Chàng nghiên cứu sinh & con đường học Phật

GN - Nguyễn Mạnh Đạt từ Mỹ trở về quê hương thực hiện nghiên cứu cho luận án tiến sĩ, thuộc khoa Nhân học, Đại học Boston (Massachusetts), với đề tài về Phật giáo Việt Nam: “Những đứa con của Phật: Con đường chuyển hóa thân tâm”.

Chàng nghiên cứu sinh 25 tuổi đã gây bất ngờ cho rất nhiều người thân, bạn bè khi tham dự khóa tu xuất gia gieo duyên tại chùa Giác Ngộ (Q.10, TP.HCM). Luôn tự nhận mình “cứng đầu”, “sính ngoại”, “mắc bệnh nghiên cứu sinh” và cũng đã sống ở Mỹ gần 10 năm, vậy mà giờ quyết định dấn thân sâu vào con đường học Phật, đến với đạo Phật không chỉ với tư cách một người nghiên cứu mà Đạt muốn trở thành một hành giả thật sự...

a PGTT GN 899.jpg


Nguyễn Mạnh Đạt (đứng, thứ 3 từ phải qua)
trong một lớp học về lý thuyết nhân học nâng cao - Ảnh: NVCC

Từ không hứng thú với Phật giáo…

Nguyễn Mạnh Đạt đến Mỹ từ khi là một học sinh cấp 3, bạn đã trải qua cuộc sống như một người Mỹ và đã từng là con chiên ngoan đạo. Gia đình bố mẹ nuôi của Đạt là người Mỹ có truyền thống Công giáo. Cùng với bố mẹ nuôi, Đạt tham gia hầu hết các lớp giáo lý, các buổi đọc kinh Thánh với niềm tin mãnh liệt.

Tuy nhiên, cuộc sống luôn là một chuỗi bất ngờ kỳ lạ: khi Đạt lên đại học, một vị giáo sư người Mỹ, cũng là một vị thiền sư theo Hệ phái Tendai của Nhật Bản đã gieo duyên để bạn biết đến Phật giáo trong lớp học lịch sử, triết học Phật giáo do chính giáo sư đứng lớp. Lúc đó, Đạt mới ngỡ ngàng: “Sao Phật giáo hay quá vậy, mà trước giờ mình không biết. Rồi tôi yêu thích, tìm hiểu mối quan hệ văn hóa Nhật Bản và Phật giáo. Cho đến một ngày, tôi tự hỏi, còn Phật giáo Việt Nam thì sao, có giống nước bạn không? Tôi mày mò đọc sách mới vỡ ra, ồ, mình là người Việt Nam mà mình không biết gì về lịch sử, triết học Phật giáo Việt Nam!”.

Từ đó Mạnh Đạt quyết định tự tạo cho mình nhiều cơ hội nhất có thể để quay trở về Việt Nam, tìm hiểu đạo Phật, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam xuyên suốt cả chiều dài lịch sử và phát triển, để vẽ nên những màu sắc văn hóa, linh hồn của dân tộc.

Không dễ dàng gì để một nghiên cứu sinh rời quê hương đã lâu, nay lại muốn tự mình nghiên cứu và trải nghiệm văn hóa Phật giáo Việt Nam, nên Đạt đã trải qua nhiều hướng nghiên cứu nhằm tìm ra được đề tài thực sự ý nghĩa với chính mình. Theo đó, năm 2014, khi tìm hiểu về Phật giáo nước nhà, Đạt quan tâm những cơ sở nuôi dạy trẻ em trong các ngôi chùa Việt với cách đặt vấn đề như: “Những Tăng Ni, người chăm sóc trẻ giáo dục trẻ em như thế nào? Khi trẻ sống trong môi trường tôn giáo liên tục như vậy, điều đó có ảnh hưởng đến sự hòa nhập với xã hội của trẻ không?”.

Trước khi về TP.HCM thực hiện đề tài vào ngày 2-9-2016, Đạt đã tiến hành nghiên cứu ở Huế sáu tháng (chia làm ba lần, mỗi lần hai tháng), “nhưng nếu chỉ khoanh vùng ở đây thì đề tài không đủ rộng cho một luận án tiến sĩ, nên tôi quay vào Nam. Thuận lợi là tôi vẫn còn nhiều người thân tại Sài Gòn, nhưng khó khăn là phải xây dựng lại từ đầu các mối quan hệ mới cho tiến trình nghiên cứu ở thành phố”, Đạt bộc bạch.

Rồi bạn kể, trong một lần xách xe máy tiền trạm các chùa, chạy ngang qua chùa Giác Ngộ, dừng xe và vào tham quan chùa, không khỏi ấn tượng với kiến trúc vừa hiện đại vừa thuần Việt trong chánh điện. Sau đó, Đạt đăng ký tham dự khóa tu Ngày an lạc vào tháng 11-2016, mở đầu cho việc tham gia các khóa tu về sau. Từ các cuộc trò chuyện, tham vấn với chư Tăng trong chùa, Đạt tìm được hướng mới cho đề tài: “Phật giáo Việt Nam với các hoạt động từ thiện, công tác xã hội và ứng dụng tâm lý trị liệu để chữa bệnh và giáo dục”.

… đến dùng cơm trong chánh niệm   

Nguyễn Mạnh Đạt với pháp danh Giác Trí Nghĩa chia sẻ cảm giác của những ngày đầu là một hành giả với cảm xúc khó tả.

Trí Nghĩa kể, trong thời khóa thiền 45 phút của những ngày đầu tu học, một thiền sinh chưa có kinh nghiệm như Đạt dễ rơi vào hôn trầm (ngủ gật). Càng tu học, chàng nghiên cứu sinh 9X đã tìm được cách khắc phục. “Nhưng tôi thích thiền hành hơn, vì khả năng hôn trầm thấp hơn” - Đạt cười. Sau khi kết thúc khóa tu, về nhà bạn vẫn giữ thời khóa ngồi thiền một lần mỗi ngày, khi được hỏi có phải để phục vụ nghiên cứu, Giác Trí Nghĩa giải thích: “Không hẳn đâu, vì trong nghiên cứu, tôi cũng tránh áp đặt trải nghiệm bản thân lên trải nghiệm người khác. Khi mình cố chấp vào tư tưởng của mình, mình không nghe được tư tưởng người khác nữa”.

Nhớ lại một bữa ăn chỉ có cơm trắng, tàu hủ, rau muống thôi mà thiền sinh Mạnh Đạt cảm thấy thật ngon. Bạn phân tích: “Lúc đó tôi ăn cơm trong chánh niệm, im lặng của thân và tâm, ăn chỉ biết mình ăn, không vội vàng, ăn từng muỗng. Cảm nhận đầu tiên là ngon. Và cảm nhận thứ hai là cảm giác biết ơn với các nhân duyên hội tụ đưa mình đến với các món ăn này. Lúc trước tôi chỉ biết ở phương diện lý thuyết trong sách vở, nay thực hành mình mới tự thấu hiểu được. Thêm nữa, do ở Mỹ, cuộc sống luôn vội vàng, tôi không nghỉ trưa, làm quần quật từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bên đó có chứng nghiện làm, một ngày mình không làm việc cảm thấy tội lỗi lắm, dù mình không làm gì sai. Đặc biệt với những người mắc ‘bệnh nghiên cứu sinh’ như mình, lúc nào cũng nghĩ về đề tài. Thả lỏng, buông bỏ xuống, để được một bữa ăn chỉ để ăn không phải là chuyện dễ dàng”.

Nói đến việc theo đuổi ước mơ và lý tưởng khi trở thành một nghiên cứu sinh của trường đại học danh tiếng - Đại học Boston, Đạt khiêm tốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng: “Fake it till you make it (Hãy cứ giả bộ cho đến khi mình làm được)”, tương đồng với một câu trong tiếng Việt là “cứ phóng lao đi rồi chạy theo lao”. Đó cũng là một cách suy nghĩ để Trí Nghĩa không bỏ cuộc với những khó khăn mà một học giả buộc phải đương đầu trong môi trường học thuật, vừa ở đất khách quê người lại vừa là người đầu tiên trong gia đình theo con đường này. Chia sẻ về đam mê học thuật nghiên cứu, Đạt nói, cần kiên trì với đề tài, luôn mở mang đầu óc học hỏi và đồng thời cũng cần chánh kiến trong nghiên cứu nói riêng và trong cuộc sống nói chung.

a PGTT 899 (bo sung).jpg

Nguyễn Mạnh Đạt xuất gia gieo duyên - Ảnh: NVCC

Nguyễn Mạnh Đạt tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ quốc tế và Tôn giáo học tại Đại học Bard, tốt nghiệp thạc sĩ và đang là nghiên cứu sinh, trợ giảng tại khoa Nhân học, Đại học Boston.

Bên cạnh việc nghiên cứu, trong thời gian trở về Việt Nam, Nguyễn Mạnh Đạt giảng dạy tiếng Anh thiện nguyện ở chùa Long Phước (TP.HCM), tham gia Tổ chức IVCE - dạy tiếng Anh miễn phí ở Đại học Y Dược Huế và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

Diệu Tâm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày