GN - Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát, thông qua báo chí, đã chính thức xin lỗi người dân vì một phát biểu gây nhiều bức xúc tại diễn đàn Quốc hội chiều 1-4, về thực phẩm an toàn.
Một biếm họa về việc phun thuốc cho giá đỗ tăng trưởng nhanh như có phép màu
“Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết” - lời phát biểu của Bộ trưởng Cao Đức Phát được báo chí trích dẫn đã tạo nên những làn sóng phản ứng gay gắt trong dư luận, và có nhiều ý kiến cho rằng ông Bộ trưởng đã không thực tế, coi thường người dân. Trước những làn sóng phản ứng đó, ông Bộ trưởng cũng đã chủ động đăng đàn giải thích và công khai xin lỗi.
Điều đó cho thấy rằng, chưa bao giờ nỗi ám ảnh về an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nóng như hiện nay. “Người dân đang lạc lối trong một “rừng” hóa chất độc hại”, một quan chức đã từng cảnh báo tại diễn đàn Quốc hội trước đó.
85% nông sản mà người dân tiêu thụ hàng ngày ở nước ta hiện nay không qua kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm, 99% nông sản không đạt chuẩn VietGAP - quy định thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam do Bộ NN-PTNT ban hành. Nguồn thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày của người dân thừa nhiều chất độc hại. Bệnh viện quá tải, các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ngày càng diễn ra nhiều hơn, số lượng lớn hơn và mức độ nghiêm trọng hơn là vì vậy.
Người ăn chay cũng không hẳn được an toàn. Chất lượng rau củ thừa thuốc trừ sâu, thực phẩm chay giả mặn sử dụng chất phụ gia tạo mùi tạo màu trong danh sách bị cấm, thậm chí được tạo từ nguồn thực phẩm động vật bị hư thối, tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Gần đây, báo chí cũng lên tiếng cảnh tỉnh “người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau”. Thông tin thống kê cho biết mỗi năm ở nước ta có khoảng 200.000 ca ung thư mới, trong đó có 75.000 ca tử vong - con số đó khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ ung thư ở mức báo động. Theo các nhà khoa học, có 3 yếu tố tác động đến ung thư là di truyền, môi trường sống ô nhiễm và chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Trong đó, tác nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35% các số ca, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%.
Vì lòng tham, người ta sẵn sàng sử dụng thuốc trừ sâu, các chất kích thích tăng năng suất rau trồng, tăng trọng vật nuôi bằng các hóa chất độc hại cho sức khỏe; thậm chí “phù phép” thực phẩm hư thối để lừa bán cho người tiêu dùng, lạm dụng các chất phụ gia độc hại, chế biến không an toàn… chỉ vì một mục đích duy nhất là lợi nhuận, bất chấp hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người khác.
“Câu chuyện thực phẩm bẩn không còn là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là hình ảnh của đất nước với thế giới”. Do vậy, cũng ngày đầu tháng Tư vừa qua, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đã cùng với các bộ ngành phát động chiến dịch “Nói không với thực phẩm bẩn”. Vấn đề này, ngoài việc tuyên truyền cùng với các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, cần phải có lộ trình giáo dục trong nhà trường, để có những nhận thức đúng về mối tương quan mật thiết - nhân duyên trùng trùng của đời sống, hại người cũng chính là hại mình, và làm sao để con người có sự tự điều chỉnh, bớt đi lòng tham và sự thiếu hiểu biết, chỉ khi đó, con người mới nói không thực sự với những cái xấu, trong đó có thái độ và hành động “nói không với thực phẩm bẩn”.