(Cẩn niệm Đại lão Hòa thượng Thích Chí Tín,
trụ trì chùa Long Sơn Nha Trang)
GN - Đúng 11g30 khuya ngày 19-9-2013, nhằm ngày rằm tháng 8, lễ hội Trung thu, được thầy Nguyên Vương nhắn tin: “Nhất tâm đảnh lễ tân viên tịch Đại lão Hòa thượng Thích Chí Tín”, tôi giật mình, sững sờ một lát với chiếc điện thoại trên tay.
Sững sờ vì mới rằm tháng Bảy, lễ hội Vu lan, nhân dịp về Giác Hải dự lễ húy nhật Bổn sư, tôi có ghé Long Sơn hầu thăm Ôn, nghe Ôn hàn huyên tâm sự thật là cảm kích và thú vị. Vậy mà… chỉ sau một tháng, rằm tháng Tám, Ôn thanh thản ra đi, không một chút ốm đau bệnh tật. Nghe nói Ôn chợt bị cảm lạnh, các thầy đánh dầu, xoa bóp và muốn đưa Ôn đi bệnh viện, nhưng Ôn nói: “Cảm cúm sơ sơ mà bệnh viện cái gì!”. Rồi Ôn hỏi: “Hôm nay có phải ngày rằm hôn?”. Thế đấy!... Đúng 20g Ôn giã từ trần cảnh, về cõi vô dư, rõ là Thiện thệ, Thiện thệ!...
Hình ảnh bình dị của Đại lão HT.Thích Chí Tín - Ảnh: Thích Hạnh Tuệ
Phải nói là tôi có chút duyên lành, được Ôn thương mến từ khi còn để chỏm. Tôi ở Phật viện Hải Đức, không phải Tỉnh Hội, vậy mà có khá nhiều kỷ niệm với Ôn. Xin nêu ra đây đôi điều mắt thấy tai nghe, gọi là niệm chút ân tình tròn nửa thế kỷ với bậc Tôn sư, Trưởng lão.
1. Yêu thương chúng điệu
Có lẽ Ôn xuất gia từ thời thơ ấu nên rất cảm thông lân mẫn với chúng điệu trong cảnh thiền môn. Lớp Tăng sinh đầu tiên được tổ chức tu học tại Tăng Học đường Nha Trang vào thập niên 1950 phần lớn do Ôn chăm lo cơm áo sách đèn và họ đã thành tựu rực rỡ về hai mặt đạo nghiệp và thế học. Đám điệu nhóc chúng tôi ở Hải Đức nhưng học Trường Bồ Đề nên thỉnh thoảng được Ôn đón đường đùa giỡn và cho bánh kẹo. Ôn đã lưu lại trong lòng tuổi thơ chúng tôi những hình ảnh gần gũi, thân thương, nồng nàn và thiêng liêng như cha mẹ.
2. Mật hạnh bao dung
Được Ôn để ý, chiếu cố từ nhỏ nên hễ có dịp là tôi ghé Long Sơn thăm Ôn, lắng nghe Ôn hàn huyên tâm sự về những chuyện thiền môn xa xưa ở Nha Trang. Sau 30-4-1975, theo thể chế giáo dục hiện hành, tôi phải về Ninh Hòa mấy lần để thu xếp việc Trường Trung học Bồ Đề, ghé đến thăm Ôn, lưu lại vài ba hôm, được tận mắt chứng kiến mật hạnh vi tế, lượng cả bao dung của Người.
Đêm hôm ấy, Ôn bắt tôi ngủ trên giường, còn Ôn thì nằm trên ghế trường kỷ đối diện. Tôi chắp tay xá xá và thưa:
- Bạch Ôn, con không dám, xin cảm ơn Ôn!
- Ơ kìa, Ôn nói, tui cho phép, đừng ngại! Tui nằm ở đâu muỗi cũng không đốt. Tất cả muỗi mòng ở núi rừng này đều là môn đồ pháp quyến của tui. Tịnh Minh nằm đây chúng khiêng đi mất!”.
Bất đắc dĩ tôi phải vâng lời. Chiếc giường của Ôn rộng khoảng một mét hai, dài khoảng một mét tám, nhưng nồi niêu xoong chảo, bánh trái dầu đèn, thúng mủng chồng chất chiếm khoảng một phần ba phía dưới chân. Tôi tự dặn lòng là phải nằm nghiêng, giữ nguyên một thế, kẻo ngay giò là đổ bể lung tung. Gần cuối đêm, chợt nghe tiếng động nhẹ, tôi mở mắt nhìn sang thì thấy Ôn vừa tuột xuống ghế, ngồi kiết-già sừng sững như môt pho tượng trên sàn nhà. Tôi khe khẽ nhỏm dậy, chắp tay xá xá, liếc nhìn đồng hồ thấy bốn giờ, và cũng công phu theo Ôn.
Đến năm giờ, Ôn xả thiền, lên tiếng gọi tôi, rồi ra sau hè nhóm lửa nấu nước, nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn sáng đạm bạc cho các Ôn, các thầy, kể cả các chú. Ngày nào cũng thế, ba lần nấu cơm, cặm cụi hoan hỷ. Thấy Ôn vất vả, đường đường là một Như Lai sứ giả: Nhập Như Lai thất, tọa Như Lai tòa, hành Như Lai sự, vậy mà nay phải kiêm nhiệm vai trò anh nuôi, ngày đêm cần mẫn, chăm chút trong ngoài, không một lời than phiền, mệt mỏi. Trong lúc hàn huyên, tôi hỏi:
- Sao Ôn không bảo chú nào giúp cho một tay?
- Thời buổi khắt khe, mình tự lo liệu, không dám nhờ vả!...
Rồi Ôn kể qua bao cuộc thăng trầm, loạn ly tang tóc. Đặc biệt là năm 1975, dân di tản từ cao nguyên chạy xuống, miền Trung tràn vào, chùa Tỉnh Hội biến thành nơi tị nạn. Người đông chen chúc, bẩn thỉu ồn ào ngay trong chánh điện. Thê thảm nhất là nhiều người ngã bệnh từ trần, bơ vơ lạc lõng. Ôn phải xoay xở cho ra quan quách, thuê người tẩm liệm tử thi, rồi chở xuống nghĩa trang Phật giáo mai táng.
Những năm sau đó, thấy dân tình khốn khổ, bệnh tật gia tăng, Ôn chắt chiu từng trái cam trái chuối, Chủ nhật nào cũng mang xuống bệnh viện làm quà cho bệnh nhân, ngõ hầu xoa dịu được phần nào cảnh cơ hàn bức bách của họ. Vì vậy mà nhác thấy hình bóng Ôn trong bộ đồ nâu bạc màu dung dị, mọi người đều chắp tay reo lên: Ông Phật đến, Ông Phật đến!... Thế đó!... Ôn đã âm thầm gieo vào lòng người bất hạnh những hạt giống từ bi trí tuệ của chư Phật.
3. Trực ngôn quyền biến
Với Phật sự nêu trên, một hôm tôi về Ninh Hòa, đến Nha Trang lúc ba giờ khuya, tôi phải ghé Long Sơn tá túc. Gõ cửa Ôn ba lần mà không nghe động tịnh, tôi bèn nằm đại trên chiếc bàn hình chữ nhật trước hiên chùa. Đến 4 giờ rưỡi, toán dân quân tự vệ năm người cầm cây ập đến, vây quanh tôi, lớn tiếng quát nạt với mặt mày dữ tợn. Tôi nói lý do và xuất trình giấy tờ tùy thân hợp lệ. Họ xem qua, hạ giọng nói: “Đúng là thầy giáo. Xin lỗi thầy! Thầy tiếp tục ngủ đi rồi sáng về Ninh Hòa”. Tôi chắp tay chào, ngỏ lời cảm ơn, và thầm nghĩ: “Tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam còn cao như núi!”.
Sáng ra, Ôn nói:
- Tui nghe gõ cửa nhưng cứ tưởng là công an đến soát chùa!
- Vậy chứ họ gõ, tôi hỏi, Ôn vẫn không mở?
- Họ làm dữ thì mình mở chứ! Họ đòi tui xuống bót cảnh sát hoài nên im được hồi nào thì im! Họ bắt tui phải cấm Phật tử đến chùa tụng kinh sám hối vào hai ngày mồng một và rằm. Tui nói các ông cấm chứ tui cấm sao được, truyền thống mà! Họ hỏi lung tung. Hỏi đâu tui đáp đó. Cuối cùng họ gắt giọng:
- Anh nói thật hay nói láo?
- Có lúc phải nói láo chớ! Tui đáp.
- Thầy chùa mà nói láo! Họ trợn mắt quát.
- Tui không nói láo thì giặc Pháp đã chặt đầu mấy ông cán bộ Việt Minh trốn trong chùa tui rồi!
- Vậy hả?... Họ là ai?
- Tui kể một loạt. Chẳng hay họ có biết ai hôn, nhưng thay đổi thái độ và xuống giọng nói: “Vậy anh là người tốt! Thôi, anh về đi! Cứ thế mà làm, nhưng phải cảnh giác bọn xấu trà trộn vào chùa nhé!”.
Ai dám bảo Ôn Long Sơn chất phác, chỉ biết đóng mở cửa chùa?
4. Kết nối thiện duyên
Nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 được tổ chức tại Việt Nam, Ôn nhờ tôi viết một tiểu phẩm về Đức Phật Thích Ca bằng tiếng Anh để biếu cho du khách, vì họ thường vô chùa lễ Phật viếng cảnh, ngắm nhìn cốt cách đặc biệt của Ôn mà chẳng có gì kỷ niệm. Theo lời yêu cầu, tôi biên soạn một tiểu phẩm dày khoảng 50 trang, khổ 14x20cm mang tựa đề: The Buddha And His Major Religious Instructions. Và từ đó, những du khách nói tiếng Anh cứ lần lượt vào chùa thăm Ôn, nhận quà lưu niệm với lòng vui hớn hở. Tiếng lành đồn xa, sau đó đa số đều mang tượng Phật trên cổ, cung kính trình Ôn, ngỏ ý xác định: “Con là Phật tử đây!” để được nhận quà. Một hôm gặp tôi Ôn khoe: Cuốn sách T.M viết tui photo ấn tống mỗi cuốn ba ngàn mà đã lên đến hơn mười lăm triệu rồi đấy! Trời ơi!... Tôi trố mắt, chắp tay xá Ôn với cõi lòng lâng lâng phơi phới.
5. Ngữ khí khôi hài
Đối với đồng môn pháp lữ, Phật tử xa gần, Ôn đều hành xử nghiêm trang trịnh trọng; nhưng với môn đệ quen thân, Ôn rất thoải mái, nói cười hoan hỷ, thư giãn khôi hài. Có lần Ôn hưng phấn nói: B52 Mỹ chỉ có khả năng bắn phá thành lũy, gây đau thương tang tóc cho chúng sanh, chứ không thể triệt tiêu định kiến của con người. Chính vì thế mới có cái gọi là thánh thần thánh chiến, khủng bố khủng hoảng, chủ nghĩa chủ thuyết ì-xèo!... Ôn vỗ tay cái bốp và cười thoải mái.
Còn việc di dời nghĩa địa, Ôn luận tiếp, nghĩa địa nào? Cái nghĩa địa tuy nhỏ nhưng dung lượng to lớn nhất, bất tịnh nhất, ngày đêm vùi lấp không biết bao nhiêu thân xác chúng sanh, vậy mà nó ít khi được cải tạo, di dời! Nghĩa địa đó ở mô? Đây này!... Ôn đưa ngón tay trỏ gõ gõ cái bụng, nói: Nếu không chay lạt thì vạn loại hữu tình cứ mặc nhiên mà ngàn thu vĩnh biệt ở cái nghĩa địa này. Đúng hôn?...
Chưa hết, thiên hạ có cày mà không có ruộng nên mới đòi quyền người cày có ruộng. Còn chúng ta… ruộng đồng phì nhiêu, cày bừa tinh xảo, vậy mà cứ thích vác cày đi chơi chứ chẳng thiết việc gieo trồng canh tác. Ôn lại cười thích thú!... Các thầy thấy đấy, chùa nào Tăng chúng đông, chùa đó nhiều đồng ruộng. Vì sao? Vì: “Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, ngã kim đảnh đới thọ, thế thế bất xả ly”. Có nhiều ruộng phước như thế mà không ra sức cày bừa trồng trọt thì thật là oan uổng. Ôn lại ngả lưng ra ghế cười hả hê. Chúng tôi ai nấy đều mát ruột, nhìn đồng hồ, chắp tay xá Ôn và xin cáo lui.
Ra khỏi cửa, tôi cất lời cảm thán: “Nghe Ôn hàn huyên khôi hài mới thấy thế nào là kiến thức với trí tuệ, nhục nhãn với huệ nhãn. Biết đâu Lục tổ Huệ Năng phân thân thị hiện tại Long Sơn tự này!”. Anh em đều cười, tỏ vẻ đắc ý.
Kính lạy Giác linh Ôn, Ôn đã suốt đời tinh tu khổ hạnh, trải thân phụng sự chúng sanh, vươn tay kết nối duyên lành, vô ngại tùy cơ nhiếp hóa. Ôn đã đi trọn đoạn đường nhân thế, tâm tư rỗng lặng chan hòa, quét chùa tưới nước cắm hoa, mật hạnh ngát hương giải thoát. Hy hữu thay!...
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10-10-2013
Tịnh Minh
Tin, bài liên quan: