Theo đó, Công văn số 817/BTG-TCHC do Ban Tôn giáo TP.HCM phát hành được đóng dấu “Khẩn”, gởi đến Phòng Nội vụ TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện cho biết công tác này “nhằm để kịp thời tổng hợp tình hình về thực trạng các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố theo nội dung triển khai của Ban Tôn giáo Chính phủ”.
Cũng theo nội dung công văn trên, việc này được thực hiện phối hợp phục vụ đề án “Nghiên cứu, điều tra thực trạng cơ sở tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay" của Bộ Nội vụ, giao Ban Tôn giáo Chính phủ là đơn vị thường trực.
Khảo sát này chỉ dành cho đối tượng là cơ sở tín ngưỡng, không phải cơ sở tôn giáo |
Trao đổi với ông Vũ Huy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 - Ban Tôn giáo TP.HCM, sau khi nắm bắt thông tin, ông Long cho Báo Giác Ngộ biết việc yêu cầu các tự viện (chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, thiền viện, tu viện, trụ sở Giáo hội…) kê khai thông tin theo văn bản trên là không đúng.
“Công văn nói rõ là cơ sở tín ngưỡng. Theo Khoản 4, Điều 2 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.”, ông Vũ Huy Long nói.
Ông Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 - Ban Tôn giáo TP.HCM nhờ Báo Giác Ngộ thông tin, hướng dẫn đến chư Tăng Ni ở các cơ sở tự viện trên địa bàn TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện để rõ và không phải thực hiện việc kê khai, điều tra này.