Cảo thơm còn lưu mãi

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1136 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1136 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đã tròn 21 năm kể từ ngày Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1921-2000) dừng bước du hóa trên cõi nhân gian, thế nhưng di sản tinh thần của ngài vẫn còn lưu lại mãi để làm nơi y cứ cho sự tu học của hậu nhân.

Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, ở khắp 3 miền, nếu như sự ra đời của những tờ báo Phật giáo như: Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ,… được xem như là cách hữu hiệu để đưa Chánh pháp đi vào quần chúng, thì chính các lớp Phật học, Phật học đường được tổ chức quy củ theo mô hình giáo dục mới đã góp phần tạo nên một thế hệ Tăng tài làm rường cột để hiện đại hóa, xây dựng lại vững chắc ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Thanh Kiểm nằm trong số những học tăng thế hệ đầu tiên ở miền Bắc xuất thân từ các trường đào tạo Phật học theo hướng mới ấy. Đến năm 1953, chương trình đào tạo Tăng tài cho Phật giáo được Tổng hội Phật giáo Việt Nam khởi xướng. Hòa thượng Thích Thanh Kiểm cùng Hòa thượng Thích Tâm Giác đã được Giáo hội Tăng-già Bắc Việt đề cử lên đường du học Nhật Bản.

Tại đây, ngài theo học chương trình cử nhân rồi tiến sĩ Phật học tại Đại học Rissho trong suốt 8 năm. Có lẽ, cũng chính từ quá trình tham học tại các chốn Tổ danh tiếng khắp miền Bắc, đến khi bước chân vào lớp Phật học rồi du học tại xứ người đã hun đúc cho Hòa thượng Thích Thanh Kiểm kiến văn rộng rãi và uyên thâm về Phật học.

Suốt những năm tháng kể từ sau khi trở về từ Nhật Bản cho đến lúc giã từ cõi tạm, mặc dù đảm đương nhiều trọng trách, gánh vác Phật sự chung, nhưng Hòa thượng Thích Thanh Kiểm vẫn dành thời gian cho việc đào tạo Tăng tài, phiên dịch, biên soạn nhiều tác phẩm Phật học với nội dung uyên áo, nhằm làm chỗ y cứ cho người học Phật. Năm 2020, nhân tưởng niệm 20 năm, các sách của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã được các đệ tử của ngài sưu lục, tập hợp và in thành bộ Thanh Kiểm toàn tập.

Thanh Kiểm toàn tập do Vĩnh Nghiêm tùng thư thực hiện và ấn hành

Thanh Kiểm toàn tập do Vĩnh Nghiêm tùng thư thực hiện và ấn hành

Thanh Kiểm toàn tập gồm 8 tác phẩm, dịch phẩm: Kinh Viên giác, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Thiền lâm bảo huấn, Luật học đại cương, Khóa hư lục, Đại ý kinh Pháp hoa, Sách dạy cắm hoa Nhật Bản ngành Sògetsuryu. Các cuốn sách này đã được Hòa thượng Thích Thanh Kiểm trước tác, phiên dịch qua nhiều giai đoạn trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, đã được xuất bản, tái bản nhiều lần, được sử dụng làm tài liệu tham khảo tại các trường Phật học, lớp giáo lý cho Phật tử.

Các trước tác của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm thường có tính hàm súc, gãy gọn về mặt câu chữ, cô đọng về ngữ nghĩa. Đối với các chú giải kinh, luật, ngài thường chú trọng vào việc đi thẳng vào giải thích, phân tích nghĩa lý chứa đựng trong kinh, chứ không đi sâu vào những đánh giá, phân tích mang tính chủ quan cá nhân.

Trong số các tác phẩm thuộc Thanh Kiểm toàn tập, có một cuốn sách khá đặc biệt, đó là Sách dạy cắm hoa Nhật Bản ngành Sògetsuryu. Cuốn sách này trình bày tổng quát về phương pháp cắm hoa của ngành Sògetsuryu, tức Thảo Nguyệt Lưu, một trường phái hoa đạo thịnh hành bậc nhất tại Nhật Bản.

Trong văn hóa Nhật Bản, rất nhiều bộ môn nghệ thuật được nâng tầm lên thành “đạo”, chứa đựng trong đó những triết lý về nhân sinh, tự nhiên,… Hoa đạo cũng là một bộ môn như vậy. Sách dạy cắm hoa Nhật Bản ngành Sògetsuryu đặc biệt bởi đó là “một cuốn sách dạy cắm hoa của một nhà sư”, đồng thời cũngcó thể được xem như là một dấu ấn giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc của bậc cao tăng uyên bác của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, đã từng có những tháng năm dài gắn bó với xứ sở Phù Tang.

Được xuất bản năm 2020, Thanh Kiểm toàn tập (8 tập) là một trong số những tác phẩm nằm trong Vĩnh Nghiêm tùng thư do Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế thuộc Ban Phật giáo quốc tế T.Ư GHPGVN chủ trương. Trung tâm do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng khoa học, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế - Tài chánh Trung ương là Giám đốc, thu hút hơn 130 Tăng Ni, học giả là tiến sĩ, nghiên cứu sinh Phật học trong nước và cả ở nước ngoài.

Bên cạnh việc phiên dịch kinh điển, các tác phẩm nghiên cứu Phật học nước ngoài ra tiếng Việt, hỗ trợ các học giả nghiên cứu trước tác, đào tạo đội ngũ biên phiên dịch,… Trung tâm còn tổ chức in ấn các tác phẩm nghiên cứu Phật học có giá trị được phiên dịch sang tiếng Việt, tạo thành tủ sách Vĩnh Nghiêm tùng thư. Một số tác phẩm thuộc Vĩnh Nghiêm tùng thư đã được xuất bản như: Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm, Tìm hiểu Bồ-tát Quán Thế Âm, Tịnh độ tại nhân gian, Tổng tập lịch sử Phật giáo Ấn Độ,…

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế sẽ thực hiện phiên dịch bộ Tịnh độ gồm 138 cuốn từ tiếng Trung và Anh ra tiếng Việt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày