Cầu siêu vì lòng từ bi

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM gia trì một khóa lễ cầu siêu
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM gia trì một khóa lễ cầu siêu
0:00 / 0:00
0:00
GN - Cầu siêu, cầu nguyện cho người chết sinh về cõi lành là một Phật sự phổ biến trong Phật giáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin điều này. Tin hay không là quyền của mỗi người, riêng tôi thì vẫn thường xuyên cầu nguyện cho các vong linh. 

Tôi xin chia sẻ tại sao tôi làm việc này.

Một số người có quan niệm rằng, đạo Phật là đạo của người sống chứ không phải đạo của người chết, cho nên chủ trương chỉ hóa độ người sống và phủ nhận hay thậm chí lên án việc cầu siêu cho người chết, cho rằng đó là mê tín, là trái với đạo Phật. Đúng là đạo Phật chủ trương độ sinh. Tuy nhiên, Đức Phật cũng đâu có cấm chúng ta độ tử. Nếu việc cầu siêu cho người qua đời là sai trái hay mê tín thì Đức Phật đã đưa vào trong giới cấm rồi. Nhưng rõ ràng không có bài kinh hay điều luật nào đề cập đến việc Đức Phật không cho độ tử. Điều này cho thấy rằng việc siêu độ cho người đã khuất nếu không phải là việc làm chính yếu của người tu thì nó cũng vô hại, và do đó người ta có thể thực hiện nếu như họ muốn hay cảm thấy cần thiết.

Có một điều chúng ta không thể phủ nhận: chết không phải là hết. Thời Đức Phật còn tại thế, ngài Mục-kiền-liên, bằng thần thông của mình, đã thấy rất nhiều ngạ quỷ trong hư không chịu nhiều thống khổ như là kết quả của ác nghiệp mà họ đã làm. Vào thời nhà Tống (Trung Quốc), ngài Bất Không Tam Tạng ở núi Mông chuyên tu Mật giáo, do nhìn thấy các loài ngạ quỷ đói khát, với lòng từ bi nên ngài đã cho họ ăn uống và đọc những câu thần chú để mỗi loài tự cảm thấy no đủ. Nhân đó, ngài đã soạn ra nghi thức Mông sơn thí thực để cúng thí cô hồn. Theo truyền thống đó, ngày nay hầu hết các chùa Bắc tông đều tụng Mông sơn thí thực vào thời công phu chiều mỗi ngày để mà cúng thí cho vong linh và các loài cô hồn. Tôi nghĩ rằng, cầu siêu không phải là một việc làm mê tín mà là thể hiện lòng từ bi của người đệ tử Phật, cứu giúp vong linh cũng cần thiết như cứu giúp những người sống hiện tại vậy.

Những người bài bác cầu siêu vì cho rằng đó là việc làm không thực tế vì chưa chắc cõi đó có thật. Thật ra cứu giúp ai là quyền của mỗi người. Ngay cả đối với người còn sống cũng vậy, người ta có quyền giúp hay không giúp. Nhưng nếu nghĩ rằng vì ta không biết cõi âm có hay không nên không giúp thì coi chừng ta đã quá vô tâm. Con người chết do nhiều lý do như chiến tranh, tai nạn, nghèo đói, bịnh tật, sát hại, tự tử… Họ chết nhưng không cam tâm, vì nặng nghiệp mà trở thành cô hồn, ngạ quỷ đói khát, bị đọa đày trong cảnh tối tăm. Họ cần lắm sự thương tưởng, quan tâm và nhất là những lời cầu nguyện của người còn sống. Ấy thế mà chúng ta đâu có thấy họ, đâu có nghe họ nói. Ta thử hình dung họ đã nhìn ta một cách tuyệt vọng như thế nào. Khi có người gửi tên cầu an cầu siêu vô chùa, thầy chúng tôi dạy rằng tên cầu an thì có thể đọc qua một lần cũng được, vì khi họ làm phước thì tự nhiên họ sẽ được an; nhưng tên cầu siêu phải đọc thật thành tâm để gửi năng lượng thiện lành cho họ và đọc nhiều lần cho vong linh ở thế giới bên kia nghe gọi tên mình mà thức tỉnh, rằng họ biết họ đã từ giã cõi trần mà trở về nương tựa Tam bảo.

Thật ra một người nếu biết nghĩ đến những chúng sinh ở cõi khác thì chắc chắn người ấy sống rất có tâm đối với mọi người và xã hội chứ không chỉ biết cúng kiếng cho người chết mà thôi. Bởi ngay cả những người họ không thấy mà còn thương thì làm sao họ không thương những cảnh khổ mà họ thấy rõ ràng trước mắt. Hơn nữa bởi họ biết rằng sẽ không thể giúp được gì nhiều sau khi chết đi nên họ càng đối xử với nhau thật tốt khi còn sống. Kế đó, họ sẽ động viên nhau tu hành để sau khi chết sẽ không trở thành cô hồn ngạ quỷ chịu đói chịu khổ. Cho nên cầu siêu tuy là việc làm dành cho người đã mất nhưng vẫn chứa đựng trong đó giá trị đạo đức và nhân văn rất thâm trầm và sâu sắc vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày