Cái tâm

Võ sư Nguyễn Xuân Dũng
Võ sư Nguyễn Xuân Dũng
Tác giả cuốn sách này là một võ sư đệ bát đẳng huyền đai thuộc phái không thủ đạo, vừa là một nhà hoạt động thương trường nổi tiếng ở Mỹ. Nhưng cuốn sách này không hề bàn đến chuyện đấm đá hơn kém hoặc là chuyện mua bán lời lỗ mà bàn về cái TÂM. Tác giả tỏ ra hết sức chú trọng vũ đạo; nhất cử nhất động đều phải xuất phát từ cái TÂM, cái TÂM viết hoa.

Lưu ý rằng gắn liền với truyền thống phương Đông mọi giá trị đều có hai mặt Đời và Đạo, thí dụ ta có y thuật và y đạo, trà và trà đạo, hoa và hoa đạo... Vậy, vũ đạo là tinh tuý của vũ thuật, giống như linh hồn là anh hoa của thể chất nơi con người. Đã nói tới Đạo, người ta không thể làm bộ ngây thơ để không biết rằng vị tổ sư đầu tiên của thiền học là Bồ Đề Đạt Ma. Chính ở đây, vũ đạo gia nhập vào truyền thống tâm linh của người phương Đông trong tính ảo diệu và linh hiển của nó. Đạo là đầu mối của tất cả, và cái TÂM là một thành tố ở trong đó. Bản thể của cái TÂM là rỗng không, vì bản thể của đạo cũng là hư không. Trong bài kệ đầu tiên của Phật dạy, ngài truyền rằng cái TÂM thường hay bị nhiễu loạn, người ta phải tìm cách thu hồi nó lại, giống như trẻ mục đồng đi tìm bắt con trâu bị lạc đường và dẫn nó về nhà như trong bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" vẫn được tôn thờ nơi những ngôi chùa cổ ở Huế, trong đó chữ TÂM được diễn đạt bằng một vòng tròn rỗng không. Trong vũ đạo, mọi động thái của quyền cước đều phải mang sắc thái tĩnh không của cái TÂM để vũ thuật không mất đi cái ý nghĩa ảo diệu của nó. Nói cho cùng thì một võ sĩ cũng đồng nhất với một nhà hành giả trên đường tìm về cái TÂM của mình. Không có cái TÂM dẫn dắt thì vũ thuật trở thành một trò múa may thô bạo, trò đao búa hại người, điều mà các võ phái không thể thừa nhận. Đi tìm cái TÂM để trang bị cho vũ thuật giữa lúc mà các võ đường thi nhau mọc lên như nấm và cái TÂM thì xa tít mù hầu như mất dạng, đó chính là tham vọng của tác giả Nguyễn Xuân Dũng khi cho ra đời tập sách này; và đó cũng là cái TÂM lo đời của một cao đồ không thủ đạo.

Cuốn sách này ít chú trọng đến thương trường nên cũng ít nghe tác giả nói về cái TÂM trong thương nghiệp. Chú ý rằng với một thời gian chừng sáu, bảy năm tác giả đã thành lập một loạt Công ty, chen vai thích cánh với các nhà đại doanh nghiệp; mở đầu là Công ty Quantek đã vượt qua một đại gia của thương trường Mỹ là Công ty IBM. Đứng vững được bên cạnh IBM đã là một điều khó; đằng này Quantek đã sáng chế ra nhiều linh kiện của máy tính điện tử mà từ trước đến nay, IBM chưa hề biết đến, và phải đặt hàng ở Công ty Quantek. Điều ấy trước hết là nhờ ở trí thông minh kỳ lạ của người sáng lập và lãnh đạo Công ty. nhưng trên hết chúng ta biết đó chính là sức mạnh của cái TÂM. Chính cái TÂM trong cách sống là sức mạnh, nội lực của hệ thống đã thuyết phục đám đông công nhân phải tận tâm tận lực xây dựng Công ty của mình.

Một ví dụ khác là sản phẩm cái chăn đắp cho trẻ sơ sinh, đã thu hút sức mua của những bà mẹ trên thị trường Mỹ. Có phải chăng vì luôn luôn suy nghĩ bằng cái TÂM, mà tác giả đã phát minh ra một bộ phận phát ra tiếng kêu giống như tiếng đập của "trái tim" người Mẹ; quả nhiên hài nhi nào cũng tìm thấy một giấc ngủ an lành trong tiếng đập kia; và trước những bất trắc của cuộc đời, mỗi con người lại tìm về ẩn náu trong nhịp đập trái tim của Mẹ. Hệ thống nhập thế của Khổng giáo không bàn nhiều về cái Tâm, có lẽ vì cho rằng cái tâm là điều mặc nhiên trong truyền thống đạo của phương Đông. Ở Mạnh Tử, đôi khi bàn về chữ Tính, có dùng hình tượng "xích tử" (con đỏ) và hình tượng nổi tiếng "anh nhi chi vị hài" (đứa bé sơ sinh chưa biết cười). Phải đợi đến Vương Dương Minh, học thuyết "Tâm học" mới ra đời, trong đó cái tâm được xem như một "chủ thể nhận thức". Nhưng cả Mạnh Tử và Vương Dương Minh đều là những nhà Nho; và ở thời Vương Dương Minh, tâm học phải lùi bước trước lý học của đời Tống; và cái tâm đã bị xao nhãng dần trước sức lôi kéo ào ạt của lối sống phương Tây. Nên trong truyền thống của Đạo, cánh nhà Nho thường dựa dẫm vào ý kiến này của Lão học: "Đạo khả đạo phi thường đạo". Đi đến tận cùng ý niệm nguyên uỷ này, ta lại bắt gặp ý niệm Phật tánh trong đạo Thiền.

Nói tóm lại, Bồ Đề Đạt Ma là người thay mặt truyền thống đạo đông phương để truyền bá về cái tâm, trong đạo nói chung, cả vũ đạo nói riêng. Trở lại vấn đề đang nói ở trên, cuối một đời nhập thế tận tụy, các đấng nam nhi của Nho giáo đều phải quay về mượn triết học xuất thế của Lão giáo để giữ thăng bằng cho đời sống tâm linh của mình. Nguyễn Công Trứ đã từng nói: "Nước nhà yên mà sĩ được thong dong, bây giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch". Ai cũng biết, Hoàng Thạch Công chính là một đại biểu của Lão giáo. Chính nỗi nhớ da diết về quê hương cũng là một biểu hiện của cái tâm. Tác giả tỏ ra thương nhớ khôn nguôi về một cánh rừng hoang dại nằm ở "phía Nam Đà Lạt" với hình ảnh của thầy xưa bạn cũ, với ngôi làng Thanh Lam Bồ chôn nhau cắt rốn, nơi tác giả đã sinh ra và đã sống một tuổi ấu thơ êm đềm như bất cứ ai cùng sinh ra; và không quên được thành phố Huế và dòng sông xanh biếc tác giả đã lớn lên bằng tuổi thanh niên thơ mộng. Nếu chỉ dựa vào trên tiêu chí của xã hội Mỹ, tác giả có thể tự hài lòng về bản thân, và yên tâm đi tới trên con đường đã tìm thấy sau những thành đạt lúc đầu. Nhưng Nguyễn Xuân Dũng đã ngoái lại nhìn một thời đất Việt xa xôi, và đã phát hiện ra cái TÂM.

Chính tấc lòng tha thiết ấy cũng là sự thể hiện của cái tâm mà không phải dễ gì người nào cũng có. Tấc lòng thương cây nhớ cội vẫn không ngớt len vào giấc ngủ của tác giả trong những đêm trằn trọc trên xứ người đã toả lan một chất thơ đằm thắm muôn vàn trên mỗi dòng chữ của "Gió về Tùng Môn Trang", khiến người đọc lấy làm ngạc nhiên về phong thái văn chương của một người vốn là con nhà võ.

Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đã tịch mịch nhưng lịch sử Phật giáo khẳng định rằng chúng ta đang ở thời mạt pháp. Vào thời buổi này con người thực dụng chủ nghĩa đang thừa thắng nhảy vào chỗ của con người đạo học. Hơn ai hết, tác giả Nguyễn Xuân Dũng muốn tìm cách ngăn chặn sự đổ vỡ từ bên trong của những ai mê muội tin rằng con người kỹ trị của nền văn minh Mỹ là một đấng siêu nhân có thể mang đến cho nhân loại hết thảy mọi thứ, kể cả hạnh phúc. Nguyễn Xuân Dũng đã hoảng hốt kêu to lên rằng người ta không nên nhầm lẫn đến như thế, hãy mau quay về níu lấy cái tâm mà sống.

Ai cũng thấy cần luôn tu dưỡng cái tâm, nhưng theo tôi, thực cũng chưa mấy có ai chịu khó cúi xuống chăm sóc cái tâm bằng ý thức âu yếm như tác giả tập sách này. Thành thật mà nói, tôi đã cảm động xiết bao trên từng trang của "Gió về Tùng Môn Trang".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày