GN - HỎI: Ngày xưa tôi đã quy y Tam bảo nhưng vì nông nổi tôi đã bỏ đạo để theo đạo khác. Nay tôi đã hồi tâm về với đạo Phật thì tôi có cần quy y lại không? Hồi đó, tôi đi chùa có mượn kinh sách mà cố ý không trả. Nay học giáo lý của Đức Phật, tôi biết tội trộm cắp rất nặng nên muốn ăn năn, sám hối. Nghe nói tội trộm cắp là không thể tha thứ, vậy phải làm sao để đền tội, xin quý Báo hướng dẫn cho tôi cách sám hối.
(TỊNH MINH, bachlydoto92@gmail.com)
Quy hướng Phật - Ảnh minh họa
ĐÁP:
Bạn Tịnh Minh thân mến!
Đạo Phật có câu ‘Quay đầu là bờ’. Nay bạn đã hồi tâm về với đạo Phật để tự sửa mình là phúc phần của bạn. Dĩ nhiên tâm ý của bạn đã quy y nhưng rất cần một lễ quy y chính thức. Bạn phải thành tâm phát nguyện trọn đời quy mạng Tam bảo thì lý và sự quy y mới đầy đủ, viên dung.
Về tội trộm cắp kinh sách, động cơ tuy không tốt nhưng vì giá trị nhỏ nên chưa phạm tội nặng. Chỉ khi nào trộm cắp tài vật có giá trị lớn, tới mức bị nhà nước truy tố, bị tống giam mới phạm trọng tội, không thể sám hối. Còn phạm trộm cắp tài vật có giá trị nhỏ, không đáng kể, nếu biết ăn năn, chí thành sám hối, khắc phục lỗi lầm thì sẽ hết tội.
Vậy nên, sau khi quy y Tam bảo rồi, bạn hãy chí thành sám hối. Trước hết, bạn cần nhận thức rõ, trộm cắp là xấu ác, quả báo nặng nề nên từ nay quyết không lấy bất cứ vật gì của người khác, dù rất nhỏ mà họ chưa cho phép. Thứ đến, bạn cần khởi tâm ăn năn, cần cầu sám hối lỗi lầm và nương theo các bộ kinh sám hiện hành như Hồng danh bửu sám, Thủy sám, Lương hoàng sám để sám hối. Trong những bộ sám này đã soạn đầy đủ các cách thức, bạn cứ tuần tự thực hành theo. Nếu cần thì bạn có thể nhờ các đạo hữu hay chư vị Tăng Ni hướng dẫn thêm chi tiết. Hãy sám hối một thời gian, đến khi nào bạn thấy thân tâm thanh thản thì kết thúc. Sau đó, chỉ cần tham dự các khóa lễ sám mỗi nửa tháng ở chùa là đủ.
Song hành với sám hối, nếu được thì bạn nên phát nguyện ấn tống kinh sách. Tùy theo khả năng mà làm, luôn động viên người khác làm, thấy ai ấn tống kinh sách thì tùy hỷ tán dương. Chính sự quy y, sám hối, tu học, làm các việc lành sẽ khiến cho tội diệt phước sinh, căn lành tăng trưởng. Phước đức ấy sẽ giúp bạn giữ vững tín tâm, thiết lập cuộc sống an lành.
Chúc các bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)