GN - Tết cổ truyền vừa qua, tiếp theo rằm tháng Giêng đến, ắt hẳn người con Phật sẽ cảm nhận một mùa xuân trọn vẹn, một Tết Nguyên tiêu trong lành, an lạc nếu như ở chùa không còn cảnh ngạt thở vì khói hương, khói vàng mã, cảnh chèo kéo chào mời ngay từ cổng chùa…
“Khủng hoảng” vì khói
Nhiều năm qua, chuyện đốt nhang quá nhiều ở các chùa vào các dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tết và rằm tháng Giêng năm nay, tại các ngôi chùa lớn ở miền
Cảnh buôn bán mất mỹ quan trước cổng chùa - Ảnh: Vũ Giang
Đốt nhang nhiều một cách… khủng hoảng tại các lễ hội lớn là hiện tượng cũ, bởi nhiều năm nay, các vị trụ trì, Ban Tổ chức cũng chú ý hơn đến việc giải thích cho Phật tử, người dâng hương chỉ dùng 1 đến 3 cây nhang. Thế nhưng, hầu như các dịp lễ hội, lễ lớn như Tết, rằm tháng Giêng, Vu lan vẫn là cảnh tượng nhang đốt từng bó cứ diễn ra. Thậm chí những chùa cho dựng bảng kêu gọi “chỉ đốt từ 1 đến 3 cây nhang” tại khu vực trong chùa thì ngay dưới tấm biển vẫn cắm đầy… nhang, hình ảnh phản cảm này không phải là hiếm.
Hiện nay, trước nguy cơ ngộ độc về khói, cháy nổ do đốt quá nhiều nhang, giấy vàng mã có thể xảy ra, nhiều chùa đã dùng đến lực lượng tự quản, bảo vệ... đứng cạnh những bát nhang để rút bớt đi ngay khi người đi chùa vừa thắp xong, hoặc bố trí người chặn ngay tại cổng phát nhang hoặc lấy bớt nhang lại. Song, dù là tích cực bỏ nhiều công sức đến đâu thì biện pháp này cũng không kiểm soát nổi khi cao điểm có chùa Phật tử đến dâng hương lên đến hàng chục ngàn lượt người.
Nhìn nhận vấn đề này, HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát TƯGH, Phó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM cũng xác nhận, hiện nay Phật tử, người dân đến chùa đốt nhang từng bó vẫn còn diễn ra rất nhiều tại các ngôi chùa trên địa bàn. Chùa Phổ Quang – Nhà Văn hóa Truyền thống Phật giáo TP (Q.Tân Bình), ngôi chùa do Hòa thượng là thành viên Ban Quản trị cũng phải cho dời bát nhang lớn ra khỏi khu vực đài Quán Thế Âm bởi khối lượng nhang khách đến lễ cắm vào quá nhiều... Chùa cũng thường xuyên bố trí người đứng rút nhang bớt đi ngay khi Phật tử vừa thắp xong.
Theo Hòa thượng, việc đốt nhang nhiều, Giáo hội không cấm, nhưng khuyến khích mọi người không nên đốt nhiều vì ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng hỏa hoạn ở những ngôi chùa có mái thấp, cúng nhiều nhang đèn có thể xảy ra rất cao.
TT.Thích Duy Trấn, Phó ban Hoằng pháp THPG TP.HCM, trụ trì chùa Liên Hoa, Q.11 cho rằng việc thắp hương nhiều đã là thói quen của nhiều người đi chùa, đặc biệt là Phật tử người Hoa. Việc vận động thắp nhang ít đi là rất khó khi họ chưa được hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc thắp hương, đi chùa cầu nguyện. Khi họ chưa hiểu rõ từ gốc rễ thì rất khó nâng cao ý thức về việc này.
Đến chùa rồi lại … thương chùa
Ngoài việc đốt nhang, vàng mã “quá tay”, hay xoa lên mặt, lên đầu tượng... còn thêm cảnh tượng hàng quán bày bán gây mất mỹ quan chốn linh thiêng. Qua thực tế của phóng viên tại các chùa mùa Tết, rằm này, tại các chùa như: Phước Hải (Q.1), Vĩnh Nghiêm (Q.3), Việt Nam Quốc Tự, Ấn Quang (Q.10), Phổ Quang (Q.Tân Bình), Bát Bửu Phật Đài (H.Bình Chánh)… nhiều hàng quán hoa trái, nhang đèn, quà lưu niệm, đặc biệt là sách bói toán bày bán công khai, chiếm cả lối đi chính vào chùa. Thậm chí có chùa, ngay cả lối đi lên chánh điện cũng bị hàng sách bói chiếm dụng. Không những thế, đội ngũ bán vé số, “người ăn xin” cũng về bám trụ trong những ngày này làm một số chùa vào giờ cao điểm trở nên “sầm uất” bởi cảnh người mua, kẻ bán.
Sách bói toán được bày bán ngay trước lối đi lên chánh điện - Ảnh: Vũ Giang
HT.Thích Thiện Tánh cho biết, ở chùa Phổ Quang, đội ngũ buôn bán trước đây còn chiếm cả vào trong sân chùa, sau khi chùa thành lập Ban Bảo vệ để giữ an ninh, trật tự thì họ dời ra ngoài cổng nhưng cũng lấn chiếm cả lối đi, gây mất mỹ quan cho chùa. Trước tình trạng này, nhiều lần Ban Quản trị đã kết hợp với Công an phường 2, Q.Tân Bình quyết tâm dẹp để trả lại mỹ quan cho chùa nhưng rồi qua nhiều lần bị “hốt sạch” thì sau đó nạn buôn bán lại “mọc” lên như cũ.
Cũng theo HT.Thích Thiện Tánh, giải pháp chùa đưa ra nhằm hạn chế cảnh buôn bán mất trật tự là cho làm ki-ốt, nhưng rồi những ki-ốt đó trở thành nơi chứa đồ, không ai chịu bán ở đó với lý do “thu nhập kém”. Sau nhiều nỗ lực để đem lại mỹ quan cho chùa, tình trạng buôn bán chiếm lối đi hiện nay ở chùa Phổ Quang vẫn diễn ra như cũ. Hòa thượng cũng cho biết: “Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, như chùa Vĩnh Nghiêm cũng bị đội ngũ buôn bán lấn chiếm lên đến... sân thượng trước chánh điện. Hỏi TT.Thích Thanh Phong thì thầy nói cho bán mùa này thôi vì thấy ai cũng nghèo, cũng khổ”.
Ngay cả cổng chùa Ấn Quang, nơi đặt Văn phòng BTS THPG TP.HCM cũng bị hàng quán lấn chiếm lối đi, làm mất mỹ quan cũng như mỗi khi xe ra vào bị hạn chế tầm nhìn. HT.Thích Nhật Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS THPG, trụ trì chùa Ấn Quang cũng đề nghị các ngành hữu quan giúp đỡ để ổn định cảnh quan trước cổng chùa bởi lẽ đây là di tích văn hóa cấp TP, Văn phòng BTS THPG và là một ngôi chùa danh tiếng trong lòng của rất nhiều Phật tử thành phố.
Có một ngôi chùa dám “hy sinh”
Chùa Liên Hoa, một ngôi chùa người Hoa nằm trong con hẻm trên đường Thái Phiên thuộc P.8, Q.11 có lẽ là một trong số ít chùa ở TP.HCM vận động triệt để, làm thay đổi thói quen của người đi lễ chùa. Họ đến chùa tuyệt đối không đốt vàng mã và chỉ thắp 1 cây nhang cúng Phật.
TT.Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa cho biết, thời điểm thầy quyết định làm cuộc “cách mạng nhỏ” quyết thay đổi nhận thức và hành động của Phật tử là vào năm 1998. Lúc ấy, thầy cho dán thông báo trước chùa: Các Phật tử vào chùa cúng vong linh xin miễn đốt giấy tiền vàng mã để chuyển thành tiền thật giúp đỡ cho người nghèo.
TT.Thích Duy Trấn cho biết thêm, sự quyết liệt ở chỗ là thầy mạnh dạn dám “hy sinh”, dám quyết tâm “thắt lưng buộc bụng” bởi biết chắc rằng Phật tử sẽ bỏ chùa ra đi. Và, thực tế đúng như vậy, lớp lớp Phật tử thân thiết cũng bỏ chùa đi nơi khác nhưng thầy kiên trì hàng ngày, hàng giờ sẵn sàng giải thích từng chi tiết cho Phật tử nếu có thắc mắc, rồi giảng giải bất cứ khi nào có điều kiện, thậm chí có lúc chùa phải nhờ đến những người lớn tuổi, có uy tín để giảng giải cho từng người. Cuối cùng, Phật tử cũng hiểu ra và quay về chùa cùng đồng hành với thầy, khuyến khích nhiều người khác cùng thực hiện.
Hiện nay, sau 7 năm chùa Liên Hoa thực hiện mỗi người chỉ thắp 1 cây nhang và 14 năm không đốt vàng mã, Phật tử đã hiểu và đồng hành cùng thầy trụ trì. Thay vì đốt nhiều nhang, vàng mã họ để dành tiền để đóng góp từ thiện. Hơn 10 tỷ đồng từ việc ý nghĩa này đã thiết thực giúp đỡ người nghèo neo đơn, trao học bổng, tặng áo quan… cho rất nhiều đối tượng.
HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM: Việc đốt nhang từng bó, đốt vàng mã, cảnh buôn bán gây mất mỹ quan ở các ngôi chùa hiện nay không phù hợp với chủ trương của Giáo hội. Chúng tôi đề nghị các Ban Đại diện, các vị trụ trì có hình thức giải thích, giảng giải trong các buổi thuyết pháp để Phật tử hiểu nhằm hạn chế đốt vàng mã, đốt hương nhiều để bảo đảm sức khỏe, hạn chế khả năng hỏa hoạn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các vị trụ trì, Ban Quản trị phải kết hợp giữa các ngành chức năng kiên quyết có biện pháp đối với những người buôn bán gây mất mỹ quan trong khuôn viên, trước cổng chùa. |