GN - HỎI: Nhà tôi chưa có bàn thờ Phật, muốn trì chú Đại bi có được không? Khi tôi ngồi trì chú mà trong đầu ý nghĩ lăng xăng, hoặc người hay lắc lư rồi buồn ngủ, vậy làm thế nào để khắc phục?
(TRỊNH HẢI, hai1233457@gmail.com)
Trạo cử và hôn trầm là những triền cái làm chướng ngại
công phu tu tập nên hành giả phải vượt qua - Ảnh minh họa
ĐÁP:
Bạn Trịnh Hải thân mến!
Nhà chưa có bàn thờ Phật, bạn vẫn tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền… bình thường. Bạn cần chọn một nơi sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh nhất nhà để trì chú, tu niệm.
Trong lúc tu niệm, hiện tượng “trong đầu ý nghĩ lăng xăng” gọi là trạo cử, và “người hay lắc lư rồi buồn ngủ” gọi là hôn trầm, các biểu hiện này liên tục xảy ra. Tất cả mọi người, khi thực hành công phu đều trải qua các hiện tượng trạo cử và hôn trầm này.
Việc đầu tiên, bạn hãy xem trạo cử và hôn trầm là một trong những điều rất bình thường của tâm. Từ trước đến nay, tâm của mình đã rối rắm như vậy, không phải bây giờ mới có. Nhờ tu tập nên mình có cơ hội nhận diện rõ hơn tâm của mình nhiều trạo cử, hôn trầm mà thôi.
Với trạo cử, bạn chỉ cần chú tâm vào đề mục, rõ biết các ý nghĩ lăng xăng đang trình hiện mà không nắm bắt hay phản ứng, chỉ chuyên tâm vào đề mục. Ở đây, đề mục của bạn là trì chú, vậy hãy chú tâm vào câu chú. Thân ngồi (hoặc đi, đứng, nằm) thư giãn và thoải mái, chú tâm đọc hay niệm chú đầy đủ không thiếu sót, tai nghe tiếng rõ ràng, nếu đọc thầm thì tâm cũng nghe biết tỏ tường. Các ý tưởng lăng xăng vẫn liên tục xuất hiện nhưng vì bạn chuyên tâm vào thần chú, không phản ứng lại (không nắm bắt hoặc xua đuổi) nên nó không có chỗ nương gá, tự sinh rồi tự diệt, tự đến rồi tự đi.
Khi mất chánh niệm, sự chú tâm bị gián đoạn thì tâm bị các ý niệm lăng xăng chi phối. Cần thấy rõ tâm mình đang trạo cử, đưa tâm trở về trạng thái chánh niệm bằng cách trì chú trở lại như lúc đầu. Sự chuyên chú càng lớn mạnh thì trạo cử càng yếu suy. Kiên trì, bền bỉ và tinh tấn lâu ngày ta sẽ dễ dàng làm chủ tâm, vọng tưởng thưa dần, tâm được an trú, tịnh chỉ.
Về hôn trầm, thường là khi trạo cử tạm lắng dịu thì hôn trầm xuất hiện, trạng thái thân tâm dật dờ dã dượi, buồn ngủ và ngủ gục. Khi mất chánh niệm, thiếu sự chú tâm thì hôn trầm liền chi phối. Để đối trị hôn trầm, hành giả cần điều hòa thân tâm, phối hợp cả phòng và chống. Trước hết hành giả phải thiết lập đời sống quân bình, làm việc vừa sức, ngủ đủ giấc. Kế, không ăn quá no, không uống rượu bia trước giờ công phu, áo quần cần mềm xốp, không quá chật, nới lỏng thắt lưng, ngồi nơi thoáng mát, giàu dưỡng khí. Khi ngồi cần giữ lưng thẳng, cổ thẳng, thả lỏng các cơ bắp, thân tâm thư giãn hoàn toàn. Quan trọng là luôn duy trì sự chú tâm vào thần chú, khi phát hiện bị hôn trầm, hãy khởi sự lại từ đầu.
Nếu hôn trầm kéo đến nhiều lần, hành giả có thể tạm dừng trì chú để đưa tay xoa mặt, vuốt mắt, nhéo tai, xoa bóp tay chân, xoay người qua lại cho máu huyết lưu thông. Sau đó tiếp tục trì niệm như ban đầu. Nếu hôn trầm chưa dứt, hành giả cần thay đổi oai nghi, đi rửa mặt và thiền hành (vừa đi vừa niệm chú) một lúc rồi quay về tiếp tục trì niệm. Sau nhiều nỗ lực mà vẫn hôn trầm, hành giả nên nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ một lát, sau đó tiếp tục công phu sẽ tốt hơn.
Trạo cử và hôn trầm là những triền cái làm chướng ngại công phu tu tập nên hành giả phải vượt qua. Trong thời gian đầu khi tâm chưa thuần, hành giả cần tinh tấn, nỗ lực và kham nhẫn, không nên thối tâm và bỏ cuộc sớm. Khi hành giả thiết lập được chánh niệm, chú tâm vững chắc vào đề mục, tâm có phần an định thì hai chướng ngại này sẽ giảm thiểu dần. Tiếp tục công phu đắc định thì chúng sẽ chấm dứt.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)