Chánh ngữ trong thời loạn thông tin

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1210 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…

"Hiện tượng câu view, câu like trong báo chí đã khiến cho các tòa soạn, người viết đôi khi bám vào ‘miếng’ thông tin xấu từ một ngôi chùa, vị tu sĩ nào đó để đẩy sự việc đi xa. Một đốm lửa nhỏ, một ‘con sâu’ bị biến thành chất liệu đưa tin, tô đậm bởi liều lượng và nâng quan điểm khiến dư luận ngộ nhận, hiểu lầm đó là Phật giáo trong khi chỉ là cá nhân. Đó có thể xem là sự cực đoan khi thông tin về Phật giáo… và cảnh giác “tránh làm cho đốm lửa lan ra thành đám cháy cả rừng cây", vấn nạn này đã từng được tác giả Lưu Đình Long đề cập trên báo Giác Ngộ (số 1207, 23-6-2023).

Điều đó là vấn nạn không chỉ với Phật giáo, mà là hiện tượng cho xã hội gần đây, khiến không ít người điêu đứng và gây nên nhiều hệ lụy.

Cách đây hai năm, cũng trên Giác Ngộ, khi đặt vấn đề “Khủng hoảng truyền thông hay khủng hoảng đạo đức?” trên mục Điểm nhìn, chúng tôi cũng từng nhận định, rằng gần đây trên các trang mạng xã hội đã dấy lên một cuộc chiến bằng hình thức livestream… vì liên quan đến những nhân vật mà chúng ta quen gọi là “celebrities”, những người nổi tiếng trước công chúng, những người thành đạt trong nghề nghiệp của mình… Họ bóc mẽ nhau và đào bới những góc khuất sau ánh hào quang của nhau ra trước công chúng… gây sóng gió ồn ào thị phi và họ gây ra khủng hoảng truyền thông hay chính họ đang bị khủng hoảng đạo đức khi bóp méo sự thật khiến công chúng mất niềm tin.

Luật sư Ngô Tiến Nhân cũng từng cho rằng chúng ta đang sống trong một bể thông tin với nhiều sự thật bị bóp méo nên dần dần niềm tin xã hội và niềm tin giữa con người bị bào mòn. Vấn đề đáng quan tâm đã được anh nêu ra, đó là “Chúng ta quen với sự dối trá, sự nói dối đến mức mà chúng ta gặp người trung thực, gặp những sự việc rất thật nhưng chúng ta vẫn hoài nghi”.

Khủng hoảng đạo đức

Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…

Như vậy sự kiện bêu rếu nhau trên mạng nghĩ cho cùng do họ thiếu tự trọng, hay thiếu lòng nhân ái khi muốn dìm người khác xuống bùn đen vì lý do nào đó.

Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa điểm ra 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, qua đó giúp người dùng nhận biết để phòng tránh, tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác).

Theo ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm qua đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75, 6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Nhà văn Nhật Chiêu đã nhìn nhận ngoài sự nói dối, còn có vấn đề đạo văn. Ông nói từng cay đắng cho rằng “Và điều kinh khủng xảy ra bao nhiêu năm nay là hiện tượng đạo văn, đây là sự nói dối thật sự rất kinh khủng. Lấy văn của người khác và nói là của mình. Các bạn đã đạo văn nhưng thái độ sau khi bị phát hiện rất là buồn cười và bi hài. Hầu hết đều không xem chuyện mình đạo văn là nhục nhã, là sai lầm. Mà đều cho đó là chuyện bình thường, là điều tất nhiên và thậm chí nói trước hội đồng là việc mà tìm tòi tài liệu, ghi nhận được các tài liệu và chép lại thì đó đã là nghiên cứu, là đã bỏ ra rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt để có được. Chuyện này thật không thể nào tưởng tượng được. Các bạn nói dối mà cho đó là đạo đức chứ không phải là điều gì đó đáng phê phán”. (Cuộc sống càng văn minh, con người càng nói dối nhiều hơn, Thanh Niên, 25-5-2019)

Nhà văn Nhật Chiêu cũng phân tích thêm, thời đại càng văn minh thì sự nói dối và tội ác càng dễ hơn vì ngày xưa nếu giết một người là cầm dao, gươm đâm chém và cảnh tượng tuôn máu xối xả ngay trước mắt khiến bạn run sợ và ngại làm điều đó. Còn ngày nay chỉ cần ngồi ở trong phòng và chỉ cần ấn một nút là có thể giết hàng trăm người hoặc nhiều hơn thế nữa.

Làm thế nào…?

Microsoft đã lập ra dự án chiến đấu chống thông tin sai lệch trực tuyến.

Tập đoàn công nghệ này hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận Trust Project vào năm ngoái để đề xuất các công cụ giúp người dùng tìm kiếm các nguồn tin đáng tin cậy. Trust Project là một nhóm các tổ chức tin tức liên kết.

Microsoft và Trust Project đã tạo ra quảng cáo để dẫn dắt người dùng internet đến danh sách 8 “chỉ số tin cậy” có thể được sử dụng để đánh giá các trang web. Một chỉ số là xác định rõ ràng ý kiến trong văn bản. Những chỉ số khác cung cấp hướng dẫn để nhận biết những bản tường thuật tốt, phát hiện những thiên kiến và tìm kiếm nguồn tin chất lượng.

Microsoft cho biết hầu hết những người đã từng nhìn thấy chỉ số này cho biết bản hướng dẫn đã giúp họ cải thiện khả năng đánh giá xem nguồn tin trực tuyến nào đáng tin cậy và nguồn tin nào chứa thông tin sai lệch. “Giai đoạn này là một thử nghiệm đối với chúng tôi”, Ginny Badanes, giám đốc Chương trình Sáng kiến hướng về Dân chủ của Microsoft nói. Badanes cho biết với The Associated Press, “Thế giới đang thay đổi rất nhanh và mọi người cần các công cụ để trang bị cho mình. Các dịch vụ như Twitter, Facebook và YouTube đã bị chỉ trích vì kích động sự chia rẽ chính trị và làm giảm niềm tin vào hệ thống dân chủ”.

Hiện đã có nhiều nỗ lực nhằm chống lại thông tin sai lệch trực tuyến. Điều này bao gồm các dịch vụ kiểm chứng nhanh sự thật. Những dịch vụ này cố gắng kiểm tra các câu chuyện tin tức thu hút sự chú ý của công chúng và giải thích xem chúng có đúng hay không. Tuy nhiên, các dịch vụ này đòi hỏi nhiều nghiên cứu và người thực hiện, không được nhiều người biết đến và không có khả năng thuyết phục những người mất niềm tin vào mạng xã hội.

Một cách khác để chống lại thông tin sai lệch trực tuyến là thông qua nỗ lực tiết chế của các công ty công nghệ. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thể làm hài lòng nhiều nhà phê bình dịch vụ truyền thông xã hội. Và những nỗ lực lập pháp để ép buộc các công ty công nghệ tự thực hiện công tác tự kiểm duyệt cũng tiến triển chậm.

Ngoài ra còn một số biện pháp khác như nâng cao kỹ năng tư duy phản biện và hiểu biết về truyền thông đa phương tiện đã cho thấy sự thành công. Những biện pháp này nhằm giúp mọi người học cách nhận biết thông tin sai lệch. Năm ngoái, Google đã tung ra một loạt video trên YouTube ở Đông Âu nhằm giảng dạy cho mọi người cách thông tin sai lệch hoạt động. Chiến dịch đó gần đây đã được mở rộng sang Đức. Sally Lehrman là một phóng viên và giám đốc điều hành Trust Project. Bà nói với AP rằng có nhiều dấu hiệu nhận biết những tổ chức cung cấp tin trung thực. Những tổ chức này sẽ nhận diện nguồn tin, làm đa dạng hóa tiếng nói và yêu cầu nhân viên tuân thủ quy luật đề ra nhằm mục đích cung cấp các bản tin chất lượng cao.

Lehrman cũng nói rằng nhu cầu về những chương trình mở rộng hiểu biết truyền thông cho quần chúng cần phải đẩy mạnh tăng nhanh vì những công cụ như trí tuệ nhân tạo dễ dàng tạo thông tin giả và truyền bá rất mau. Nói cách khác, truyền thông phải đặt cơ sở và niềm tin vào chánh ngữ dù trong bất kỳ hoàn cảnh và thời đại nào.

Vì sao Chánh ngữ luôn cần cho đời sống?

Chánh ngữ là một trong trong 8 chi phần, nguyên tắc sống đưa đến hạnh phúc, được gọi là Bát Chánh đạo. Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Về mặt tích cực, Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta phải tu tập để có những lời nói chân thật, hòa hợp, dịu dàng và có ý nghĩa xây dựng, đem lại an vui cho chính mình, cho người khác và môi trường sống. Khi thực tập được những lời nói này, chúng ta được nhiều người quý mến. Để đáp lại, họ sẽ lắng nghe những gì ta nói ra, và sẽ đáp ứng thân thiện và xây dựng.

Trong Tăng chi bộ, Đức Phật dạy:

“Có bốn pháp tịnh hạnh về lời nói:

Ở đây, có người đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”; nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”; nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì.

Người ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi. Nghe điều gì ở chỗ này, người ấy không đi đến chỗ kia nói, để gây chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, người ấy không đi nói với những người này, để gây chia rẽ ở những người kia. Như vậy người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

Người ấy đoạn tận lời nói độc ác, từ bỏ lời nói độc ác. Người ấy chỉ dùng những lời nói nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người.

Người ấy đoạn tận lời nói phù phiếm. Người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói Pháp, nói Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, lợi ích”.

Đó cũng là bốn thiện nghiệp về khẩu trong mười thiện nghiệp (thập thiện nghiệp) mà Đức Phật thường giảng dạy cho các vị đệ tử cư sĩ.

Trong kinh Lời nói, Đức Phật giảng năm yếu tố của một lời nói thiện lành như sau:

“Thành tựu năm chi phần, này các Tỳ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những bậc hiền trí chỉ trích. Thế nào là năm? Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời đem đến lợi ích, nói với từ tâm”.

Ðức Phật chê trách những cuộc nói chuyện huyên thuyên, phí thời gian vô ích. Những lời gièm pha và đồn đãi không đem đến lợi lạc gì, vì chúng làm quấy động sự yên tĩnh và định tâm. Ngài cũng giảng thêm rằng người ta không thể trở thành bậc trí chỉ vì nói nhiều, cũng không phải vì nói nhiều mà người ta được gọi là bậc thông suốt Pháp (Dhammadhara), như trong các Pháp cú, kệ 100 sau đây:

“Dù nói ngàn ngàn lời,

Nhưng không gì lợi ích,

Tốt hơn một câu nghĩa,

Nghe xong, được tịnh lạc”.

Trong tiếng Pāli, từ “Mâu-ni”(Muni) trong danh hiệu của Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni” (Sakya Muni) cũng có nghĩa là người luôn giữ sự yên lặng (bậc Tịch tịnh), thường được dùng để gọi một vị thánh. Đức Phật thường khuyên các vị tu sĩ đệ tử rằng:

“Này các Tỳ-kheo, khi quý vị hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: Một là đàm luận về Chánh pháp, hai là giữ sự im lặng của bậc thánh” (Phật tự thuyết).

Tóm lại, lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng, không những tác động đến đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể tác động đến sinh hoạt của xã hội. Nếu có tỉnh giác và định hướng tốt, lời nói qua các cuộc đàm luận, giao tiếp hằng ngày, sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sự tu tập của những người con Phật chúng ta. Chính vì thế mà Đức Phật đã đưa Chánh ngữ vào Bát Chánh đạo.

Thực tập Chánh ngữ có quá khó?

Trước hết, để duy trì Chánh ngữ, sống trong thế giới thông tin bùng nổ, cần tỉnh giác, khi tiếp nhận thông tin và có một thái độ, hành động liên quan, chúng ta thực hiện một số biện pháp sau đây:

Xác minh thông tin: Trước khi chia sẻ thông tin, hãy xác minh tính xác thực của nó. Kiểm tra nguồn gốc và tin cậy của thông tin trước khi tin tưởng và lan truyền, bình luận hay đơn giản là bày tỏ thái độ, cảm xúc.

Đọc và nghiên cứu đa chiều: Hãy nghiên cứu từ nhiều nguồn tin khác nhau và có quan điểm khác nhau để có cái nhìn toàn diện về một vấn đề. Tránh dựa vào một nguồn tin duy nhất để tránh thiếu sót thông tin và đánh giá sai. Chúng ta không dễ bị lừa đảo trực tuyến nếu suy luận nhiều hướng ví dụ giả danh công an hăm dọa thì không có gì sợ vì công an muốn làm việc phải qua công an khu vực và tổ trưởng dân phố.

Suy luận logic: Sử dụng khả năng suy luận để xem xét thông tin một cách khách quan. Hãy phân tích và đánh giá các bằng chứng và lập luận được đưa ra trong thông tin để xác định tính hợp lý và đáng tin cậy của nó.

Không chia sẻ thông tin không kiểm chứng: Tránh chia sẻ hoặc lan truyền thông tin mà tự thân không thể xác minh tính chính xác của nó. Chia sẻ thông tin sai lệch chỉ làm gia tăng sự lan truyền thông tin không đúng đắn.

Đóng góp vào việc lan truyền thông tin chính xác: Để đối phó với thông tin sai lệch, hãy đóng góp vào việc lan truyền thông tin đáng tin cậy và chính xác. Chia sẻ nguồn tin đáng tin cậy và hỗ trợ những nỗ lực để tạo ra nền tảng tin tức đáng tin cậy trên internet và phương tiện truyền thông xã hội.

Giáo dục về truyền thông: Tăng cường giáo dục về truyền thông và phân biệt thông tin cho mọi người theo cách Microsoft đang làm.

Trang bị kiến thức về phân biệt thông tin: Hãy cập nhật và nâng cao kiến thức của bạn về các phương pháp phân biệt thông tin, nhận dạng thông tin sai lệch và xác định nguồn tin đáng tin cậy. Điều này giúp bạn trở nên nhạy bén và kháng cự với thông tin sai lệch.

Phải giữ chánh ngữ trước những sóng gió của dư luận là một việc khó khi ta dễ bị cuốn theo xu hướng (đu “trend”) để sỉ nhục hay phê phán ai đó không giống như mình nghĩ, và khi đó tránh rơi vào “bão tố truyền thông” để có thể phải ngậm ngùi trong vòng lao lý.

Như vậy chúng ta thấy vấn đề truyền thông sẽ không trở thành khủng hoảng khi con người biết sống khép mình trong giới hạn đạo đức mà hành xử, xét nét công tội kẻ khác cũng trong tinh thần hữu ái, tương thân, khoan dung và bảo ban nhau sống tốt hơn, đẹp hơn, mang tính xây dựng nhiều hơn.

Giữ Chánh ngữ trước bão tố truyền thông là hành động và quan điểm mà một người, tổ chức, hoặc kể cả chính phủ đưa ra trước, trong hay sau khi một cuộc bão tố truyền thông đổ bộ. Trong bối cảnh này, “bão tố truyền thông” ám chỉ một cuộc tấn công trên mạng liên quan đến một vấn đề cụ thể, thường là có tính tranh cãi hoặc gây tranh chấp. Phải giữ quan điểm chính luận chống lại mọi xuyên tạc có ý đồ khác hoặc câu view như đã nói ở trên.

Đây là một phần quan trọng trong chiến lược truyền thông và quản lý thông tin của một cá nhân hoặc tổ chức. Mục đích của Chánh ngữ là định hình và kiểm soát cách mà một thông điệp hoặc tin tức được truyền đạt cho công chúng, trong nỗ lực tạo ra ảnh hưởng tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc bão tố truyền thông với các kỹ năng mà bất cứ ai cũng cần biết.

Một điều mà chúng ta cần lưu ý là tránh tranh cãi và căng thẳng. Tránh tranh cãi không cần thiết và không để bị cuốn vào căng thẳng với các bên liên quan. Sử dụng ái ngữ (những lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe) giao tiếp với nhau. Người xưa thường có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Quả thật như vậy, mỗi lời nói của chúng ta dù là nghiêm túc hay đùa cợt cũng sẽ ảnh hưởng một thay đổi nào đó trong cuộc sống. Có những lời nói sẽ cứu giúp được cuộc đời của một con người. Vì vậy mỗi khi quyết định nói ra điều gì mỗi người cần phải tự đặt địa vị của mình vào nghe xem liệu những gì ta sắp nói ra có làm họ phiền lòng không. Và hãy nói làm sao cho người dễ tiếp nhận nhất chứ đừng cau có, gắt gỏng, thóa mạ hay xúc phạm nhau.

Nói phải đi đôi với lắng nghe, nếu chỉ biết nói theo ý mình mà không chịu lắng nghe người khác thì sẽ chẳng ai có thể chịu nổi ta. Học cách lắng nghe để thấu hiểu người khác hơn. Đồng thời chúng ta cũng là thấu hiểu chính mình xem mình thực sự cần gì và phải làm gì. Đức Dalai Lama nói: “Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp họ, thì ít nhất đừng làm tổn thương họ”.

Tổng kết trong một nghiên cứu của Đại học Harvard trải qua 75 năm, để tìm hiểu điều gì quan trọng nhất làm nên hạnh phúc của con người chính là các mối quan hệ. Các mối quan hệ bền vững bao giờ cũng phải dựa trên sự chân thành chứ không phải sự dối trá. Nên muốn hạnh phúc, chúng ta phải dựa trên sự chân thành. Điều đó càng ý nghĩa hơn trong xã hội phức tạp ở kỷ nguyên số như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày