Chiếc phong bì sót lại

GN - Cướp, cướp,… cướp vé số… Có ai cứu tôi?...

Tiếng la thất thanh của bà Sáu bán vé số giữa ban trưa yên tĩnh của nghĩa địa nằm cạnh một khu phố nghèo không làm ai chú ý. Ở đây, chuyện cướp giật xảy ra hàng ngày làm trơ đi những trái tim hiệp sĩ vốn một thời lừng danh khu nghĩa địa.

phong bi.gif


Minh họa

Tuy vậy, có hai anh dân phòng đang ngủ gật dưới bóng râm cây bò cạp vàng cũng cố nhướng mắt đuổi theo gã đầu trọc đang ra sức gầm rú ống pô trên chiếc Wave cũ kỹ. Cuộc đuổi bắt dường như diễn ra như cho có lệ vì mọi người đều hiểu là kẻ cướp kia vốn thiện nghệ và xấp vé số trên tay bà Sáu cũng chẳng đáng giá bao nhiêu so với số tiền của những vụ cướp táo tợn hơn ở đây.

Nhưng cái chẳng đáng giá đó là cả một gia tài lớn của bà. 100 tấm vé số đó, nếu bán hết trong ngày hôm nay thì chiều nay cái chòi lá ọp ẹp của bà bên cạnh gò mả đất đầu xóm sẽ có bếp lửa hồng ấm cúng. Thằng Cu Tý, đứa cháu ngoại duy nhất sống với bà sẽ no bụng và tối nay nó sẽ hớn hở cùng chúng bạn kéo đến lớp học tình thương của chùa Đại Bi trong ánh mắt rạng rỡ niềm vui của bà ngoại nó. Và ba mẹ nó chốn suối vàng chắc sẽ cười mãn nguyện vì bà ngoại đã thay ba mẹ nó chăm sóc Cu Tý cẩn trọng như hồi ba mẹ nó còn sống vậy.

Hai anh dân phòng trở lại gốc cây bò cạp vàng với gương mặt tiu nghỉu vì cuộc đuổi bắt bất thành. Bà Sáu lủi thủi đi về phía cổng chùa Đại Bi, một thói quen mỗi khi bà gặp chuyện rủi ro trong cuộc sống. Chiếc nón lá bà đội đã rách bươm, không đủ cản được ánh nắng rọi lên mái đầu bạc trắng đã qua tuổi sáu mươi.

Trưa nay, cổng chùa không khóa như mọi khi mà chỉ khép hờ. Bàn tay còm cõi của bà chỉ đủ sức đẩy chiếc cổng nặng nề ra độ vài gang tay đủ để len người vào. Bà đi thẳng đến tượng Quan Âm lộ thiên và quỳ xuống cầu nguyện lâm râm điều gì đó. Dưới ánh nắng trưa, cái bóng bà nhỏ thó, nhăn nhúm đến thảm hại và cũng gầy còm y như bà. Trong không gian tĩnh lặng của ngôi chùa buổi trưa, hình như chỉ có cái bóng còm cõi ấy làm bạn với bà và thấu hiểu được trái tim thổn thức trong lồng ngực vốn đã quen với những bất hạnh của kiếp người.

Tuy bà cầu nguyện rất nhỏ, nhưng cũng đủ để thầy Tâm Thiện đứng sau lưng bà nghe được khá rõ ràng…

- “Lạy mẹ Quan Âm, con là Sáu Vé Số đây. Con bị kẻ xấu giựt mất xấp vé số rồi. Chiều nay thằng Cu Tý không có cái ăn. Con còn phải đền tiền cho chủ vé… Con xin Mẹ giúp con qua được cái khó này, cho thằng Cu Tý cháu con có cái ăn chiều nay để nó được vui vẻ đi học cùng chúng bạn… Nam-mô Đại từ Đại bi Cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát ”.

Thầy Tâm Thiện đặt nhẹ tay lên vai bà:

- Bồ-tát nghe rồi đó, thôi bà đi ra phía sau chùa ăn phần cơm mà nhà bếp đã để dành cho tôi. Hôm nay tôi đi trai tăng về không thấy đói…

Tuy thầy Tâm Thiện nói thế, nhưng bà Sáu vẫn chần chừ, vì bà hiểu rõ chùa Đại Bi vẫn là ngôi chùa nghèo trên vùng nghĩa địa này. Xưa nay, mọi người vẫn biết là thầy Tâm Thiện vẫn hay nhịn miệng để cho những người nghèo khó bất chợt ghé chùa.

Thầy Tâm Thiện nắm tay dắt bà Sáu xuống bếp ăn. Khi thầy trở lên thì cổng chùa đã chật ních người, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người đi hành hương í ới gọi nhau.

Thấy có thầy lên, mọi người bỗng im bặt. Cô Diệu Hạnh, trưởng đoàn hành hương với áo tràng lam trang nghiêm, đến bạch thầy:

- Bạch thầy, chúng con đi từ thiện ở trại dưỡng lão về. Nhân tiện ghé chùa lễ Phật.

Thầy Tâm Thiện tươi cười:

- Quý hóa thay, mời các vị ra sau rửa mặt rồi lên chánh điện lễ Phật.

* * *

Bà Sáu ngồi trước mâm cơm của thầy Tâm Thiện trong tâm trạng rối bời. Bà biết mình không đủ phước đức để có thể thọ dụng của chùa. Hơn nữa, thầy có thể phải nhịn bữa trưa nay để cho bà được no lòng… Bà Sáu cảm thấy áy náy trong lòng. Bà đứng dậy và trở ra tượng Quan Âm trước cổng chùa. Bà quỳ xuống dưới cái nắng gay gắt và tiếp tục cầu nguyện với Bồ-tát.

Lễ Phật xong, đoàn hành hương ra sân lễ Quan Âm trước khi ra về. Một người trong đoàn thấy bà Sáu quỳ ngay trước tượng Quan Âm làm chướng ngại cho sự hành lễ nên lên nói nhỏ với bà:

- Bà làm ơn cho tụi con đảnh lễ xong, sẽ trả lại sân cho bà nhé!

Cô Diệu Hạnh cũng vừa đi tới. Nãy giờ cô cũng nghe thầy Tâm Thiện kể về hoàn cảnh bà Sáu nên đã lục lọi lại trong giỏ xem còn gì để bố thí cho bà không. Khi bàn tay cô mò trong chiếc giỏ mềm mại, thì bỗng chạm phải một phong bì còn nguyên, chưa bóc vỏ. Cô ngạc nhiên lôi ra thì mới phát hiện đó là phong bì cô đã vô ý để sót lại khi tặng quà trong tại dưỡng lão sáng nay.

Cô Diệu Hạnh chạy vội đến đỡ bà Sáu dậy và nói với mọi người:

- Đây là bà Sáu bán vé số ở gần chùa. Bà mới bị kẻ xấu giật mất xấp vé số rồi. Cũng may, ở trại dưỡng lão, tôi đã vô ý để sót một phong bì trong giỏ. Mọi người có đồng ý tặng phong bì này cho bà Sáu không?

Mọi người vỗ tay:

- Đồng ý. Chụp tấm hình kỷ niệm luôn…

Bà Sáu được cô Diệu Hạnh đỡ đứng lên để chụp hình chung với đoàn từ thiện trước tượng Quan Âm. Bà được bố trí đứng giữa thầy Tâm Thiện và cô Diệu Hạnh. Lần đầu tiên trong đời bà cảm thấy hạnh phúc, ấm áp tình người như thế!

* * *

Buổi chiều hôm đó, người ta thấy chú Tám xe ôm chở đến túp lều tranh của bà Sáu một bao gạo 50 ký. Rồi chú còn chở bà đi trả nợ xấp vé số bị giật hồi trưa và mua cho thằng Cu Tý một cái áo trắng mới tinh để hàng đêm nó xúng xính đến lớp tình thương của chùa Đại Bi.

Chiếc phong bì còn sót lại đã làm cho buổi chiều trong khu nghĩa địa này ấm áp hơn dù mùa đông đã chớm về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.
Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày