“Chìa khóa” Giác Ngộ mở cánh cửa đời tôi!

Bạn trẻ đọc báo Giác Ngộ - Ảnh: B.Th
Bạn trẻ đọc báo Giác Ngộ - Ảnh: B.Th
Giác Ngô - Sinh trong một làng quê nghèo, 3 tuổi mẹ tôi khuất bóng, tôi lớn lên trong sự nuôi nấng của người cha và anh chị. Năm 2009 tôi dự thi đại học và đắn đo chọn trường nhưng chỉ được vài tháng bước vào thực tế lại bế tắc, tôi chìm trong những tháng ngày đau khổ, nhiều người hoài nghi về tôi. 

Một ngày, khi đang lang thang trên đường thì thấp thoáng đằng xa tôi thấy một tôn tượng Đức Phật cao lớn ngồi trên tòa sen vàng tay cầm một đóa sen, miệng mỉm cười, ánh mắt nhìn xuống. Lúc này tôi chưa hề có lòng tin nơi Phật và không biết Phật là ai? 

Ngày tháng trôi qua tôi vẫn chỉ thích ngồi ở đó, nhìn người ra vào ngôi chùa ấy, ai nấy vui tươi, chư Tăng tự tại không buồn phiền, tôi suy nghĩ: “Sao ở đây mọi người vui vẻ, hòa nhã còn tôi lại không thể? Chùa thật bình an!”. Thế là, sau mỗi buổi học tôi thường về chùa chứ không chạy thẳng về nhà rồi tiếp tục tò mò tìm đến kho sách Phật để tìm hiểu. Tôi lục tìm và nắm bừa một cuốn khá mỏng đề hai chữ  “Giác Ngộ”. Tôi nhẹ nhàng mở từng trang báo và đọc, rồi lặng lẽ dừng lại ở từng mục, cảm nhận nhiều số phận bất hạnh ngoài kia đang vật lộn hàng ngày để có một bữa ăn, một mái nhà đúng nghĩa…

Và hai năm sau, không tuần nào tôi không đến chùa, không tuần nào không có Giác Ngộ mới in còn hơi ấm. “Ghiền” Giác Ngộ và tự hỏi sao mỗi tuần chỉ có một cuốn, tiếc vì sự ít ỏi đó bởi nhờ tờ báo mà tôi đã chững chạc rất nhiều từ lời nói đến suy nghĩ; lòng từ cũng được nuôi lớn dần từ những bài viết thấu tình đạt lý…

Cuối năm 2011 này, tôi tròn 21 tuổi, ấp ủ một ước mơ là sau này sẽ có đủ điều kiện lập quỹ từ thiện, giúp ích mọi người. Cảm ơn Giác Ngộ đã kịp mở ra cho tôi một lối đi, một chân trời cao đẹp!

Nguyễn Viết Minh (21 tuổi, SV ĐH Y Dược TP.HCM)

LTS: Bạn đọc có kỷ niệm nào với Giác Ngộ? Đó có thể là những thay đổi tâm thức, một tấm hình của bạn được đăng báo cách đây nhiều năm mà bạn nhớ, hoặc là bạn tình cờ “nhặt” được một tờ Giác Ngộ ở đâu đó và bén duyên với đạo? 

Hãy gửi những chia sẻ ấy cho chúng tôi, trước thềm kỷ niệm 36 năm ngày Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2012).

Bài vở gửi về bandocgiacngo@gmail.com.

Trân trọng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày