ hai nằm trong tủ sách của Đại đức Thích Giác Thành, chùa Linh Ứng (chùa Hói), Gia Lộc, Hải Dương. Cả hai bản đều ở tình trạng xấu, bị hư hại nặng do mối xông, bong một số chỗ, nhất là phía dưới trang và mép gần gáy sách. Bản chùa Hói bị hư một số tờ đầu, làm mất một số chữ ở gần gáy sách, từ tờ thứ 6 trở đi tình trạng sách còn khá tốt. Bản này được đóng sau tập Thiền uyển tập anh, bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).
Sách không có tờ bìa, 2 tờ đầu là bài tựa, mỗi tờ hai trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 15 chữ, khắc chữ khải thư rõ đẹp. Phía sau bài tựa cho biết soạn giả là Hối Tích Sa-môn Tính Quảng Điều Điều ở viện Thời Vũ. Sư Tính Quảng soạn tựa năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) và lấy năm này làm niên đại cho văn bản1. Nội dung chia làm ba phần:
Phần nhất, tiêu đề: Yên Tử sơn đệ nhất Tổ Trúc Lâm đại sĩ thực lục, trên gáy đề “Đệ nhất Tổ thực lục” tức truyện vua Trần Nhân Tông chiếm 13 tờ. Mỗi trang kẻ 8 khung dọc, giữa mỗi khung là dòng chữ Hán, mỗi dòng có 16 chữ, khắc thể khải thư, đẹp. Phần này do Tỳ-kheo Hải Luật Thích Cục Cục viết chữ.
Phần hai: Trúc Lâm đệ nhị đại Tổ sư đặc phong Phổ Tuệ Minh Giác Tịnh Trí đại Tôn giả niên phả y đoạn sách lục, gáy đề Nhị tổ niên phả thực lục tức truyện Thiền sư Pháp Loa Phổ Tuệ, tổ thứ hai thiền phái Trúc Lâm. Phần này do “Thị giả Trung Minh tập nhập, Truyền pháp chân tử Huyền Quang khảo đính”. Mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 17 chữ, khắc chữ khải thư, chữ viết không đẹp, chiếm 16 tờ. Phần này có in phụ Thiền đạo yếu lược gồm 15 tờ, do Tỳ-kheo Hải Diễn Thích Dương Dương chùa Linh Sơn chép.
Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn: tờ 1 đến 3a1. Thăng đường: Tờ 3a2 đến tờ 6b6. Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết tờ 6b7 đến tờ 10a7. Đại thừa yếu thuyết tờ 10b8 đến tờ 11a5. Yếu minh học thuật tờ 11a6 đến tờ 15, tức hết phần phụ Thiền học yếu đạo.
Phần ba là Tổ gia thực lục, gáy đề Bản hạnh ngữ lục. Tờ đầu phía dưới gáy đề số tờ đã đến vị trí số 7, tức tờ 7, không rõ khắc nhầm số tờ chăng? Mỗi trang 7 dòng, mỗi dòng 14 chữ. Mấy tờ đầu viết chữ khá đẹp, tờ 12 cho đến cuối thì chép xấu.
Tờ 21b4 tức chép hết truyện Tổ Huyền Quang có ghi: “Trúc Lâm Lâm Tế tông phái nguyên lưu: Như Chúc, Như Liên, Như Hạo, Như Nguyện, Như Tọa, Như Hạ, Như Tu, Như Triển, Như Đẳng, Như Xiển, Như Nhuận, cập Tính Trừng, Tính Thước đẳng. Hộ lục công đức: Hạ Hồng phủ Gia Phúc huyện Lam Cầu xã tại gia thiện nam Trần Đức Vọng tự Như Tuất, thê Đỗ Thị Dặn hiệu Diệu Trung, thân mẫu Phạm Thị Liễn hiệu Diệu Đức. Nguyện trượng thử phúc duyên đồng sinh cực lạc quốc. Hồng Lục xã Tuấn tài san bản”. Tức ghi lại danh sách một số thiền tăng đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên, chùa Long Động núi Yên Tử. Trong đó, có ghi gia đình của Trần Đức Vọng người Hải Dương có công trong việc ủng hộ khắc ván in sách.
Bản Pháp Vũ
Bản sách được in từ bộ ván khắc của chùa Pháp Vũ thôn Quảng Nội, xã Đồng Lại, tổng Đông Cao, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (tạm gọi là bản Pháp Vũ) nay thuộc xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ván khắc thực hiện cuối thu năm Đinh Dậu Thành Thái 9 (1897) do Tỳ-kheo Diệu Trạm hưng công và viết bài dẫn trước sách. Sách do hai Sa-môn Thanh Cừ, Thanh Vân giúp việc khắc bản. Trong thực tế, chúng tôi tìm được ba bản sách có cùng ván in chùa Pháp Vũ.
Bản in đợt đầu chỉ có Tam tổ thực lục, y như hình thức ván khắc thế nào thì in ra thế đó, đóng thành tập. Sách có tất cả 68 tờ, tờ bìa, 5 tờ bài duyên khởi, 60 tờ nội dung. Bản in đợt này có phụ thêm 2 tờ “Huyền Quang hành giải” được trích từ tập Ngô gia văn phái. Mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 15 chữ, khắc chữ khải thư, rõ đẹp2. Tờ đầu tiên đề bốn chữ Hán lớn “Tam tổ thực lục”, mặt sau khắc tranh ba vị Tổ Trúc Lâm, dưới dạng hình một Phật, nhị thanh văn. Hai bên có câu đối:
Thiệu long Phật Tổ chi tâm tông
Hoằng phát thánh hiền chi pháp chỉ.
Tạm dịch:
Phát huy tâm tông của Phật Tổ
Mở rộng pháp chỉ của thánh hiền.
Trên mỗi chân dung Tổ Trúc Lâm có đề chữ Hán “Trúc Lâm đệ nhất Tổ Điều ngự Giác hoàng”, dòng bên trái ghi “Trúc Lâm đệ nhị Tổ Pháp Loa tôn giả” và “Trúc Lâm đệ tam Tổ Huyền Quang tôn giả”. Ngài Điều ngự Giác hoàng vẽ mượn hình thức tượng ngồi trên tòa sen, tay cầm hoa sen đưa lên, tay kia để xuống dọc theo đầu gối, mượn kiểu tượng Đức Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu. Ngài Pháp Loa, Huyền Quang vẽ theo kiểu người đứng hầu, chắp tay, mặc y phục như hai vị A Nan, Ca Diếp.
Sau đó là bài Trùng san hiệu chính Tam tổ ngữ lục duyên khởi do Tỳ-kheo Diệu Trạm chùa Pháp Vũ viết cuối thu năm Đinh Dậu Thành Thái thứ 9 (1897). Phía sau bài dẫn có hơn một tờ chú giải một số thuật ngữ được dùng trong bài dẫn đó. Phần nội dung được đánh số tờ riêng. Giống như bản chùa Lân, sách chia làm ba phần:
Đệ nhất Tổ thực lục từ tờ 1 đến tờ 15.
Đệ nhị Tổ niên phổ thực lục từ tờ 16 đến tờ 33. Phần phụ Thiền đạo yếu học được tách riêng ra chiếm từ tờ 34 đến tờ 48. Phía tờ 48b có ghi: “Thanh Lục xã viên Phạm Văn Vũ phụng san” tức xã viên xã Thanh Lục là Phạm Văn Vũ vâng khắc.
Bản hạnh ngữ lục chiếm từ tờ 49 đến tờ 60. Có thêm mục “Huyền Quang hành trạng” lấy từ Ngô Gia văn phái chiếm từ tờ 61 đến tờ 62.
Bản in chùa Pháp Vũ không khắc bài tựa của Thiền sư Tính Quảng. Bài trùng san hiệu chính Tam tổ ngữ lục duyên khởi do Diệu Trạm viết có nói về lai lịch như sau: “Nhân qua chùa Vĩnh Nghiêm, yết kiến thầy viện chủ Thanh Tuyên, tôi bèn bộc bạch nỗi lòng của mình. Ngài bảo: “tôi có quyển sách hay, xin đưa ông xem thử.”. Tôi đón lấy sách, hồi hộp xem qua một lượt, thực không cầm nỗi hân hoan phấn khởi, liền bái thỉnh đem về xem kỹ”3. Bản mà Diệu Trạm sử dụng để khắc ván lấy từ tập sách Tam tổ thực lục của ngài Thanh Tuyên chùa Vĩnh Nghiêm. Bản này chắc là bản Lân Động in thời hậu Lê và có thể đã bị mất bài tựa ở đầu sách nên Diệu Trạm không rõ về niên đại của tập sách. Ngài viết: “Sách này trải qua nhiều đời, từ triều Trần cho tới Hậu Lê, mà nay còn sót lại, dạng chữ phần nhiều sai lầm, tôi không ngại vụng về kém cỏi, miễn cưỡng chấm câu, để tiện khi đọc”4. Bản trùng san đã được Diệu Trạm hiệu kiểm và cú đậu, tăng bổ nhiều cước chú, bổ ích cho người đọc.
Bản thứ hai chúng tôi muốn giới thiệu là tập sách lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang (Sài Gòn). Tập này gồm hai văn bản: Thượng sĩ ngữ lục và Tam tổ thực lục đóng gọp vào nhau5. Theo bài tiểu dẫn Thượng sĩ ngữ lục, Tỳ-kheo Thanh Hanh cho biết: “Cuối thu năm Đinh Dậu (1897) trước đây, thầy Diệu Trạm, cố trụ trì chùa Pháp Vũ, có khắc in lại bộ Trúc Lâm Tam tổ lục để lưu hành. Năm Quý Mão này (1903), người kế thừa trụ trì chùa Pháp Vũ là Tỳ-kheo Thanh Cừ, duyên may nhận được từ Trưởng lão Thanh Lân bản cũ bộ Thượng sĩ ngữ lục, coi như của báu, bèn nguyện cho khắc in tiếp, ghép ở đầu bộ Trúc Lâm Tam tổ lục, gom thành một bộ để khi xem đến sẽ thấy rõ được mối truyền nối trong thiền phổ, theo thứ lớp từng đời”6.
Năm 1903, Tỳ-kheo Thanh Cừ kế nghiệp trụ trì chùa Pháp Vũ và tìm được bản cũ sách Thượng sĩ ngữ lục và tiến hành khắc ván trùng san. Sau khi bộ ván hoàn thành, Ngài muốn đưa Thượng sĩ ngữ lục đặt trước sách Tam tổ thực lục cho người đọc dễ nghiên cứu. Qua đó, ván khắc Tam tổ thực lục vẫn là ván năm Đinh Dậu, chỉ khi in ra đóng hai sách thành một tập. Bản in lần này có thêm 2 tờ cuối sách, bài ký do Thanh Cừ soạn đề tháng 8 năm Ất Tỵ Thành Thái 17 (1905) và phương danh cúng dường. Điều đó cho thấy năm 1905 mới chính là năm in giấy hai bộ Thượng sĩ ngữ lục/ Tam tổ thực lục. Trước đó hai năm, chùa Pháp Vũ thuê thợ khắc ván bộ Thượng sĩ ngữ lục.
Năm 1943, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ nhờ Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội cho phát hành bộ Việt Nam Phật điển tùng san. Hội đã chọn bộ Thượng sĩ ngữ lục/Tam tổ thực lục ván khắc chùa Pháp Vũ đưa vào làm tập thứ 6 của bộ tùng san. Bản in này có thêm mấy tờ đầu và cuối khác với bản in năm 1903. Tờ đầu, mặt trước khắc dòng chữ lớn “Việt Nam Phật điển tùng san”, hàng bên trái đề “Hà Nội Viễn Đông Bác Cổ Học viện hộ san” hàng bên phải ghi “Hà Nội Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội phát hành”. Mặt sau ghi danh sách các vị chứng minh đạo sư khi cho in ấn bộ tùng san. Tờ thứ hai, mặt trước có hai hàng chữ Hán. Hàng giữa chữ lớn đề “Trần triều dật tồn Phật điển lục”, hàng chữ nhỏ ở bên phải ghi “Việt Nam Phật điển tùng san chi lục” tức tập thứ 6 của bộ Việt Nam Phật điển tùng san. Mặt sau ghi mục lục gồm có: “Thượng sĩ ngữ lục, Tam tổ thực lục, thiền đạo yếu học, Bản hạnh ngữ lục”, ba mục sau chính là nội dung sách Tam tổ thực lục mà ta đã mô tả trong bản in chùa Pháp Vũ. Tờ thứ ba khắc bốn chữ Hán “Thượng sĩ ngữ lục” đó chính là nội dung của quyển Thượng sĩ ngữ lục. Dựa theo mục lục thì đến trước phần nội dung của các mục đều có tờ đầu khắc tên sách như bản mục lục kê ra. Tờ cuối ghi toàn bằng Pháp văn, nội dung dịch từ tờ đầu tiên của bộ tùng san bằng Hán văn7.
Do vậy, bộ ván Tam tổ thực lục trong vòng hơn 40 năm đã in ra được ba lần nên số lượng sách xuất bản khá nhiều và hiện nay có nhiều chùa trong nước còn lưu trữ được tập sách.
TAM TO LE A  (1).JPG
Tài liệu dùng để biên soạn tập sách
Đầu tiên, chúng ta xác định tác giả biên soạn bộ sách. Đó là hai vị: Thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều và Sa-di Hải Lượng trụ trì Bổ Đà8. Theo bài tựa, Sa-di Hải Lượng vốn môn nhân của chùa Hoa Yên núi Yên Tử nên có dịp tham đọc các tư liệu có liên quan đến sự tích ba Tổ thuộc thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Sư đến núi Tử Trầm, Sơn Tây thỉnh Thiền sư Tính Quảng chứng minh, nhờ Quảng đính chính lại và soạn cho bài tựa trong dịp khắc ván bộ sách.
Trong tay chúng ta có mấy bản in Tam tổ thực lục nên biết được nguồn gốc hay cơ sở để biên giả dùng sử liệu gì để soạn nên tập sách. Trong bài tựa in trước sách, Thiền sư Tính Quảng cho biết: “Trước có ba Tổ đời Trần thứ lớp truyền đăng, ngữ lục thành sách, liệt vào “đồ tịch” để làm gương cho trời người noi theo, khắc in lưu truyền đã lâu vậy. Than ôi! Vận có lúc hưng lúc giảm, pháp thường thịnh suy. Lúc ấy, chính bản bị hỏng nát, lâu thành thất truyền. May còn bản cũ Thánh đăng lục trích ra cùng lược sao bia cổ chùa Hương Hải, phía sau in phụ Thiền đạo yếu học để tiện quan lãm, cho đến Trúc Lâm Tự Tổ Bản Hạnh biên tập thành một sách, đầu cuối ngôn ngữ chu toàn”9. Soạn giả cho biết rõ tư liệu mà ngài đã sử dụng để soạn sách, tức hiểu rằng xưa đời Trần có sách ghi chép về truyện Tam tổ nhưng bị thất lạc. Đến đời Hậu Lê, soạn giả Tính Quảng đã dựa vào các tư liệu còn sót lại ra công biên tập. Bộ Tam tổ thực lục được ra đời vào năm Cảnh Hưng thứ 26, năm mà soạn giả viết bài tựa. Để biết nguồn gốc tư liệu, chúng tôi xin tạm phân tích từng truyện một trong tập sách.
Truyện thứ nhất tức truyện viết về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Câu đầu truyện chép “Án Thánh đăng thực lục”, tức dựa vào sách Thánh đăng thực lục. Ở đây phải được hiểu là sách Thánh đăng lục như bài tựa soạn giả Tính Quảng đề cập10. Thiền sư Tính Quảng sử dụng bản Thánh đăng lục do Thiền sư Chân Nghiêm đời Mạc trùng san để đưa vào phần đầu của tập Tam tổ thực lục. Điều đó nhận ra qua bài thơ của vua Trần Nhân Tông cảm tác khi đi qua chùa làng Cổ Châu mà bản in đời Mạc có câu “Thế số nhất tố mạc”. Bản Thánh đăng ngữ lục do Tuệ Đăng trùng san đã bỏ hai từ “Tố mạc” thay bằng hai từ “tức mặc”11.
Truyện thứ hai viết về Thiền sư Pháp Loa. Tư liệu mà sách sử dụng là tấm bia chùa Hương Hải. Ngôi chùa nằm về quê của Thiền sư Pháp Loa ở Nam Sách (Hải Dương). Theo tư liệu điều tra về chùa Hương Hải thì hiện nay chùa không còn, nhưng bia đá và tháp được di dời qua chùa Phúc Thắng (thôn Văn Xá, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách). Tấm bia “Đệ nhị đại tổ bi” được khắc lại tháng 7 năm Bính Thìn Tự Đức thứ 9 (1856), dựa vào tấm bia cũ khắc năm Chính Hòa 5 (1685)12. Thiền sư Tính Quảng sao chép bia Chính Hòa tại chùa Hương Hải để đưa vào Tam tổ thực lục. Đối chiếu hai tư liệu nhận thấy có vài sai dị, nội dung giống nhau. Tấm bia khắc dưới thời Tự Đức tuân thủ phạm húy triều Nguyễn như chữ “Thời” đổi thành chữ “Thần”, chữ “Tông” đổi thành chữ “Tôn”…
May mắn cho chúng ta tại chùa Thanh Mai huyện Chí Linh (Hải Dương) có tấm bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” cùng nội dung như bia chùa Hương Hải13. Tiếc rằng bia bị bào mòn mặt trước, mặt sau còn khá rõ. Bia Thanh Mai được khắc tháng 11 năm Nhâm Dần Đại Trị 5 (1362) do những đệ tử của Thiền sư Pháp Loa thực hiện. Tính nguyên vẹn cao hơn bia chùa Hương Hải. Nói thế để biết rằng, truyện Thiền sư Pháp Loa trong Tam tổ thực lục cũng chưa chính xác hoàn toàn. Nhờ bia Thanh Mai mà chúng ta đối chiếu và phát hiện khá nhiều chữ khắc sai hoặc thiếu. Nhân đây, chúng tôi đưa ra mấy lỗi có ảnh hưởng đến nội dung trong Tam tổ thực lục.
Lỗi thứ nhất, sách nhầm chữ “Thập” thành chữ “Thiên” làm cho con số tăng lên gấp nhiều lần. Sự nhầm lẫn này xuất hiện hai lần. Bia Thanh Mai đề “đắc pháp đệ tử tam thập dư nhân” tức đệ tử đắc pháp có hơn 30 người. Tam tổ thực lục ghi “đắc pháp đệ tử tam thiên dư nhân”14 tức đệ tử đắc pháp hơn ba nghìn người, tức số lượng đệ tử đắc pháp quá đông. Trên bia ghi đệ tử đắc pháp trong hai sơ đồ nhưng sách thì ghi gộp theo thứ tự.
Bia Thanh Mai chép đủ đoạn đối thoại giữa Thiền sư Pháp Loa với ngài Huyền Quang nói về việc ngủ và tỉnh. Trong đó, Đệ nhị đại tổ bi và Tam tổ thực lục lại bị thiếu mất. Chúng tôi trưng dẫn dưới đây:
Cuối truyện Thiền sư Pháp Loa có thêm Thiền đạo yếu học. Soạn giả chỉ nói thêm vào mà không ghi rõ tác giả các bài ấy do ai sáng tác. Hầu như các nhà nghiên cứu đều thống nhất phần này do Thiền sư Pháp Loa soạn15.
Truyện thứ ba viết về Thiền sư Huyền Quang. Soạn giả sử dụng Tổ gia thực lục nhưng không ghi rõ xuất xứ của tư liệu. Hiện vẫn chưa biết ai là tác giả cũng như sách xuất hiện vào thời nào. Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Nguyễn Huệ Chi tin vào lời cuối sách để biết quá trình lưu truyền của văn bản. Đó là giai đoạn cuối nhà Hồ, Hoàng Phúc mang sách về Trung Quốc, mãi khi Tô Xuyên hầu Nguyễn Quang Bí đi sứ mới mang sách về lại nước ta. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân đọc đã viết bài “Giải trào” mà ta chưa tìm thấy. Cuối phần khảo sát, ông đưa ra nhận định “Không có lý do gì để nói đây không phải là một tác phẩm đời Trần”16.
Nguyễn Lang trong chương viết về Thiền sư Huyền Quang có bàn luận về tập Tổ gia thực lục. Lời dẫn ra dựa theo đoạn cuối truyện để nói về quá trình lưu truyền văn bản. Ông dựa vào truyền thừa phái Trúc Lâm Yên Tử để cho rằng “có thể An Tâm đã chép truyện Huyền Quang chăng?”17. Hai nhà nghiên cứu trên đều cho Tổ gia thực lục xuất hiện cuối đời Trần. Ta biết Thiền sư Huyền Quang viên tịch năm 1334, sau Thiền sư Pháp Loa 4 năm. Theo Thánh đăng ngữ lục, truyện vua Trần Minh Tông thì sau khi Pháp Loa viên tịch, nhà vua sai Trung sứ đến bảo ngài Huyền Quang soạn Phổ Tuệ ngữ lục và hành trạng. Vua Minh Tông có quan hệ thân thiết với đức Tam tổ, ngài là đệ tử đắc pháp của Tam tổ, người phát tâm hộ trì Tam bảo, xây dựng mở rộng chùa Côn Sơn. Thế nhưng đoạn sau không đá động gì đến sự viên tịch cũng như cho người soạn Ngữ lục, hành trạng của ngài Huyền Quang. Chúng ta chưa rõ sau khi ngài Huyền Quang viên tịch, ai soạn hành trạng cho ngài.
Tổ gia thực lục chép rõ gia thế và chú trọng câu chuyện giữa Thiền sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích. Hình thức như một tập tiểu thuyết, nên sách có giá trị văn học hơn là sử học. Thâu tóm hết những đoạn có ghi niên đại, đem đối chiếu với các tư liệu đương thời thấy Tổ gia thực lục chép nhầm và sai một số việc. Nói thế để biết người viết Tổ gia thực lục phải sống cách xa ngài Huyền Quang nên trong tay không có sử liệu về cuộc đời hành đạo của Tam tổ Huyền Quang.
Giả thuyết của chúng tôi cho rằng, lời sau truyện là do thế hệ sau muốn làm cho câu chuyện mang tính chất thực nên đã ghi quá trình Tổ gia thực lục được mang qua Trung Quốc, rồi lưu truyền trở lại nước ta. Theo thiển ý, truyện có thể xuất hiện khoảng thời Lê sơ, hoặc vương triều nhà Mạc. Giai đoạn Phật giáo không còn ảnh hưởng đến triều đình mà đã đi vào dân gian, phát triển mạnh theo chiều hướng tín ngưỡng.
Một số nhà sưu tầm thơ văn thời Lý-Trần như Phan Phu Tiên với công trình Việt Âm thi tập, Hoàng Đức Lương với Trích diễm thi tập, Lê Quí Đôn với Kiến văn tiểu lục… đều cho rằng “Thiền sư Huyền Quang 9 tuổi đã biết làm thơ văn, học tập về nghề nghiệp thi cử, 19 tuổi vào chùa học đạo, tức là đệ Tam tổ trong môn phái Trúc Lâm”18. Lê Quý Đôn còn bác chuyện Thiền sư đỗ Trạng nguyên, sau từ quan về làm thầy chùa là không đúng. Đây là thuyết thứ hai có liên quan đến hành trạng thiền Tổ Huyền Quang. Chúng tôi sẽ có dịp bàn rộng trong chuyên đề khác.
Tóm lại, Tam tổ thực lục được biên soạn năm 1765 do hai Đại sư Tính Quảng và Hải Lượng. Hai vị đã sưu tầm các thư tịch và bi ký đời Trần còn sót lại để tiến hành biên soạn. Trong sách thiếu sự nhất quán, tức nội dung ba truyện viết theo ba kiểu khác nhau. Truyện Tổ Điều ngự Giác hoàng mang tính ngữ lục, truyện Thiền sư Pháp Loa dựa vào niên biểu nên có tính chất sử học cao. Truyện Thiền sư Huyền Quang có giá trị văn học, nhưng kém phần sử liệu. Thực tế cho thấy các soạn giả có dụng ý tốt đẹp nhưng do tính cóp nhặt nên không thể sách trở nên hoàn mỹ. Có lẽ lúc này tình hình đất nước đầy biến loạn, tư liệu thất tán, thời gian có hạn nên họ không thể tự viết lên được truyện ba Tổ Trúc Lâm mà phải mượn lại các tư liệu có trước để làm nên bộ sách Tam tổ thực lục. 
Thích Đồng Dưỡng
Hoài Cổ lâu, cuối thu năm Mậu Tuất 2018
________________________
(1) Trong bài tựa cho biết, Sa-di Hải Lượng đến cầu Thiền sư Tính Quảng đọc, đính chính tài liệu tại núi Tử Trầm, Sơn Tây. Cuối bài tựa thấy đề viện Thời Vũ tức thiền sư đã không còn ở Tử Trầm nữa mà về quê Phúc Lai (nay thuộc xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) khai sáng chùa Thiên Ân và mở viện Thời Vũ để nuôi dạy học trò (Theo Thiền Phong tháp ký).
(2) Chúng tôi dựa vào Tam tổ thực lục, bản sách của Thư viện Huệ Quang (TP.HCM).
(3) Tam tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện nghiên cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1995, tr.13. Dịch giả sử dụng quyển 6 Trần triều dật tồn phật điển trong bộ Việt Nam Phật điển tùng san.
(4) Sđd, tr. 15.
(5) Bản in 1905 tờ đầu có cho biết “Sách này Sa-môn Thanh Cừ in và phát hành. Viện Phúc Lâm Hải Phòng chuyển cúng. Tăng-già mười phương chứng minh”. Phía cuối sách có khắc ba chữ chân lớn “Phạm Duy Hinh” xuất hiện hai lần.
(6) Lý Việt Dũng, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục dịch giải, NXB.Cà Mau, 2003, tr. 30. Chúng tôi sử dụng lời dịch của ông Lý Việt Dũng.
(7) Việt Nam Phật điển tùng san, tập 6 là bản sách do chúng tôi sưu tầm được và lưu trữ tại chùa Ba Phong (Quảng Nam).
(8) Theo bài tựa trong sách, Sa-di Hải Lượng người thôn An Lữ, Phù Lưu, Đông Ngàn. Ngài xuất gia thuở nhỏ, chí khí cao vút, quy tông với Trưởng lão chùa Hoa Yên, trụ trì Bổ Đà. Chúng ta chưa rõ Bồ Đà ở đâu? Không thể là chùa Bổ Đà thuộc tỉnh Bắc Giang được. Bởi, Bổ Đà lúc đó do Thiền sư Tính Ánh trụ trì. Có thể Bổ Đà nằm về khu vực Yên Tử. Phía cuối bài tựa còn có Sa-di Hải Lượng tự Tuệ Dung chùa Vân Tiêu núi Yên Tử cùng mẹ là Nguyễn Thị Lĩnh hiệu Diệu Thọ gởi cầu siêu cho chồng là Nguyễn công tự Tính Trực. Có thể hai vị này trùng tên húy, ở hai chùa khác nhau.
(9) Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản ở tập Thơ văn Lý-Trần, tập 1 đã dùng bản A.786 nhưng do sách bị mối xông mất một số chữ, Ông đã cố đoán để tìm ra nội dung và ông đưa ra kết luận khá chính xác: “Thế nghĩa là bộ sách Tam tổ thực lục hiện nay chỉ là một bộ sách mới, được chính thức khai sinh từ năm 1765 với công sức của các nhà sư Quảng Điền (Tính Quảng, tác giả chú), Hải Lượng và một số người khác, để thay thế cho một bộ Tam tổ thực lục đời Trần đã thất truyền”. (tr.119)
(10) Bản Thánh đăng lục do Thiền sư Chân Nghiêm in đời Mạc tại chùa Sùng Quang (Hải Dương) mà Thiền sư Tính Quảng có nhắc tới nay đã thất truyền. Chúng tôi tìm được bản do chùa Thuần Mỹ in năm Tự Đức thứ 1 (1848), dựa vào bản in thời Mạc để trùng san. Bản thứ hai, Thánh Đăng ngữ lục (A. 2569) do Thiền sư Tính Lãng trùng san, Thiền sư Tính Quảng đề tựa năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750). Theo bài tựa, trước đó bốn mươi sáu năm, Sư ông Tuệ Đăng chùa Long Động cho khắc ván nhưng bị thất tán. Pháp tôn Tính Lãng mới đứng ra khắc lại bộ ván mới dựa vào bản do Thiền sư Tuệ Đăng trùng san trước đó. Trong bản này có lời bạt của Thiền sư Tuệ Đăng nhưng sách không đề soạn giả. Như thế, chúng ta có hai bản trùng san từ bản của Thiền sư Chân Nghiêm đời Mạc và bản của Thiền sư Tuệ Đăng Chân Nguyên thời Vĩnh Thịnh triều hậu Lê. Chùa Pháp Vũ có trùng san Thánh Đăng lục dựa vào bản in chùa Thuần Mỹ năm 1848. Bản này được lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang.
(11) Dựa vào bài tựa Thánh đăng ngữ lục (A.2569) bản in năm 1750 do Thiền sư Tính Lãng trùng san.
(12) Thác bản ký hiệu 13507/13508/13509/13510 nằm trong Tổng tập văn khắc Hán Nôm, tập 14, H.2008, tr.526-529. Theo địa chỉ trong bia thì chùa Hương Hải thuộc thôn Tiền Trung, tổng An Điền, phủ Nam Sách, Hải Dương (nay thuộc thôn Tiền Hải, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách)
(13) Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi được lập tháng 11 năm Nhâm Dần Đại Trị thứ 5 (1362). Bia do đệ tử đắc pháp là Trí Nhu trụ trì chùa Thủy Sơn xuất tiền mua bia. Đệ tử Thiệu Tuệ trụ trì chùa Đương Sơn chép chữ. Trúc Lâm đệ tam đại tự pháp trụ trì Tông Huyền Kim Sơn tấu khắc. Bản rập bia do chúng tôi thực hiện vào năm 2015. Chúng tôi tham khảo lời chú bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi của GS Cung Cảnh Linh trong Văn Khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 2 quyển hạ. Sách do sự hợp tác giữa Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (Hà Nội) và Viện Văn học Đại học Trung Chính (Đài Loan). Nội dung nằm từ trang 427 đến trang 465 của tập sách.
(14) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB.KHXH, H.1988. tr.262, 263, phần chú thích dưới trang sách. Chương này do GS Hà Văn Tấn viết.
(15) Đơn cử Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Hà Văn Tấn trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Huệ Chi trong Thơ văn Lý-Trần, tập 1.
(16) Thơ văn Lý-Trần, tập 1, NXB.KHXH, H. 1977, tr.121.
(17) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, NXB.Lá Bối, S.1974, tr. 355-357.
(18) Theo Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, phần dịch tác phẩm Kiến Văn tiểu lục, NXB.KHXH, H.1977, tr.393.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày