GN - Hướng đến kỷ niệm 35 năm ngày thành lập GHPGVN, Ban Văn hóa T.Ư phối hợp với Ban Nghi lễ T.Ư tổ chức hội thảo chủ đề “Văn hóa Phật giáo VN - thống nhất trong đa dạng”, với sự tham dự của chư vị Tăng Ni, các chuyên gia độc lập cũng như các ngành, viện thuộc hệ thống nhà nước.
Nói đến văn hóa Phật giáo Việt Nam - phạm vi quá rộng lớn, do đó hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan tới kiến trúc, ngôn ngữ và di sản Phật giáo, song chính yếu vẫn là bàn về… chiếc áo - hình thức của người tu sĩ, đâu là dấu hiệu để nhận diện một tu sĩ Phật giáo Việt Nam, từ sắc phục hàng ngày, y phục sinh hoạt nội tự, giầy dép cho đến pháp phục, các loại mão… thể hiện được giới phẩm, thứ bậc, vị trí của người mang nó trong cộng đồng Phật giáo cũng như khi tham dự các sự kiện quốc tế.
Phật giáo TT-Huế quy định sắc màu thống nhất đối với chư Tăng
Chiếc áo - chuyện nhỏ của đời thường
Chiếc áo, tưởng là chuyện nhỏ, chuyện đã “ngày xửa ngày xưa” với Phật giáo Việt Nam có lịch sử hai ngàn năm, được cho là gắn bó mật thiết với truyền thống dân tộc, nhưng xem ra không phải vậy. Ai cũng có áo mặc, ai cũng có thể có áo đẹp, và như một con người với nhiều mối bận tâm khác, ít khi nhìn lại mình đang mặc gì và mặc như thế nào.
Người viết nhớ lại trong bài nói chuyện nhân lễ tốt nghiệp của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Giáo sư Cao Huy Thuần, một trí thức Phật giáo từ Pháp về tham dự, đã tế nhị khi đề cập đến hình thức lễ phục tốt nghiệp của Tăng Ni, rằng lễ phục tốt nghiệp mà họ đang bận trang trọng trong năm đó lại manh nha từ… chiếc áo chùng của thầy tu nhà thờ - thế kỷ XII, XIII ở châu Âu.
Một cách thâm thúy, qua cách dẫn chuyện rất hài hước và thu hút, Giáo sư Thuần đã đề cập đến tinh túy của việc học Phật, của Phật giáo nói chung, đó là sự tu tập, là đạo đức và trí tuệ, dấn thân phụng sự cuộc đời trong tỉnh thức. Khi đã có sự tu tập, đã có đạo đức và trí tuệ thì chiếc áo nào cũng chỉ là phương tiện nhất thời, không đáng bận tâm!
Trở lại câu chuyện của hội thảo. Khó có thể hình dung rằng, sau hai ngàn năm du nhập và gắn bó với dân tộc, được cho là tôn giáo, tư tưởng góp phần quan trọng xây dựng nên nội hàm văn hóa dân tộc, hôm nay lại loay hoay bàn về… chiếc áo nào là phù hợp với mình, mang “đặc trưng” dân tộc của truyền thống Phật giáo Việt Nam?
Nhìn lại thực trạng
“Có người nhân danh truyền thống, nhưng lại tùy tiện làm theo sở thích của mình, hoặc ảnh hưởng văn hóa của một nước nào đó, mà không tìm về những gì đã có trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam, lựa chọn những điều phù hợp mà tiền nhân chúng ta đã chắt lọc và ứng dụng. Ngay cả trong sinh hoạt của Giáo hội mà chúng tôi có dịp tham dự cũng thấy sự hiện tượng đó. Nhìn rộng ra lĩnh vực nghi lễ cũng thấy như vậy. Tình trạng trên tạo cho người quan sát và nghiên cứu văn hóa thấy rằng hiện nay chúng ta không kế thừa những thành tựu mà chư tôn đức thời Chấn hưng Phật giáo, trong đó có những chuẩn mực về pháp phục mà Giáo hội Tăng-già toàn quốc đã đề ra từ năm 1952 tại chùa Quán Sứ - Hà Nội”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, một trong những người tham dự hội thảo chia sẻ.
Ông Sơn cũng đề xuất, là một tổ chức tôn giáo, Giáo hội nên có những hướng dẫn, quy định tối thiểu về pháp phục của các thành viên thuộc Giáo hội, làm sao vừa thể hiện được tinh thần đạo Phật là giản dị, đừng quá xa lạ với tôn giáo có lịch sử gắn bó với dân tộc hai ngàn năm, lại vừa thể hiện được tính thống nhất của một tổ chức tôn giáo truyền thống, làm chỗ dựa về đạo đức, tín ngưỡng cho đông đảo tín đồ.
“Đừng nói xa xôi, hiện chúng ta đề cao và tôn vinh Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, chí ít chúng ta nên học theo tấm gương của ngài qua hạnh tu giản dị: “Mặc cà sa, nằm trướng giấy / Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương /Quên ngọc thực, bỏ hương giao / Cắp nạnh cà một vò tương một hũ...”, đồng thời được thể hiện cụ thể qua hình tượng của ngài còn lại - chính đó là di sản quý của tiền nhân mà chúng ta nên kế thừa...”, ông Trần Đình Sơn nói.
Mấy năm trở lại đây, với sự tự phát của các cơ sở may mặc tư nhân, bên cạnh trang phục, pháp phục cho tu sĩ, đáp ứng nhu cầu của thị trường, họ còn chế ra nhiều loại y phục đi chùa cho đối tượng cư sĩ, trong đó có nhiều mẫu được chế từ thường phục truyền thống của người tu như áo vạt khách (vạt hò), áo tràng màu nâu. Nhiều câu chuyện oái oăm nhầm lẫn giữa tu sĩ và cư sĩ cũng đã xảy ra, như trường hợp có nhiều cư sĩ cạo đầu, mặc thường phục tu sĩ (vạt hò), hoặc áo tràng nâu khiến nhiều người tưởng nhầm là tu sĩ, trong lúc đó họ có những hành vi đời thường của người tại gia, như vợ chồng chở nhau xe máy, nam nữ thương yêu nhau có những cử chỉ chăm sóc thân mật giữa nơi công cộng, v.v…
Hiện nay, có thể nói, không quá khó để có thể sắm những bộ pháp phục tu sĩ, từ hàng phổ thông cho đến hàng gấm vóc quý hiếm giá cao ngất ở các cơ sở may mặc pháp phục nhan nhản. Ai cũng có thể mua sắm, và có thể trở thành “thượng đế” - đặt hàng theo yêu cầu và sử dụng theo ý mình. Trên tuần báo Giác Ngộ cũng đã có phản ánh về hiện tượng một số tu sĩ trẻ tùy tiện trong việc sử dụng pháp phục và thi hành pháp sự - điều đó được TT.Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP.Hồ Chí Minh cho là việc không tốt (bất tường, theo lời của người xưa).
Nhiều ý kiến cho rằng, đó là vấn đề thuộc về ngành Tăng sự - quản lý Tăng Ni của Giáo hội.
Nội quy do Ban Tăng sự Trung ương ban hành, tại chương X dành cho nội dung “Sắc phục Tăng Ni” đã đề cập, do GHPGVN là tổ chức của nhiều truyền thống hệ phái nên cũng tôn trọng nét đặc thù.
“Riêng sắc phục Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông vốn có sự khác nhau theo từng khu vực địa phương và thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của Phật giáo về mặt tổ chức, nay quy định thống nhất sắc phục Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông GHPGVN trong cả nước gồm 3 hình thức: lễ phục, giáo phục, thường phục.” - Bản Nội quy đề cập. Tuy nhiên, quy định này cũng mang tính chung chung, chẳng hạn sắc màu của lễ phục được quy định là vàng, nhưng không biết sắc độ vàng thế nào (màu vàng có thể có vô số sắc độ, chất liệu...); và lễ phục chỉ sử dụng trong các buổi lễ của đạo Phật, nhưng lại không phân định lễ gì, quy mô, hành chánh hay tâm linh, tín ngưỡng…
Có một sự nhập nhằng khác nữa, quy định nêu rõ cư sĩ không được mặc y phục tu sĩ, nhưng trong nội dung sắc phục dành cho cư sĩ lại cho rằng lễ phục của cư sĩ gồm áo tràng nâu (chỉ có chi tiết khổ tay hẹp hơn áo dành cho tu sĩ, nhưng hẹp bao nhiêu thì không thấy nói, và chi tiết này rất khó phân biệt), được mặc áo vạt hò - thường phục của tu sĩ; Nội quy cũng có đề cập “hình thức thường phục được áp dụng chung cho Tăng, Ni các hệ phái, nhưng tránh tình trạng xen lẫn giữa các hệ phái với nhau”, trong thực tế, người mới vào tập sự xuất gia Hệ phái Khất sĩ lại mặc thường phục của tu sĩ Bắc tông, v.v…
Để cụ thể hóa quy định về lễ phục (y hậu của Tăng sĩ truyền thống Bắc tông), nhằm thể hiện sự thống nhất, từ năm 2005 Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh đã có quy định sắc độ vàng của lễ phục Tăng Ni là tông vàng đất, và việc đó đã được đa số hưởng ứng trong các lễ nghi của Giáo hội. Ban Trị sự GHPGVN Thừa Thiên Huế cũng có quy định về sắc độ vàng nghệ sáng của y hậu thống nhất theo mẫu đưa ra đối với Tăng và Ni, và đã được thực hiện trong các kỳ sinh hoạt đặc thù của Tăng-già như bố-tát, quá đường chung, Tự tứ… tạo nên tính trang nghiêm của Tăng đoàn.
Thiết nghĩ, việc đó có thể nhân rộng, trước hết là cho hệ phái Bắc tông - hệ phái có nhân sự chủ lực thuộc Giáo hội, và cũng nên có quy định rõ ràng hơn về lễ phục của cư sĩ, đừng để nhập nhằng như đã nói, gây nên sự lộn xộn, mặc nhiên cho các cơ sở may mặc tư nhân tùy tiện làm gì thì làm, Phật tử thích mặc gì thì mặc, không có sự hướng dẫn phù hợp, để xảy ra tình trạng đáng tiếc. Điều này cũng tương tự như vụ việc hình tượng các linh thú, các cơ quan chức năng lên án, chỉ trích nhưng rồi bỏ ngỏ, đâu lại vào đấy, không có sự hướng dẫn, để mặc cho các cơ sở sản xuất tư nhân “định hướng” văn hóa, biến tấu theo sở thích, đưa đến tình trạng hỗn loạn hình thức.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng không có chiếc áo thì cũng khó nhận diện thầy tu, nếu xem hình thức là phương tiện thì không nên xem thường cái phương tiện ấy, đó là chưa xét về phương diện văn hóa, vì hình thức cũng giới thiệu nội dung phần nào. Cứ nói là truyền thống Việt Nam, bản sắc dân tộc, nhưng hình thức ăn mặc lại nguyên xi kiểu mẫu Trung Hoa, Đài Loan… thì thật khôi hài!
Chư Tăng TP.HCM trong pháp phục thống nhất bố-tát tại chùa Ấn Quang (Q.10) - Ảnh: B.Toàn
Triết lý về pháp phục của người xuất gia vốn đã có trong Luật tạng, cốt lõi của y phục Tăng Ni nói chung ở sự giản dị, không phô trương. Xuất phát từ Ấn Độ, Phật giáo du nhập vào các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, có sự tiếp biến, thay đổi về kiểu dáng, cả sắc màu. Với Phật giáo Việt Nam, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đã và đang chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo Trung Quốc - dù muốn hay không, trong đó có kiểu cách lễ phục của Tăng Ni.
Cũng như nghi lễ, chúng ta có sự ảnh hưởng nội dung tín ngưỡng Trung Quốc do yếu tố lịch sử, nhưng có sự tiếp biến, thể hiện rõ nhất trong âm điệu tán tụng đặc thù dân tộc, mà cố Giáo sư Trần Văn Khê đã từng nghiên cứu, chỉ ra. Cũng kiểu dáng ấy, nhưng tiền nhân chúng ta đã có sự tiếp biến, có những màu sắc phù hợp, nên được tiếp thu và kế thừa, cụ thể hóa qua các quy định về Tăng sự.
Thích Pháp Hỷ
* Bạn đọc Giác Ngộ có ý kiến gì về vấn đề này? Xin hoan hỷ viết ý kiến, góc nhìn gửi về: toasoan@giacngo.vn hoặc baogiacngo@yahoo.com.