GN - Lưu Nguyễn - nick name Facebook cá nhân của Nguyễn Văn Lưu (27 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, H.Phù Cát, Bình Định) thu hút gần 80.000 người theo dõi. Mỗi bài chia sẻ của Lưu có trung bình vài ngàn lượt quan tâm.
Lưu được chú ý như vậy bởi anh đã làm những việc có lẽ khó ai làm được.
Nguyễn Văn Lưu
Bước qua nghịch cảnh
Chúng tôi bất ngờ khi lắng nghe chia sẻ của Lưu về cơ duyên đưa bạn đến với những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo hiện nay, đó là từ khi gặp tai nạn bị mất đi một chân và mãi mãi trở thành người tàn tật. Cách đây 4 năm, khi còn ở Sài Gòn, trong một đêm đi làm về, đến chân cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), Lưu bị một chiếc xe hơi 7 chỗ đâm trúng.
“Ngay thời điểm ấy, một bên chân của tôi đã bị dập nát! Dù vậy, tôi vẫn rất tỉnh táo, ngồi dậy ôm lấy chiếc chân ấy và khóc... Tôi cứ khóc, máu cứ chảy, ướt hết cả quần. Tôi năn nỉ người tông mình đưa vào bệnh viện nhưng họ vẫn không làm gì, chỉ đứng nhìn. Người đi đường thì ghé lại như đi… xem hát, những ánh mắt hiếu kỳ, rồi họ đứng bàn tán chứ không giúp mình vào bệnh viện”, Lưu hồi tưởng.
Chàng trai 24 tuổi khi đó “rất sợ mình sẽ chết”, chịu đựng cái đau mãi đến khoảng nửa tiếng, một tài xế taxi và thanh niên phục vụ quán gần đó mới đưa Lưu vào bệnh viện.
Nỗi đau đó càng lớn hơn khi Lưu nghe bác sĩ nói một bên chân mình không giữ được, phải cưa gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bản cam kết cắt bỏ một phần chi dưới (bên trái) được Lưu ký trước khi người thân kịp có mặt. “Ba mẹ vẫn ở quê không biết gì, vì tôi chỉ dám nói là bị tai nạn gãy chân, băng bột là khỏe, chứ không sao hết”.
Chỉ trong một đêm, từ chàng trai khỏe mạnh, Nguyễn Văn Lưu trở thành bệnh nhân khuyết một chân, được đẩy ra nằm một mình trong căn phòng hồi sức lạnh lẽo.
“Tôi ráng chồm người, ngẩng đầu dậy nhìn cái chân bị cắt cụt hơn chục lần rồi nằm khóc rất nhiều, suy nghĩ vu vơ rất nhiều chuyện: giờ một chân vậy rồi sau này sao đi lại, ba mẹ vào nhìn thấy sẽ như thế nào, rồi sau này làm sao đi làm kiếm tiền được để nuôi ba mẹ, sau này sao đủ can đảm gặp bạn bè…”, Lưu rưng rưng thuật lại.
Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã kịp nhủ mình, là chỉ khóc trong phòng này thôi, sau khi đẩy ra khỏi cánh cửa hồi sức sẽ không rơi nước mắt trước người thân, ba mẹ, anh em, bạn bè...
Ngày hôm sau khi tới bệnh viện, vừa bước vô phòng, mẹ Lưu đã quỵ xuống thành giường... “Lúc đó, cảm giác của tôi đau lắm. Nhưng tôi vẫn quyết không rơi nước mắt trước mặt ba mẹ. Dù sau đó có khóc hàng đêm bên vách tường bệnh viện thì sáng dậy cũng cười - để người thân, bạn bè an lòng”, Lưu kể.
Cũng từ đó, Lưu lấy nụ cười làm liều thuốc trấn an tinh thần mình, cố gắng từng ngày vượt qua sự nghiệt ngã mà mình đang nếm trải; dần chấp nhận và đồng hành cùng với nó, phần lớn là vì tình thương yêu ba mẹ. “Tôi không muốn mình khổ vì bất hạnh này của bản thân, để ba mẹ khổ hơn nữa vì cái khổ mình mang”, chàng trai lý giải.
Hơn nữa, Lưu còn nghĩ có những hoàn cảnh éo le bản thân từng gặp còn tệ và nặng hơn mình gấp 100 lần... Cũng từ đó, bạn bắt đầu cố gắng mỗi ngày, mạnh dạn đi ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Sau khi xuất viện về nhà với ba mẹ, Lưu đi chùa hàng đêm, tham gia các hoạt động thiện nguyện ở tịnh xá và cảm nhận được những nỗi đau, thiếu thốn mà người xung quanh - điều mà lúc trước, khi còn hai chân bạn chưa cảm nhận được hết…
Dâng đời niềm vui
Qua việc quán chiếu nhân-quả, Nguyễn Văn Lưu không dừng lại ở việc chấp nhận mất mát của bản thân, bạn còn chọn cách chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh hơn. Bạn bắt đầu công việc đó bằng những buổi đến tịnh xá Ngọc Như (xã Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định) công quả, chung sức cùng quý sư cô trong các hoạt động thiện nguyện, sau đó là những kêu gọi giúp bệnh nhân nghèo trị bệnh.
Ban đầu chàng trai trẻ gặp không ít khó khăn, trắc trở. Lưu kể: “Người ta nói tôi bày đặt làm màu, câu like. Có người còn ác ý nói, thân tàn tật vậy mà giúp ai được, làm chuyện cười cho thiên hạ”. Bỏ ngoài tai tất cả, Lưu kiên trì với tâm nguyện còn có thể giúp được người khác thì mình cứ dấn thân. Lẳng lặng một mình đi và làm, dù xa hay gần, ngoài Bắc trong Nam, nếu đủ duyên Lưu đều đi đến thăm các hoàn cảnh khó khăn khi bạn được giới thiệu. Tìm hiểu kỹ câu chuyện của họ, Lưu viết bài chia sẻ lên Facebook để mọi người chung tay.
Với đôi chân không còn lành lặn, một bên chân bị cắt với mỏm cụt có thể hành đau bất cứ lúc nào, Lưu vất vả hơn rất nhiều. Bạn chia sẻ: “Nhiều lúc đi vào vùng sâu xa chỉ một thân một mình với cái chân giả, ăn ngủ cực khổ, thiếu thốn. Có những chuyến đi mệt quá, mỏm cụt chỗ chi bị cắt cũng yếu đi, lên cơn đau nhức... Những lúc vậy, nếu không cố gắng sẽ nản lòng”.
Lưu chia sẻ với một bệnh nhi
Có những hoàn cảnh khó khăn ở tận miền Tây, Nguyễn Văn Lưu lặn lội từ Bình Định vào Sài Gòn, rồi xuống trực tiếp nhà họ, đi trong 3 đến 5 ngày. Đã vậy còn xin họ ngủ lại, nhà họ nghèo không có chỗ ngủ, không điện nước, nhà vệ sinh cũng không... Song Lưu không nề hà, vui vẻ sống cùng họ để cảm nhận.
“Tôi tự an ủi, họ sống được mình cũng sống được... Mình chịu khó chịu cực vài ngày mà có thể kết nối để đem lại cơ hội cho họ tốt hơn từ tấm lòng nhiều người. Nghĩ đến những khắc khổ, bất hạnh, đau thương của họ rồi sẽ có thể nở nụ cười bình an, hạnh phúc khi được giúp mà tôi cố gắng hết ca này tới ca khác…”, bạn nói.
Có lẽ vì thế mà Sư cô Thích nữ Sen Liên, trụ trì tịnh xá Ngọc Như đã không tiếc lời khen Lưu: “Những việc Lưu làm, ngay cả tôi còn chưa làm được. Đó là duyên lành và cũng là phát nguyện lớn của Lưu, rất đáng khen ngợi”.
Tuy nhiên, với Lưu, niềm vui lớn nhất với bạn không phải là được khen. “Tôi hạnh phúc khi được mọi người trân trọng công sức mình dù chỉ biết việc mình làm qua Facebook, ngay cả khi chưa gặp nhau lần nào. Hay nhìn niềm vui bệnh nhân khi họ được hỗ trợ điều trị, tôi biết, lòng từ nơi nhiều người chung tay đã cứu họ khỏi sự tuyệt vọng cũng như nỗi đau thể xác sau đó”, Lưu nói. Và đâu đó còn là nụ cười của mẹ, sự yên lòng của ba khi thấy Lưu không gục ngã trên bước ngoặt quá lớn, ngược lại đã đứng vững chãi không phải trên đôi chân xương thịt mà là nghị lực bên trong.
Với tâm niệm chỉ giúp ngặt chứ không giúp nghèo, những ca mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn mà bạn kết nối, may mắn là họ cũng sớm về với gia đình, trở lại cuộc sống bình thường như mong muốn của Lưu cũng như các mạnh thường quân. Đến nay, con số bệnh nhân được Lưu giúp đỡ (giới thiệu trên Facebook, nhận và chuyển hỗ trợ đến tận tay để họ được điều trị khỏi bệnh) đã lên đến 40 trường hợp, với số tiền vận động trên 5 tỷ đồng.
Hỏi về trăn trở trên bước đường hành thiện, Lưu cười tươi rói, rồi chỉ vào chiếc chân với mỏm cụt: “Tôi chỉ sợ không đủ sức khỏe và không thể đi đến được những nơi xa xôi hẻo lánh chứ bản thân không có vướng bận gì khác”.
Những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại (kể từ 25-7), Lưu không thể đi thăm các bệnh nhân. Điều mà bạn mong muốn nhất là: “Chỉ mong hết dịch bệnh, cuộc sống mọi người trở lại bình thường, rồi tôi còn đi đến những nơi người ta nhờ mình giúp nữa!”…
Xem người dưng như người thân * Trong hành trình sẻ chia của mình, ngoài vận động tiền bạc giúp người khó, ngặt thì bạn còn tắm rửa, không nề hà chăm sóc cho những cụ lớn tuổi, tật nguyền, có khi hôi thối vì không người dọn dẹp? - Nguyễn Văn Lưu: Thực sự, tôi đã từng chăm sóc ông nội mình trong thời gian ông nằm một chỗ đến khi mất nên hiểu hết cái dơ, hôi thối của người già, người bệnh liệt giường… Biết là khó chịu khi tiếp xúc, nhưng thấy các cụ như vậy thương lắm, nằm hôi thối một chỗ, một mình ăn uống hàng ngày trên chính dơ bẩn ấy nên tôi không nỡ lòng nào quay lưng đi được. Thà không thấy thì thôi, nếu gặp hay thấy được, tôi đều nghĩ mình có duyên với cụ đó và sẽ cố gắng giúp bằng sự chân thành. Để vượt qua cảm giác khó chịu hay ghê sợ, tôi quán chiếu, xem họ như người thân của mình, không phân biệt. Rồi nghĩ, nếu họ mà có người thân chăm sóc thì đâu cần tới mình. Thế là làm! Tất nhiên, sau khi làm việc ấy về tôi rất mệt, nhất là mỏm cụt bên chân bị tai nạn đau, cả người thì mỏi. Có những trường hợp các cụ không ai vệ sinh, không ai chăm sóc quá lâu - dẫn tới quá hôi thối, tôi bỏ cơm hết mấy ngày vì ám ảnh mùi đó. Như cụ ông ở Hà Nội - trường hợp đầu tiên tôi giúp tắm rửa, cả xóm của cụ không một ai bước chân vào nhà cụ đứng được một phút vì những chất dơ bẩn lâu ngày bốc ra... Kinh khủng lắm. Nhưng lúc đó tôi dành trọn tình cảm như người thân luôn, giúp cụ dọn dẹp lau chùi sạch sẽ, thơm tho, cả xóm phải nể phục. Rồi hàng ngày, mỗi sáng dậy tôi đều qua dọn dẹp, quét, lau nhà, đổ nước tiểu, phân của ông, giặt đồ và rồi cho ông ăn xong mới về đi học. Trưa qua cho cụ ăn cơm, tối cũng vậy, xong bỏ mùng tắt đèn cho ông ngủ. Thời gian gần 2 tháng như vậy. Ông vừa mới mất hồi cuối năm ngoái, cũng thương nhưng như vậy là giải thoát cho cụ khỏi kiếp khổ cực neo đơn…
* Thật lành khi Lưu nói “xem họ như người thân”… - Khi chọn con đường thiện nguyện, điều đầu tiên nhất tôi phát tâm phải làm là bỏ đi “CÁI TÔI” ở nhà. Khi đó, tôi xem mình như một người tầm thường, đang là một người khuyết tật mang trên mình những sự đau thương đã trải. Tôi nghĩ, bây giờ mình cần những nỗ lực, cố gắng để gieo những tia hy vọng cho người khổ hơn, cứ thế mà tôi thực hiện. Họ cũng cần giúp đỡ như mình từng cần biết bao sự trợ giúp trong lúc tai nạn, tự dưng thấy họ với mình không xa cách, là một... Đồng cảm với họ, xem họ như người thân thì mình mới có sự thôi thúc tìm tới để đồng hành cùng họ trên chặng đường đau thương, cùng sự bất hạnh mà họ đang phải trải qua. * Hiện nay, tai nạn giao thông đang là vấn nạn quốc gia, Lưu có chia sẻ nào với những người tham gia giao thông để kéo giảm tình trạng? Với những nạn nhân chẳng may bị nạn, Lưu có lời khuyên nào giúp họ cũng vững chãi vượt qua như mình? - Từ khi bị tai nạn đến nay tôi ngại chạy xe đi xa và vẫn còn bị ám ảnh về đêm tai nạn ấy. Từ cửa tử trở lại tôi nghĩ, cho dù ở hoàn cảnh nào, mất mát ra sao, mình cũng cần phải CHẤP NHẬN sự thật mình đang trải và phải biết BUÔNG BỎ quá khứ từng đẹp cũng như không tốt đẹp đã xảy ra. Chỉ có như vậy mình mới đứng vững trên chiếc chân còn lại giữa cuộc đời đầy chông gai này... |
Chánh Quán / Báo Giác Ngộ số 1064