Suy nghiệm về mình - Ảnh minh họa
Không ai chấp nhận ai trong khi mỗi người đều có những điểm trừ và điểm cộng riêng. Nếu chúng ta có thể chấp nhận được nhau, nhìn vào một người - thấy những chấm mực và bỏ qua để vui với những điểm sáng của một ai đó thì có lẽ đã đỡ rắc rối, đỡ phải thiệt hơn với người, ngược lại còn giúp họ dần sáng ra thêm, chuyển hóa bớt những chấm mực.
“Là con người, sự vĩ đại của chúng ta không nằm nhiều ở việc cải tạo thế giới, mà nằm ở khả năng ta cải tạo chính mình - MAHATMA GANDHI |
Trong mọi mối quan hệ, nếu áp dụng được triệt để câu “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” thì hẳn là không có những cuộc chia ly đẫm nước mắt, đôi khi hối tiếc muộn mằn.
Nghe được cho sâu sắc sẽ thấy họ có nỗi khổ niềm đau riêng, mình cũng vậy. Từ đó có thể tha thứ, bao dung, tạo ra cái nghĩa đủ sâu nặng để vượt qua những cám dỗ bên ngoài và cảm hóa cái bên trong.
Nếu có “nhìn lại” cho kỹ - thì ta sẽ thấy một quãng ta và họ yêu thương hạnh phúc. Thấy người cũng có những điểm thật dễ thương. Thấy ai cũng sẽ có khuyết chỗ này chỗ kia, nên mơ về một người hoàn hảo là giấc mơ tệ hại nhất ở Ta-bà...
Nhìn lại còn để thấy mình cũng dở nhiều với người. Để xin lỗi. Để xin một lời góp ý cho anh/ cho em hoàn thiện mình hơn. Chúng ta có thể dành cho nhau những quà tặng - với sự nhẹ nhàng “chỉ điểm” cái chưa hay ở ai đó - để mỗi người có thể hồi tỉnh, sửa sai sau quá trình dài trách móc vì không có sự cảm thông, vì háo thắng.
Sự hoàn hảo chính là ở chỗ đó - cái chỗ chúng ta chấp nhận được sự không hoàn hảo của người khác, của cuộc sống và của bản thân mình - để từ đó chỉnh sửa cho mọi thứ tốt đẹp nhất có thể.
Có thể, sự chỉnh sửa ấy phải tốn rất nhiều thời gian, đôi khi cả một đời, thậm chí nhiều đời, nhưng sự quyết tâm sửa đổi là điều cần được tinh tế nhìn thấy, ghi nhận.
Ngài Mahatma Gandhi nói rằng: “Là con người, sự vĩ đại của chúng ta không nằm nhiều ở việc cải tạo thế giới, mà nằm ở khả năng ta cải tạo chính mình”. Câu nói vĩ đại này đáng học, cũng giống như câu “nếu có so sánh, bạn đừng so với người, hãy so với mình của ngày hôm qua, hôm nay ta có tốt hơn mình hôm trước không”.
Tóm lại, vì là con người nên ai cũng sẽ có khiếm khuyết. Vì thế, hà cớ gì ta phải đi tìm kiếm một con người hoàn hảo cho khổ. Khổ bởi vì không hề có mà kiếm - đó là một sự mong cầu không được toại - theo đó, ta tự tạo bất như ý cho mình.
Bối Bối
Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.